Cổ phiếu HVN tăng liên tiếp 6 phiên

16:36' - 14/09/2021
BNEWS Kết thúc giao dịch hôm nay, cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam–CTCP (Vietnam Airlines) ghi nhận tăng trần với mức giá 28.650 đồng/đơn vị và khối lượng khớp lệnh hơn 3,73 triệu cổ phiếu.

Như vậy, cổ phiếu này đã có 6 phiên tăng điểm liên tiếp; trong đó, duy trì sắc “tím” trong 2 ngày liên tiếp hôm qua và hôm nay. 

Theo dữ liệu thị trường, thị giá cổ phiếu HVN tại thời điểm này đã tăng hơn 40% so với đầu tháng 8, thậm chí đang ở mức cao nhất kể từ cuối năm 2019 – trước khi dịch COVID-19 diễn ra. 

Theo giới phân tích, một trong những yếu tố tác động đến giá cổ phiếu HVN đến từ thông tin Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã chính thức giải ngân số tiền 6.894,9 tỷ đồng mua cổ phiếu để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của Vietnam Airlines.

Việc SCIC đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Vietnam Airlines, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, cổ phiếu HVN đang được “trợ lực” bởi nhiều tín hiệu lạc quan trong việc khôi phục lại đường bay trong thời gian tới. 

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải kế hoạch tái khởi động đường bay nội địa với thời gian thực hiện thí điểm 4 tuần. Kế hoạch này để đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 và duy trì hoạt động giao thông vận tải bằng đường hàng không, tránh đứt gãy nền kinh tế, trong điều kiện một số địa phương đã có kết quả khả quan trong phòng, chống dịch và điều chỉnh các biện pháp giãn cách xã hội.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đang dự thảo Thông tư về xây dựng quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ ngày 1/11/2021 - 31/10/2022 gửi Bộ Giao thông Vận tải. Đây có thể là yếu tố giúp Vietnam Airlines có thể cạnh tranh tốt hơn với các hãng hàng không khác khi các hãng này liên tục hạ giá bán để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế trên tàu bay, tạo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh.

Đáng chú ý, vừa qua, Chính phủ đã cơ bản nhất trí với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, Kiên Giang trong thời gian 6 tháng, dự kiến từ tháng 10/2021. Nếu cần, sẽ điều chỉnh thời gian thực hiện hợp lý, tùy vào tình hình thực tế.

Bộ Chính trị cũng đã có chủ trương nghiên cứu cho thí điểm sử dụng Hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang, trên cơ sở đó chuẩn bị từng bước mở rộng đón khách quốc tế an toàn tại các điểm đến trong cả nước. 

Về phía Vietnam Airlines đang đang tích cực làm việc với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để nghiên cứu, thử nghiệm các phương án nhằm từng bước khôi phục mạng bay quốc tế một cách an toàn, hiệu quả, góp phần phục hồi ngành du lịch, đầu tư, kinh tế và thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

Cụ thể, Vietnam Airlines đang phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức, thực hiện thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến Sân bay Vân Đồn theo chương trình của Bộ Y tế. 

Ngoài ra, từ tháng 8, hãng đã phát triển, thử nghiệm thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) trên một số chuyến bay. 

Thời gian tới, dự kiến thực hiện tiếp các chuyến bay thử nghiệm IATA Travel Pass từ Hà Nội đi Seoul (Hàn Quốc) ngày 12/9 và từ Hà Nội đi London (Anh) ngày 21/9, bên cạnh các chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo (Nhật Bản) vào thứ 5 hàng tuần, với kỳ vọng đây là cơ sở quan trọng để Chính phủ xem xét, chính thức công nhận cơ chế hộ chiếu sức khỏe điện tử. Qua đó, tạo đà mở cửa bầu trời và đẩy nhanh lộ trình nối lại đường bay quốc tế của các hãng hàng không, khơi thông du lịch thương mại và vực dậy các nền kinh tế đất nước sau đại dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục