Cổ phần hóa đang tạo ra "cú hích" mạnh cho doanh nghiệp và nền kinh tế

19:43' - 25/10/2016
BNEWS Qua hơn 24 năm triển khai, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn Nhà nước đang tạo ra những "cú hích" mạnh mẽ không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà cả nền kinh tế đất nước phát triển.
Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước phổ biến thông tin về cổ phần, thoái vốn Nhà nước. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Thông tin trên được chia sẻ tại “Hội nghị về thoái vốn Nhà nước và Đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán”, tổ chức ở Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) chiều ngày 25/10.

Theo ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương cho rằng, , muốn hội nhập thành công, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, của từng doanh nghiệp và từng sản phẩm nói riêng phải không ngừng được nâng cao.

Để đạt được điều đó, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn Nhà nước được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đất nước.

Mặt khác, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn Nhà nước là những nội dung cốt lõi trong chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ. Do đó, trong thời gian qua Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo ban hành nhiều văn bản liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước gắn cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước với niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Doanh nghiệp bàn về cơ chế chính sách cổ phần, thoái vốn Nhà nước. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các văn bản trên được triển khai chưa thống nhất giữa các ngành và doanh nghiệp. Vì vậy, cần có có những giải pháp hiệu quả để triển khai các chính sách mới này, nhằm tạo nên một hiệu ứng tốt cho nền kinh tế, củng cố niềm tin của công chúng đầu tư vào các chương trình cải cách kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Trong đó, phải tăng cường hoạt động trao đổi thông tin trực tiếp giữa cơ quan quản lý, vận hành thị trường chứng khoán với các doanh nghiệp Nhà nước, công ty chứng khoán... nhằm chia sẻ khó khăn, ghi nhận ý kiến đóng góp hoàn thiện cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tham gia thị trường chứng khoán.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp và bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho rằng, thực hiện chức năng đại diện cổ đông Nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đã hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và HOSE trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện niêm yết trên hai sàn.

Đồng thời, áp dụng các chuẩn mực quản trị tiên tiến vào doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong tiến trình bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ, SCIC cũng phối hợp chặt chẽ với hai sở để thực hiện quy trình công khai, minh bạch và hiệu quả.

Đánh giá về yếu tố quan trọng giúp công tác bán vốn của SCIC mang lại hiệu quả cao, ông Nguyễn Hồng Hiển cho biết, đó là nhờ vào công tác nghiên cứu kỹ thị trường và doanh nghiệp để xác định giá khởi điểm hợp lý, lựa chọn thời điểm bán phù hợp, xây dựng và duy trì mạng lưới các nhà đầu tư quan tâm, tổ chức bán công khai minh bạch…

Theo đó, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã tham khảo kinh nghiệm của SCIC, nhằm đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thông tin về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc HOSE cho hay, hiện nay HOSE đang thực hiện đẩy mạnh hướng dẫn các trình tự, thủ tục đấu giá, đăng ký niêm yết/đăng ký giao dịch, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục đấu giá, niêm yết, đăng ký giao dịch tại đơn vị HOSE.

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp đấu giá, HOSE sẽ hỗ trợ công bố thông tin và quảng bá hình ảnh các doanh nghiệp đấu giá; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục sau đấu giá như chuyển thành công ty cổ phần, niêm yết, đăng kí giao dịch trên các sở Giao dịch Chứng khoán...

Hiện nay, cả nước còn 718 doanh nghiệp Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ. Theo lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước từ 2016 - 2020 sẽ có 190 doanh nghiệp thuộc 12 lĩnh vực, ngành nghề quan trọng Nhà nước vẫn nắm giữ vốn 100%,; 4 doanh nghiệp cổ phần Nhà nước giữ từ 65% vốn; 30 doanh nghiệp nhà nước giữ trên 50% vốn và hơn 109 doanh nghiệp Nhà nước giữ dưới 50% vốn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục