Cơ hội vàng để thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ

20:38' - 27/09/2024
BNEWS Đây được xem là cơ hội tốt cho các mặt hàng có tiềm năng xuất nhập khẩu của Việt Nam và Ấn Độ, như thủy sản, dệt may, da giày, nông sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ, điện tử và linh kiện …

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 26/9, Hội thảo du lịch Việt Nam – Uttar Pradesh, Hội thảo phát triển thương mại Việt Nam - Ấn Độ chuyên ngành tơ lụa và dệt may đã diễn ra trong khuôn khổ ngày thứ hai của Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh 2024 tại Trung tâm triển lãm India Expo Mart, Greater Noida, bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ.

Tham dự hai sự kiện, về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải, Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng, Trưởng đại diện Văn phòng Cục xúc tiến thương mại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Bộ Công Thương - ông Bùi Xuân Lịch, đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương - Tiến sĩ Lê Thị Mai Anh, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam - ông Lê Quang Tú; về phía Ấn Độ có Bộ trưởng phụ trách các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) của bang Uttar Pradesh – ông Rakesh Sachan, Bộ trưởng Điện tử và Công nghệ thông tin Uttar Pradesh - Sunil Kumar Sharma, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Ấn Độ - ông Rajeev Bansal, Giám đốc Phòng Thương mại & Công nghiệp Nhập khẩu Ấn Độ - ông T.K Pandey.

Tại hai sự kiện, các quan chức, doanh nhân, đại diện doanh nghiệp Việt Nam và bang Uttar Pradesh đã cam kết tăng cường quan hệ đối tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giầy, dịch vụ … thâm nhập thị trường của nhau.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Hội thảo du lịch Việt Nam – Uttar Pradesh. Ảnh: Ngọc Thúy - P/v TTXVN tại Ấn Độ

Theo Đại sứ Nguyễn Thanh Hải, Việt Nam chọn Uttar Pradesh là ưu tiên hàng đầu vì sự năng động, có nhiều địa điểm hành hương Phật giáo, nhiều tiềm năng hợp tác, đầu tư vào chế biến thực phẩm và dệt may, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, hàng không dân dụng, MSME, công nghệ thông tin..., đồng thời nhấn mạnh sự lãnh đạo có tầm nhìn của Thủ hiến Yogi Adityanath và các bộ trưởng của bang Uttar Pradesh.

Bên cạnh đó, Đại sứ Nguyễn Thanh Hải cũng nêu bật những thế mạnh về du lịch của Việt Nam, từ phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp đến những khu bảo tồn tâm linh, văn hóa, ẩm thực… Đại sứ lưu ý rằng các nhà hàng Ấn Độ ngày nay trở nên rất phổ biến ở Việt Nam đề phòng trường hợp du khách Ấn Độ nhớ hương vị quê hương.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân hai bên, Đại sứ Nguyễn Thanh Hải cho biết đại sứ quán đã đề xuất cơ quan quản lý hàng không dân dụng hai nước phối hợp nhằm tăng tần suất, số lượng các chuyến bay thẳng. Bên cạnh đó, đại sứ quán còn còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xin thị thực được dễ dàng. Hiện nay, thị thực điện tử được áp dụng cho tất cả người dân Ấn Độ có thời hạn 3 tháng và nhập cảnh nhiều lần. Đại sứ cho biết phía Việt Nam cũng đã đề xuất các cuộc thảo luận song phương với Đối tác Ấn Độ để có nhiều lựa chọn khác nhau về vấn đề thị thực.

Ông Bùi Xuân Lịch cho rằng nhu cầu hợp tác, phát triển của hai bên hiện rất lớn. Khách hàng hai nước ngày càng quan tâm đến hàng hóa của nhau và sẵn sàng sử dụng các sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh.

 

Theo ông, đây được xem là cơ hội tốt cho các mặt hàng có tiềm năng xuất nhập khẩu của hai bên, như thủy sản, dệt may, da giày, nông sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ, điện tử và linh kiện … Ông cho rằng điều này sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác, phát triển thương mại bền vững giữa hai nước, sớm hiện thực hóa mục tiêu “tăng gấp đôi kim ngạch thương mại, đầu tư hai chiều trong 3-5 năm tới” được hai bên đặt ra nhân chuyến thăm cấp nhà nước mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ.

Về phần mình, Bộ trưởng Sachan nhấn mạnh mối quan hệ văn hóa cổ xưa giữa Ấn Độ và Việt Nam khiến họ trở thành đối tác tự nhiên. Ông cũng mời các nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và khách sạn, khám phá các cơ hội đầu tư ở bang Uttar Pradesh, nơi đã trở thành điểm đến tâm linh nổi bật ở Ấn Độ.

Tại Hội thảo về chuyên ngành tơ lụa và dệt may, ông Bùi Xuân Lịch cho rằng để tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng lụa tơ tằm toàn cầu, đồng thời tạo bước chuyển biến mới trong ngành dệt may giữa 2 nước nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực lụa tơ tằm nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ cần có các giải pháp thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ, liên kết với nhau trong chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng cường hỗ trợ nhau trong các hoạt động xúc tiến thương mại theo quy mô chuyên nghiệp để khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của cả hai bên.

Hội thảo lần này do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương Việt Nam chủ trì phối hợp với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu tơ lụa Ấn Độ tổ chức.

Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện Hiệp hội dâu tơ tằm Việt Nam đã giới thiệu những đột phá trong công tác giống và kỹ thuật dâu tằm, theo đó, Việt Nam hiện có được các giống dâu mới cao sản và kỹ thuật thâm canh cây dâu. Những nơi có tưới có thể đạt trên 40tấn/ha, từ đó đưa năng suất kén đạt trên 2.000kg/ha/năm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đạt bước đột phá về công nghệ nuôi tằm con tập trung, đến tằm lớn thì chuyển giao cho các hộ nông dân.

Đến với triển lãm lần này, Việt Nam mong muốn tìm kiếm đối tác trong lĩnh vực sản xuất trứng tằm lưỡng hệ chất lượng cao; Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư công nghệ sản xuất trứng tằm, công nghệ dệt, nhuộm, in và may mặc; Thúc đẩy quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm tơ, lụa; Xây dựng mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất dâu tằm tơ.

Đây là lần đầu tiên Hiệp hội tơ lụa Việt Nam tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tại Ấn Độ, quốc gia chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu tơ lụa của Việt Nam.

Các cuộc thảo luận trên nhấn mạnh cách Việt Nam và Ấn Độ có thể tận dụng các vị trí chiến lược của nhau để làm cửa ngõ vào thị trường Nam Á và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục