Cổ phiếu bị hủy niêm yết, nhà đầu tư sẽ phải làm gì?

10:26' - 15/02/2023
BNEWS Liệu nhà đầu tư có mất trắng số cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết nếu đang sở hữu chúng hay không?

Việc 709,9 triệu cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết trên sàn từ ngày 20/2 đã khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng khi rơi vào thế khó với số lượng cổ phiếu họ nắm giữ. Liệu rằng nhà đầu tư có mất trắng số cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết nếu đang sở hữu chúng hay không?

Cổ phiếu bị hủy niêm yết là những cổ phiếu không được tiếp tục giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán trước đó như HOSE, HNX hay UPCOM.

Việc hủy niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán có thể là bị bắt buộc phải hủy hoặc do doanh nghiệp tự yêu cầu hủy.

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết trên các sàn chứng khoán, nên việc này không còn tình huống mới. Tuy nhiên, việc những mã chứng khoán của doanh nghiệp lớn bị hủy đồng nghĩa với việc có khá nhiều nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

 

Cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết, số tiền đầu tư mua cổ phiếu của nhà đầu tư phải làm sao?

Có 2 trường hợp có thể xảy ra:

Cổ phiếu được tiếp tục giao dịch ở sàn khác

Đây có thể coi là “khe sáng trong bóng tối” cho những người mua cổ phiếu bị hủy niêm yết bởi họ vẫn có thể giao dịch, bán cổ phiếu của mình trên sàn chứng khoán khác.

Thông thường sẽ có những doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE hoặc sàn HNX nhưng sau đó tình hình kinh doanh có vấn đề hoặc lý do nào đó khiến HOSE, HNX hủy niêm yết cổ phiếu.

Theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cổ phiếu bị hủy ở HOSE sẽ tự động chuyển về sàn UPCOM. Sẽ mất một thời gian để cổ phiếu đó giao dịch lại trên sàn UPCOM và nhà đầu tư cần đợi để cổ phiếu có thể giao dịch lại.

Thường với cổ phiếu bị chuyển về sàn UPCOM do các sàn lớn hủy niêm yết thì đều có vấn đề khiến giá cổ phiếu lúc đó đã giảm rất mạnh rồi, khi chuyển về sàn UPCOM thanh khoản chắc chắn sẽ không tốt.

Cổ phiếu chỉ có thể giao dịch ở thị trường OTC

Đây là trường hợp xấu đối với nhà đầu tư khi mua phải cổ phiếu bị hủy niêm yết. Thị trường OTC là thị trường giao dịch phi tập trung, có nghĩa là không qua sàn giao dịch hay công ty chứng khoán mà do nhà đầu tư tự thỏa thuận với nhau.

Ở thị trường OTC sẽ không có giá trần, giá sàn mà sẽ do 2 bên tự thương lượng với nhau theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Việc dừng giao dịch không có nghĩa là bạn sẽ mất số cổ phiếu của công ty đó bởi số lượng cổ phiếu của bạn vẫn được lưu trữ trong hệ thống.

Đối với trường hợp này, nhà đầu tư có thể tới phòng cổ đông của công ty để yêu cầu cấp lại sổ hay chứng nhận sở hữu cổ phiếu làm bằng chứng sau này cho con cháu hoặc để bán cho người khác. Có thể sẽ có lúc nào đó có nhà đầu tư lớn muốn mua lại số cổ phiếu của bạn nhằm tái cấu trúc hoặc thâu tóm doanh nghiệp.

Cũng có trường hợp doanh nghiệp đưa ra chính sách thu hồi lại cổ phiếu từ các cổ đông và bạn cần theo dõi tin tức của công ty đó để bán lại cho công ty khi chính sách đưa ra.

Còn nếu cổ phiếu không còn được các sàn chứng khoán chấp nhận niêm yết nữa thì bạn sẽ phải tự đi tìm người mua và việc đi tìm người mua số cổ phiếu của một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hay sai phạm cũng sẽ rất khó. Vậy nên số vốn của bạn có thể sẽ bị giam rất lâu hoặc nếu công ty phá sản thì có thể số vốn này sẽ “mất trắng”./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục