Cổ phiếu Xi măng Hà Tiên 1 được hưởng lợi từ yếu tố nào?

17:17' - 01/12/2020
BNEWS Dịp cuối năm 2020 và sang năm 2021, cổ phiếu HT1 của Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ đầu tư công và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Sau khi chịu ảnh hưởng ngắn hạn do dịch COVID-19 tác động chung tới các hoạt động xây dựng và nhu cầu tiêu thụ xi măng, cổ phiếu HT1 của Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ đầu tư công và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong dịp cuối năm 2020 và sang năm 2021.

Thực tế, sau khi sản lượng xi măng xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2020 giảm 18% so với cùng kỳ, xuất khẩu của công ty đã nhanh chóng hồi phục và tặng mạnh từ những tháng sau đó.

Nguyên nhân chính là do nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thô (clinker) tăng mạnh từ các nhà máy xi măng Trung Quốc để tái khởi động sản xuất, sau khi nước này bắt đầu dỡ bỏ phong toả vào tháng 4/2020.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2020, ngành xi măng xuất khẩu hơn 31,6 triệu tấn, thuộc nhóm các mặt hàng xuất khẩu tỷ USD. Riêng thị trường Trung Quốc, lượng xi măng xuất khẩu sang nước này đạt hơn 2,5 triệu tấn, trị giá 96,4 triệu USD.

Lũy kế 10 tháng năm 2020, Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc hơn 18 triệu tấn, trị giá hơn 610,6 triệu USD, chiếm gần 57% về lượng và 34,3% tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng của cả nước.

Dù Xi măng Hà Tiên 1 không giành tỷ trọng nhiều cho thị trường xuất khẩu, nhưng diễn biến liên quan đến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng không ngừng đã gián tiếp giúp cạnh tranh tại thị trường nội địa hạ nhiệt, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp dần hồi phục.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020, 9 tháng năm 2020, Xi măng Hà Tiên 1 đạt doanh thu thuần 5.750 tỷ đồng, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 462 tỷ đồng, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng, hoàn thành gần 71% chỉ tiêu lợi nhuận được giao năm 2020. 

Tính đến 30/9/2020 Xi măng Hà Tiên 1 còn 1.039 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra, công ty còn 770 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển, hơn 70 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

Trong khi đó, Chính phủ đang chủ trương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất.

Lúc này, đầu tư công là yếu tố kích thích các nguồn lực của khối tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài; từ đó đẩy mạnh vốn đầu tư toàn xã hội, kích thích nhu cầu xây dựng và xi măng là nguyên vật liệu thiết yếu.

Xi măng Hà Tiên 1 với thị phần chiếm tới 33% tại khu vực phía Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các dự án đầu tư công tại khu vực này như: dự án mở rộng nhà ga Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay Long Thành, các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam tại miền Nam…

Công ty Chứng khoán Agribank đánh giá, nhu cầu từ các dự án trên có thể giúp Xi măng Hà Tiên 1 đạt tăng trưởng 5-8% sản lượng trong nước vào năm 2021.

Hạng mục hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn, dành cho người dân bị thu hồi đất phục vụ Dự án Sân bay Long Thành. Ảnh: Công Phong - TTXVN

Cùng với đó, theo Công ty Chứng khoán FPTS, Xi măng Hà Tiên 1 đang sở hữu các lợi thế vượt trội giúp hưởng lợi từ yếu tố tích cực khác của ngành xi măng trong dịp cuối năm 2020 và sang năm 2021.

Doanh nghiệp này sở hữu trữ lượng đá vôi được khai thác lớn tại thị trường phía Nam. Tổng công suất khai thác được cấp phép tại khu vực này là 22,5 triệu tấn/năm theo quy hoạch khai thác nguyên liệu xi măng của Chính phủ đến năm 2030. Riêng Xi măng Hà Tiên 1 sở hữu 36% trữ lượng được cấp phép trong các khu vực, giúp hạn chế số lượng đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời tạo rào cản lớn đối với các đối thủ mới gia nhập ngành.

Hiện Xi măng Hà Tiên 1 cũng đã chủ động đa dạng hoá nguồn than sử dụng và nhập khẩu phần lớn than. Tính đến thời điểm này, Xi măng Hà Tiên 1 đang sử dụng khoảng 45-50% than nhập khẩu từ Australia và Indonesia nên khi giá than thế giới đang có chiều hướng giảm sâu, doanh nghiệp này có thể tiết giảm các chi phí sản xuất.

Đặc biệt, Xi măng Hà Tiên sở hữu 1 trong 13 dây chuyền tận dụng nhiệt khí thải ở Việt Nam, cũng là đơn vị được Chính phủ ưu tiên phê duyệt thử nghiệm xử lý rác thải và phế thải thành nguyên vật liệu thay thế, với tỷ lệ 12%. Trong thời gian tới, nếu thử nghiệp và được cấp phép thành công, mức sử dụng vật liệu thay thế của Xi măng Hà Tiên 1 có thể tăng 30-40%, giúp tiết kiệm thêm 10-15% chi phí sản xuẩt.

Cùng với đó, phía Xi măng Hà Tiên 1 có kế hoạch đầu tư nâng cao năng lực nghiền tại Nhà máy Kiếm Lương trong năm 2021-2022 thêm 1 triệu tấn/năm, tương đương tăng 14%, nhằm bắt kịp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và một phần xuất khẩu.

Đóng phiên 1/12, cổ phiếu HT1 đang giao dịch ở mức 16.000 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch gần  1,4 triệu cổ phiếu. Hệ số P/E (hệ số giá/lợi nhuận một cổ phiếu) là 9.02./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục