Cổ phần hóa chậm: " Biết rồi nói mãi"​

08:11' - 18/01/2022
BNEWS Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong năm 2021, chỉ cổ phần hóa được 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Mặc dù hệ thống cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn đã được ban hành đầy đủ và được kịp thời được sửa đổi, bổ sung làm cơ sở để các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhưng suốt cả thời gian qua, cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước vẫn mãi ở tình trạng “ì ạch”, “biết rồi nói mãi”.

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong năm 2021, chỉ cổ phần hóa được 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch là 89 doanh nghiệp; trong đó những địa phương còn nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa lớn như thành phố Hà Nội có 13 doanh nghiệp, chiếm 14% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh là 38 doanh nghiệp, chiếm 40% kế hoạch.

Về thoái vốn, năm 2021 đã thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng; trong đó, thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 52,8 tỷ đồng, thu về 85,1 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty thoái vốn tại 14 doanh nghiệp với giá trị 1.612 tỷ đồng, thu về 4.317 tỷ đồng.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, hiện hệ thống cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn đã được ban hành đầy đủ; kịp thời được sửa đổi, bổ sung làm cơ sở để các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn.

 

Trong số đó đã quy định sửa đổi, bổ sung một số nội dung như về điều kiện cổ phần hóa gắn với phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; hướng dẫn phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.

Cùng với đó đã bãi bỏ nội dung quy định về xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống (nếu có) vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa; bổ sung quy định về kiểm kê tài sản chuyên ngành, xử lý đối chiếu nợ đối với tổ chức tín dụng và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực viễn thông…

Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chậm, không đạt yêu cầu là do còn các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, các tồn tại, bất cập làm chậm quá trình cổ phần hóa thời gian qua, bên cạnh nguyên nhân khách quan như doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai, việc bán vốn nhà nước phụ thuộc vào thị trường, do tình hình của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán, việc xác định giá trị doanh nghiệp… thì vẫn còn các lý do chủ quan.

Cụ thể là trong nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nên còn tư tưởng đối phó dẫn đến kết quả thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ vốn thấp;

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa, thoái vốn; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm.

Đồng thời, việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công còn chưa tốt, tiến độ phê duyệt còn chậm.

Ngoài ra, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), sau cổ phần hóa, vị trí lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp không thay đổi, vẫn là người cũ vì vậy chây ỳ việc niêm yết lên sàn chứng khoán theo quy định sau khi doanh nghiệp đã cổ phần hóa. Bên cạnh đó, chế tài xử lý chưa đủ mạnh để các doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu doanh nghiệp phải nghiêm túc thực thi quy định này.

Do đó, để quá trình cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đi được đúng tiến trình và quỹ đạo, chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh cho rằng phải gắn trách nhiệm của từng cá nhân, đó là người đứng đầu doanh nghiệp và cơ quan chủ quản. "Phải mạnh tay hơn, có thái độ quyết liệt hơn để xử lý những trường hợp cố tình chây ỳ, làm chậm quá trình cổ phần hóa", ông Doanh đề xuất.

Ông Đặng Quyết Tiến cũng cho biết, một trong những giải pháp Bộ Tài chính đề xuất là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần có thông điệp để nhắc nhở lại lãnh đạo doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu phải tích cực đẩy mạnh tiến độ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; trong đó hình thức cổ phần hóa và thoái vốn là một giải pháp.

Đại diện Bộ Tài chính cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thực hiện nghiêm việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật.

‘Đặc biệt, cần sự phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, các doanh nghiệp và địa phương để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, xử lý nhà, đất, nhất là tại các địa phương, thành phố lớn, có nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh”, ông Đặng Quyết Tiến nói.

Song song với đó, các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước rà soát những vướng mắc khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại để có phương án xử lý dứt điểm trước khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục