Cổ phiếu FLC: Trở thành hiện tượng của làng "chứng" rồi vụt tắt

11:24' - 15/02/2023
BNEWS Lên sàn từ năm 2011, cổ phiếu FLC đã từng có khoảng thời gian “làm mưa làm gió ” trên sàn chứng khoán, từng lọt rổ VN30...
Trụ sở Tập đoàn FLC. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Sau quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Mã chứng khoán: FLC) của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) mới đây, gần 710 triệu cổ phiếu FLC sẽ rời sàn kể từ ngày 20/2/2023.

Lên sàn từ năm 2011, cổ phiếu FLC đã từng có khoảng thời gian “làm mưa làm gió ” trên sàn chứng khoán, từng lọt rổ VN30, song chỉ sau chưa đến 12 năm, mã cổ phiếu đã phải dừng bước, kết thúc một hành trình thăng trầm đầy nuối tiếc.

Công ty cổ phần FLC ra đời năm 2010 từ việc hợp nhất các công ty thành viên. Đến tháng 11 cùng năm, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Không lâu sau đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận FLC trở thành công ty đại chúng và 10 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp này đã chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào ngày 5/10/2011.

Trong giai đoạn đầu giao dịch, FLC được nhớ đến như một “hiện tượng” khi tăng giá ngoạn mục tới 240% chỉ sau 3 tháng. Cụ thể, từ mức giá thấp nhất 10.100 đồng/cp vào ngày 3/11/2011, cổ phiếu FLC đã tăng lên mức giá 34.400 đồng/cp vào ngày 10/2/2012.

Đây là mức tăng gần như không có đối thủ trên thị trường chứng khoán trong thời gian trên. Trong khi đó, trong năm 2011, FLC ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 13 tỷ đồng. Với vốn điều lệ 170 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phần của FLC đạt 751 đồng, chia cổ tức 700 đồng/cp, đều không phải con số quá ấn tượng.

Nhưng cũng chỉ trong 7 tháng của năm 2012 (từ tháng 3 đến tháng 7), cổ phiếu FLC tụt dốc thê thảm xuống mức thấp nhất chỉ còn gần 3.000 đồng/cp. Kết quả này cũng một phần do tác động của thị trường chung lúc đó, khi tăng sốc tới 40% trong 5 tháng đầu năm rồi giảm mạnh trong 7 tháng cuối năm, do tác động của sự kiện “bầu Kiên” bị bắt. Từ đó, thời kỳ hoàng kim của FLC trên sang HNX gần như đặt dấu chấm hết.

Mã cổ phiếu này lình xình vùng đáy suốt một năm trước khi nổi sóng trở lại với “game” chuyển sàn. Tháng 8/2013, FLC chính thức chuyển niêm yết 77,2 triệu cổ phiếu từ sàn HNX sang HOSE.

Chưa đầy một năm sau, cổ phiếu FLC đã được thêm vào nhiều rổ chỉ số quan trọng, điển hình là VN30 (nhóm 30 cái tên vốn hóa lớn nhất thị trường). Thời điểm đó, FLC lọt vào “mắt xanh” của hàng loạt quỹ ngoại trong đó nổi bất là 2 tên tuổi lâu năm trên thị trường V.N.M ETF và FTSE ETF.

Nhờ các thông tin tích cực, cổ phiếu FLC cũng được dòng tiền nhà đầu tư quan tâm, giúp kéo giá tăng mạnh. Nhưng dù vậy, mã cổ phiếu này cũng không thể trở lại thời kỳ đỉnh cao thay vào đó ngụp lặn dưới mệnh giá.

Trong khi đó, Tập đoàn FLC lại kinh doanh khởi sắc kể từ sau khi chuyển sàn sang HoSE. Doanh thu của doanh nghiệp bất động sản này liên tục tăng trưởng qua từng năm và lập kỷ lục gần 16.000 tỷ đồng vào năm 2019. Lợi nhuận mỗi năm thu về hàng trăm tỷ đồng, thậm chí đỉnh điểm vào năm 2016 doanh nghiệp bất động sản này còn lãi đến hơn nghìn tỷ đồng.

Kết quả có được nhờ các hoạt động đầu tư mạnh tay trước đó. Điển hình vào năm 2015, FLC đã hoàn tất đầu tư và đưa vào khai thác dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Cùng năm, FLC đã đẩy mạnh hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) dự án bất động sản, mà tiêu biểu là dự án tháp đôi FLC Twin Towers - 265 Cầu Giấy, nâng tổng mức đầu tư các dự án được FLC mua lại tại Hà Nội lên xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.

 

Đi cùng quá trình mở rộng, vốn điều lệ của FLC cũng tăng lên chóng mặt trong giai đoạn 2011 đến 2019. Từ mức 100 tỷ đồng thời điểm chào sàn HNX, vốn điều lệ của doanh nghiệp này đã tăng 71 lần sau gần 9 năm, lên đến 7.100 tỷ vào năm 2019.

Từ đó đến nay, FLC không tăng vốn. Thay vào đó, gần như toàn bộ nguồn lực được dồn vào tham vọng chiếm lĩnh bầu trời cùng hãng hàng không Bamboo Airways.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. Ảnh: TTXVN/phát

Tới năm 2020, giai đoạn thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, giá cổ phiếu FLC lại một lần nữa tạo đáy mới ở vùng 2.000 đồng/cp. Hai mảng hoạt động chủ yếu cả tập đoàn là bất động sản nghỉ dưỡng và hàng không đều chịu ảnh hưởng nặng nề khiến kết quả kinh doanh của FLC tụt dốc nhanh chóng. Tham vọng lên sàn chứng khoán với mức giá “không tưởng” của Bamboo Airways và FLC Homes cũng dần tan thành mây khói.

Giữa bối cảnh khó khăn bủa vây, cổ phiếu FLC cùng một loạt công ty có liên quan như ROS, HAI, AMD, KLF, GAB lại bất ngờ nổi sóng, tạo ra cơn sốt kéo dài từ năm 2021 đến đầu năm 2022. Các cổ phiếu “họ” FLC đồng loạt tăng nóng, liên tục trong nhiều tháng qua đó đưa cổ đông “về bờ” sau thời gian dài như  “cả thập kỷ” chờ đợi. Thế nhưng biến cố lại một lần nữa xảy ra đúng vào thời điểm không ai ngờ tới.

Ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC bị phanh phui vụ bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC đúng vào phiên cổ phiếu này quay đầu từ trần xuống sàn vào ngày 10/1/2022. Kể từ đây, toàn bộ nhóm cổ phiếu “họ” FLC bắt đầu lao dốc mạnh và rơi xuống vùng đáy lịch sử. Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố vì tội danh thao túng thị trường chứng khoán, FLC cùng các công ty thành viên cũng vướng vào nhiều sai phạm nghiêm trọng về công bố thông tin theo quy định.

Trong bối cảnh đó, FLC vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư qua đó liên tiếp lập kỷ lục về thanh khoản. Trong lịch sử chứng khoán Việt Nam chỉ có 8 phiên xuất hiện khớp lệnh trên 100 triệu đơn vị trên một cổ phiếu trong đó riêng FLC đã có 3 lần làm được điều này từ đầu năm 2022.

Tại thời điểm bị đình chỉ giao dịch vào 9/9/2022, FLC đã giảm về mức giá 3.570 đồng/cp. Rất nhiều nhà đầu tư không kịp “chạy hàng” bị mắc kẹt, tài sản “bốc hơi” 80-90%. Hiện trong số các cổ phiếu trong “họ FLC” chỉ còn AMD còn giao dịch. Cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros cũng đã bị hủy niêm yết.

Mới đây, Sở HOSE đã ban hành quyết định hủy cổ phiếu FLC của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Theo quyết định này, 709,9 triệu cổ phiếu FLC sẽ bị loại khỏi sàn HOSE từ ngày 20/2.

Theo HOSE lý giải, việc hủy niêm yết cổ phiếu FLC do tổ chức niêm yết vi phạm nghiệm trong nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. 

Quyết định này thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Việc cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết dường như đã đặt dấu chấm hết cho một hành trình, một hiện tượng của làng chứng khoán những năm qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục