Cơ hội phát triển du lịch "xanh"

09:32' - 27/09/2022
BNEWS Sự "tái khởi động" của ngành du lịch đang tạo cơ hội cho việc thúc đẩy quá trình hướng tới một nền du lịch xanh và thân thiện hơn với môi trường.

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến đầu năm 2022, đại dịch COVID-19 và những bất ổn toàn cầu đã đặt ra những trở ngại nghiêm trọng đối với ngành du lịch. Tàu chở khách không rời bến cảng, những khách sạn vắng vẻ, những địa điểm thăm quan du lịch thưa thớt người qua lại.

Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh thuyên giảm, "ngành công nghiệp không khói" trên khắp thế giới đang dần phục hồi với việc người dân đổ xô đi du lịch. Sự "tái khởi động" của ngành du lịch đang tạo cơ hội cho việc thúc đẩy quá trình hướng tới một nền du lịch xanh và thân thiện hơn với môi trường.

Nhân kỷ niệm ngày Du lịch thế giới 27/9/2022 với chủ đề "Tư duy lại về du lịch - Rethinking Tourism", tác giả Lize Barclay, giảng viên cao cấp về nghiên cứu tương lai & tư duy hệ thống tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Stellenbosch (Nam Phi) đã có bài viết với tiêu đề "Ngành du lịch xanh hơn, thông minh hơn và an toàn hơn vì tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người".

Trong bài viết, tác giả nhận định trên thực tế, ngành du lịch có một lịch sử đáng khen ngợi trong việc thực hiện các trách nhiệm đối với con người và hành tinh dưới hình thức du lịch có trách nhiệm và du lịch sinh thái. Dù vậy, vẫn còn những hoạt động du lịch biến tướng, thậm chí ngày càng nhiều cộng đồng sống phụ thuộc vào những công việc này để kiếm sống.

Về mặt môi trường, các hoạt động du lịch như săn bắn, lặn trong lồng sắt để chiêm ngưỡng cá mập, đi bộ với voi và các tour du lịch khám phá sa mạc ngày càng bị coi là những hình thức du lịch không bền vững, phi đạo đức và có hại.

Lấy ví dụ về săn bắn, một nghiên cứu năm 2018 đã chỉ ra rằng hoạt động săn bắn giải trí trong năm 2016/2017 đã đóng góp ước tính khoảng 13 tỷ Rand (khoảng 720 triệu USD) cho nền kinh tế Nam Phi. Tuy nhiên, tâm lý phản đối hoạt động săn bắn đang ngày càng gia tăng trên toàn thế giới.

Trong khi đó, du lịch văn hóa ngày càng bị coi là hành vi xâm phạm không gian và sự tôn nghiêm của các dân tộc. Trong suốt thời gian lệnh phong tỏa được áp đặt để chống dịch COVID-19, những cư dân ở các địa điểm du lịch nổi tiếng như Venice (Italy) và Paris (Pháp) đã tỏ ra vui mừng khi thành phố nơi họ sống trở nên yên bình và ít xô bồ hơn. Trong thời gian này, một số điểm du lịch, thị trấn đã xem xét lại và áp dụng các thay đổi nhất định.

Thông thường, các cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng dễ bị tổn thương, là một phần của trải nghiệm du lịch văn hóa lại không được hưởng lợi từ các chuyến thăm và hoạt động chi tiêu của khách du lịch.

Người dân ở Bo Kaap của Cape Town (Nam Phi), cũng như một số khu vực thăm quan khác, đã vận động chính phủ áp dụng những thay đổi đối với những hoạt động này để họ có thể ít nhất được hưởng lợi từ nguồn thu mà khách du lịch đem lại.

Trong bối cảnh đó, việc tư duy lại về du lịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng, để đảm bảo sự cân bằng giữa việc mang lại cho khách du lịch đặc quyền trải nghiệm những nền văn hóa mới lạ, song song với đảm bảo quyền lợi của các cộng đồng địa phương.

Các ứng dụng công nghệ có thể được khai thác để góp phần hỗ trợ thực hiện điều này, bằng cách vừa đảm bảo việc bảo tồn các di sản trong khi vẫn cho phép du khách thưởng thức và khám phá không gian, các đồ tạo tác tinh xảo của các thời đại đã qua.

Tác giả kết luận du lịch là một ngành nghề vô cùng phức tạp, bao gồm sự tham gia của hàng triệu doanh nghiệp, cá nhân. Do đó, trách nhiệm với môi trường thuộc về các tổ chức, doanh nghiệp có nhiều quyền lực và sức ảnh hưởng nhất để đứng ra bảo vệ quyền lợi của người dân.

Mặc dù du lịch là ngành đi đầu trong việc thừa nhận sự cần thiết phải đảm bảo trách nhiệm xã hội và môi trường, song vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp cần được giải quyết trong bối cảnh thế giới "tư duy lại về du lịch"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục