Cổ phiếu thép sẽ vẫn là cổ phiếu yêu thích?

17:52' - 20/10/2017
BNEWS Nhiều chuyên gia, nhà đầu tư nhận định, theo chu kỳ thì quý IV vẫn là quý kinh doanh rất tốt của ngành thép, trong bối cảnh GDP năm nay dự báo có thể đạt được ở mức cao (6,7%).
 Các chuyên gia cho rằng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp thép có nhiều cơ hội vượt các dự báo của thị trường trước đây. Do đó, cổ phiếu thép vẫn sẽ là nhóm cổ phiếu được yêu thích.

Tính từ đầu năm đến kết phiên giao dịch chiều ngày 20/10, thị giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng trưởng 36,38%, NKG của Công ty cổ phần Thép Nam Kim tăng trưởng hơn 46,63%, DNY của Công ty cổ phần Thép DANA- Ý cũng tăng tới 47,8%, VIS của Công ty cổ phần Thép Việt Ý tăng hơn 47,12%.

Bà Nguyễn Thùy Linh, Bộ phận nghiên cứu phân tích, Công ty Chứng khoán Công Thương. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Theo bà Nguyễn Thùy Linh, Bộ phận nghiên cứu phân tích, Công ty Chứng khoán Công Thương, nhóm cổ phiếu thép có mức tăng giá ấn tượng do giá thép tiếp tục tăng từ đầu năm, mở rộng biên lợi nhuận gộp cho các doanh nghiệp thép.

Cụ thể, giá thép cuộn cán nóng (HRC) và thép thanh thế giới đã tăng lần lượt gần 19% và 40% từ đầu năm, kéo theo giá thép nội địa điều chỉnh tăng theo. Đơn cử, giá bán thép của HPG đã được điều chỉnh tăng nhiều đợt từ 10,5 triệu đồng lên 12,2 triệu đồng/tấn kể từ đầu tháng 7 tới thời điểm hiện tại.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng tiêu thụ thép các loại 9 tháng năm 2017 đạt gần 13 triệu tấn, tăng 20,5% so với cùng kì năm trước. Nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình bất động sản tiếp tục tăng cao sẽ duy trì mức tiêu thụ thép tốt trong thời gian tới.

Trong dài hạn, Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, 5 năm tới, ngành thép Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức từ 12% - 15%. Năm 2017, dự kiến sản lượng gang tăng 80%, đạt 4,5 triệu tấn; phôi thép tăng 47,2% (11,5 triệu tấn); thép thành phẩm tăng 12% (20 triệu tấn); thép xây dựng tăng 11%; thép lá cuộn cán nguội tăng 13%; thép ống hàn tăng 15%; tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%.

Thêm vào đó, Bộ Công Thương đã áp dụng thuế tự vệ bổ sung đối với phôi thép và thép dài trong 4 năm lần lượt ở mức 23% và 15% từ ngày 22/3/2017. Mỗi năm, mức thuế tự vệ bổ sung sẽ giảm từ 1-2% và giảm về 0% trong tháng 3/2020 nếu không có quyết định gia hạn. Do đó, những doanh nghiệp sản xuất được phôi thép như HPG, TIS, VIS,… sẽ được hưởng lợi mạnh mẽ, trong khi các doanh nghiệp phải nhập phôi thép về làm nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Đối với sản phẩm tôn mạ kẽm, Bộ Công Thương cũng đang áp thuế nhập khẩu từ 19-38% cho các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Mức thuế này được thực thi theo Quyết định 1105/QĐ – BCT về áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu, áp dụng từ tháng 4/2017, có thời hạn 5 năm. Dòng tôn mạ màu cũng đã được áp thuế từ 2017-2020, mức thuế 19% hạn ngạch 380 đến 460 nghìn tấn.

Ông Nguyễn Việt Đức, Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Theo ông Nguyễn Việt Đức, Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS, sự tăng trưởng của cổ phiếu thép đến chính từ hoạt động kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp thép.

Theo Tập đoàn Hòa Phát, lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu hơn 33.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.600 tỷ đồng, tăng tương ứng 43% và 21% so với cùng kỳ 2016. Đây là kết quả kinh doanh kỷ lục trong bối cảnh thị trường giá cả nguyên vật liệu biến động liên tục.

“Ước tính cho quý III, HPG hoàn toàn có thể đạt doanh thu gấp 1,5 lần cùng kỳ và lợi nhuận tăng khoảng hơn 40%”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, giá thép xây dựng cũng đã tăng lên trong thời gian qua và những công ty thép có hàng tồn kho lớn có thể thu được lợi nhuận từ chênh lệch giá bán và giá hàng tồn kho thấp.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thép đang có những kế hoạch mở rộng tăng trưởng mạnh mẽ như Hòa Phát phát triển mảng tôn màu, phát triển mảng chăn nuôi, Hoa Sen phát triển sang mảng ống nhựa, vì vậy nhà đầu tư kỳ vọng tăng trưởng của cổ phiếu thép sẽ còn được duy trì trong năm 2018.

Mặc dù là nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ, nhưng định giá nhóm cổ phiếu thép hiện cũng ở mức thấp nhất thị trường với mức P/E từ 6 đến 8 lần cho các cổ phiếu đầu ngành thép so với khoảng 16 lần của thị trường chung.

Theo bà Nguyễn Thùy Linh, Bộ phận nghiên cứu phân tích, Công ty Chứng khoán Công Thương, giá thép thế giới duy trì đà tăng do Trung Quốc tiếp tục có kế hoạch cắt giảm sản lượng thép trong 6 tháng cuối năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu do Chính phủ Trung Quốc quyết định đóng cửa các lò trung tần và lò cao chất lượng thấp nhằm giảm ô nhiễm môi trường.

Chính sách này được đánh giá ảnh hưởng 50% các doanh nghiệp thép tại Hà Bắc – Trung Quốc, khiến nguồn cung thép bị giảm 40-60 triệu tấn trong 2 quý cuối năm.

Bên cạnh đó, việc nhiều nhà máy thép cháy nổ trong thời gian gần đây khiến Hiệp hội An toàn lao động quốc gia Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành thanh tra các nhà máy, cũng như việc các nhà máy tiến hành bảo dưỡng trong nửa cuối năm càng làm khan hiếm thêm nguồn cung thép cuộn cán nóng và thép thành phẩm.

Mới đây, Trung Quốc đã quyết định sẽ thắt chặt sản lượng thép sớm hơn 1 tháng so với mọi năm, bắt đầu từ tháng 11, và kết thúc muộn hơn 1 tháng vào tháng 3/2018, áp dụng trên 26 thành phố lớn bao gồm cả Bắc Kinh. Do đó, giá thép cuộn cán nóng cũng như thép thành phẩm dự báo sẽ kéo dài đà tăng mạnh trong thời gian tới.

Cũng theo bà Nguyễn Thùy Linh, một yếu tố tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu thép là chính sách thuế tự vệ tiếp tục ủng hộ hoạt động sản xuất phôi thép và thép dài trong nước.

Trong nhóm thép, HPG sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ những diễn biến giá thép cũng như chính sách thuế tự vệ nhờ chuỗi giá trị ngày càng hoàn thiện, đặc biệt khi Tổ hợp Dung Quất chính thức đi vào hoạt động từ năm 2019.

Ngoài ra 1 cổ phiếu thép đáng chú ý khác là SMC của Công ty cổ phần Ðầu tư Thương mại SMC, với kì vọng P/E tăng lên 5 đến 6x nhờ chuyên sâu hơn về gia công, chế biến và sản xuất các sản phẩm về thép thay vì đơn thuần phân phối thép xây dựng như trước kia.

Đặc biệt, SMC là nhà sản xuất tấm thép lá mạ và ống thép, là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đây là yếu tố kì vọng sẽ mở rộng biên lợi nhuận và ổn định kết quả kinh doanh cho SMC trong những năm tới.

Nhận định về cổ phiếu thép trong thời gian tới, bà Nguyễn Thùy Linh cho rằng, trong thời gian tới, cổ phiếu ngành thép dự kiến diễn biến tích cực vì nhu cầu thép tiếp tục ở mức cao do Việt Nam vẫn đang trải qua thời kì xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo Hiệp hội sắt thép ASEAN, tiêu thụ thép ở Việt Nam năm 2016 ở mức 240kg/người, đứng thứ 4 trong khu vực. Do đó thị trường tiêu thụ thép vẫn còn rất tiềm năng.

Sản lượng thép tiêu thụ của Việt Nam năm 2016 đạt 22,33 triệu tấn, tương ứng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) 24% trong vòng 3 năm qua.

Ở quy mô khu vực, ASEAN - thị trường xuất khẩu chính chiếm 58% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu của Việt Nam, dự báo đạt mức tiêu thụ 80 triệu tấn vào năm 2018 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước (yoy) và 90 triệu tấn vào năm 2019 tăng 13% (yoy). Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thép lớn của Đông Nam Á mở rộng xuất khẩu.

>> Nhiều doanh nghiệp thép hoạt động có lãi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục