Cơ hội tăng cường hợp tác giữa EU và ASEAN

05:30' - 19/12/2022
BNEWS Thúc đẩy quan hệ thương mại với ASEAN là ưu tiên hàng đầu của EU. Châu Âu muốn tăng cường quan hệ thương mại với ASEAN, trong đó có việc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thô quan trọng như lithium.

Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa diễn ra tại Brussels, Bỉ. Đây là hội nghị rất quan trọng và là cơ hội tốt để các nhà lãnh đạo châu Âu và ASEAN thảo luận về tăng cường hợp tác giữa hai bên, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.

* Tiềm năng hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU và ASEAN là rất lớn

DW dẫn lời một quan chức EU nhận định rằng đây là cơ hội để EU và ASEAN tăng cường cam kết với quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên, đồng thời tuân theo trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện nay chủ yếu tập trung vào Trung Quốc.

Việc thúc đẩy quan hệ thương mại với ASEAN là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo EU. Châu Âu muốn tăng cường quan hệ thương mại với ASEAN, trong đó có việc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thô quan trọng như lithium mà ASEAN có thể cung cấp.

Tuy nhiên, EU và ASEAN vẫn chưa thiết lập hiệp định thương mại tự do EU-ASEAN. Hiện tại, bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào giữa hai bên cũng sẽ tập trung vào việc kiềm chế Trung Quốc và ảnh hưởng của Nga trong khu vực.  

DW cho biết, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU sau Mỹ và Trung Quốc. Tổng khối lượng giao dịch thương mại giữa hai bên đạt hơn 215,9 tỷ euro (229,9 tỷ USD) vào năm 2021. Các sản phẩm hóa chất, máy móc và thiết bị vận tải là những mặt hàng xuất khẩu chính của EU sang các nước ASEAN.

Dù EU và ASEAN đã bắt đầu đàm phán về một hiệp định thương mại tự do từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được sự thống nhất. Thay vào đó, EU đã hoàn tất các hiệp định thương mại và đầu tư song phương với một số quốc gia ASEAN như Singapore và Việt Nam. EU hy vọng sẽ nối lại đàm phán thương mại song phương với Thái Lan, Philippines và Malaysia.

Ngoài ra, EU cũng sẽ tiếp tục đàm phán thương mại với Indonesia. Ủy ban châu Âu cho rằng các hiệp định thương mại và đầu tư song phương này có thể là nền tảng cho hiệp định thương mại EU-ASEAN trong tương lai.  

Theo tạp chí kinh tế Handelsblatt, trong nỗ lực để trở nên độc lập hơn với Trung Quốc, Liên minh châu Âu đang tìm kiếm sự gần gũi với các nước láng giềng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN là một nỗ lực như vậy. Đây là lần đầu tiên trong suốt 45 năm quan hệ, EU và ASEAN tiến hành hội nghị theo định dạng này.

Tiềm năng hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU và ASEAN là rất lớn. Các quốc gia ASEAN, trong đó có các nước mới nổi quan trọng như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, đang ngày càng thành công trong việc đưa các khu công nghiệp của họ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, như một giải pháp thay thế cho các nhà máy ở Trung Quốc.

Đồng thời, khu vực này ngày càng trở nên hấp dẫn với một thị trường gần 700 triệu dân. Theo dự báo, sản lượng kinh tế của ASEAN sẽ tăng hơn 5% trong năm nay, khiến khu vực này trở thành một trong những khu vực tăng trưởng cao nhất thế giới.

Tại Brussels, các quốc gia châu Âu đều cho rằng việc làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế với ASEAN là rất quan trọng vì lợi ích của cả hai bên. Ngay chính các quốc gia Đông Nam Á cũng lo ngại về việc trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc và muốn đa dạng hóa hơn nữa các mối quan hệ của họ.

Tuy nhiên, những nỗ lực của hai khối kinh tế này nhằm xích lại gần nhau hơn đang bị chững lại. Cho đến nay, EU mới chỉ đạt được thỏa thuận thương mại tự do với hai trong số 10 quốc gia ASEAN, đó là Singapore và Việt Nam.

Đại diện các doanh nghiệp EU đang cố gắng tận dụng hội nghị thượng đỉnh này như một cơ hội để tạo động lực mới cho các cuộc đàm phán về thương mại với các đối tác khác trong ASEAN. Theo ông Chris-Humphrey, người đứng đầu tổ chức Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN, một tổ chức ủng hộ lợi ích của các công ty châu Âu trong khu vực, cho rằng châu Âu có rất nhiều việc cần làm để thúc đẩy quan hệ với ASEAN. Ông kêu gọi nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán thương mại với Thái Lan, Malaysia và Philippines, vốn bị đình trệ lâu nay, và nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán đang diễn ra với Indonesia.

Trong khi đó, đại diện của EU cho biết các cuộc đàm phán với Thái Lan, Malaysia và Philippines chưa có tiến triển; các cuộc đàm phán này sẽ được nối lại "khi các điều kiện được đáp ứng". EU mong muốn hiệp định thương mại với những đối tác này phải là hiệp định thương mại toàn diện.

Với Indonesia, sau hơn 6 năm đàm phán, các đại diện của EU thông báo rằng hai bên có thể đạt đi tới một hiệp định vào năm tới. Cho đến nay, quan hệ kinh tế, thương mại giữa EU và Indonesia là đáng thất vọng. Quốc gia Đông Nam Á với dân số khoảng 275 triệu người, đứng thứ 17 trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng chỉ đứng thứ 31 trong danh sách các đối tác thương mại quan trọng nhất của EU.

Trong khi đó, Việt Nam có khối lượng trao đổi thương mại với EU lớn gấp đôi so với khối lượng trao đổi thương mại giữa Indonesia và EU.

* Mục tiêu đối trọng với Trung Quốc

Theo báo Nam Đức (SZ), mặc dù hội nghị này không có sự tham dự của Trung Quốc, và quốc gia này cũng không được đề cập trong chương trình thảo luận của hội nghị, tuy nhiên các cuộc thảo luận về việc tăng cường quan hệ thương mại giữa châu Âu và các nước ASEAN, cũng như cam kết của EU đầu tư lớn vào khu vực, hay cam kết "ổn định, an ninh và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", đều cho thấy rõ mục đích đối trọng với Trung Quốc của EU.

Từ sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, mối quan tâm của EU đối với khu vực ASEAN đã tăng lên đáng kể, đồng thời sự hoài nghi đối với Trung Quốc cũng tăng theo. Cuộc xung đột tại Ukraine không chỉ cho người châu Âu thấy sự nguy hiểm khi phải phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga, mà nhắc nhở rằng sự phụ thuộc của một số nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là Đức, vào nguồn nguyên liệu thô, sản phẩm và thị trường Trung Quốc, còn nguy hiểm hơn rất nhiều.

Do đó, EU rất muốn "đa dạng hóa" quan hệ kinh tế ở châu Á, đặc biệt là hướng tới nhiều hiệp định thương mại tự do hơn nữa với các nước ASEAN cũng như tăng cường hợp tác về năng lượng tái tạo.

10 tỷ euro cho các khoản đầu tư sẽ đến từ một tổ chức của EU có tên là Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway), nhằm cạnh tranh với những khoản đầu tư khổng lồ mà Trung Quốc đang triển khai trên khắp thế giới. EU hy vọng rằng các nước ASEAN sẽ coi EU là một đối tác mới đáng tin cậy, thay vì chỉ ràng buộc với Trung Quốc.

Tạp chí Ngôi sao (Stern) cũng có chung nhận định trên. Stern cho rằng mục đích của hội nghị thượng đỉnh là củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa EU và các nước ASEAN, vốn đã thiết lập quan hệ suốt 45 năm qua. Các khoản đầu tư lớn trị giá 10 tỷ euro từ các quỹ của EU sẽ mang lại lợi ích cho sự phát triển của khu vực Đông Nam Á.

Stern dẫn phát biểu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết giữa EU và ASEAN còn nhiều tiềm năng hợp tác. EU muốn sử dụng gói đầu tư lớn để thúc đẩy các dự án dành cho khu vực Đông Nam Á, trong đó có việc mở rộng năng lượng tái tạo và đảm bảo an toàn các tuyến cáp ngầm dưới biển cho các mạng dữ liệu vào năm 2027.

Đây là một phần trong chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng khắp thế giới của EU, còn được gọi là "Cửa ngõ Toàn cầu", dự án cạnh tranh trực tiếp với sáng kiến "Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục