Cổ phiếu y tế đua trần giữa bối cảnh thị trường ảm đạm

16:22' - 16/07/2024
BNEWS Giữa lúc thị trường chung ảm đạm, cổ phiếu ngành y tế trở nên nổi bật khi đua nhau tăng trần.

Sau 4 phiên giảm điểm, thị trường chứng khoán đã lấy lại sắc xanh. Tuy nhiên, mức tăng nhỏ và xu hướng chủ đạo vẫn là đi ngang khi thanh khoản thấp và khối ngoại tiếp tục bán ròng. 

Dù vậy, giữa lúc thị trường chung ảm đạm, cổ phiếu ngành y tế lại đua nhau tăng trần; trong đó có nhiều mã cổ phiếu ngành dược phẩm. Các mã cổ phiếu ngành y tế tăng hết biên độ gồm: AMV, DAN, DBD, DBT, DCL, DDN, DHG, DP1, VJC, MRF, OPC, PBC, VHE, VMD.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt từng nhận định, điểm nhấn của ngành dược là sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kép khoảng 10% mỗi năm trong giai đoạn 2020 – 2023.

Hai yếu tố chính giúp ngành dược Việt Nam duy trì tăng trưởng kép 8% trong dài hạn đó là: Xu hướng nhân khẩu học tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dược phẩm trong dài hạn. Đối với người cao tuổi, các vấn đề về sức khỏe sẽ xuất hiện nhiều và nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc sẽ cao hơn đối với người ở độ tuổi lao động.

 

Theo Tổng cục thống kê, số người trên 60 tuổi khoảng 13 triệu người tương đương với 13,17% tổng dân số Việt Nam vào năm 2022. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 29,22 triệu người, chiếm 25,35% tổng dân số Việt Nam vào năm 2050.

Hãng Fitch Solutions dự báo chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm có xu hướng tăng lên từ mức 1,46 triệu đồng của năm 2021 lên 2,12 triệu đồng vào năm 2026, tương đương với mức tăng trưởng kép 7,8% trong vòng 5 năm tới, chiếm tỷ trọng trung bình 5% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm.

Hôm nay, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn làm đầu đầu kéo chỉ số. Theo đó, trong rổ VN30 có 15 mã tăng, 10 mã giảm và 5 mã đứng giá. Chỉ số VN30-Index cũng tăng gần 5,5 điểm. Cùng đó, sắc xanh tràn ngập ở nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng. Hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.

Thực tế cho thấy, dù kết quả kinh doanh quý II được dự báo là tích cực, nhưng cũng không tạo được sức bật mạnh. Xu hướng tăng giảm của các nhóm ngành không đồng nhất đã “níu kéo” đà hồi phục của chỉ số.

Dragon Capital mới đây dự phóng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý II tăng trưởng từ 14-17% so với cùng kỳ, được dẫn dắt bởi một số nhóm ngành chủ chốt như bán lẻ, chứng khoán, thép và công nghệ.

Mặc dù vậy, Dragon Capital giữ quan điểm thận trọng về thị trường nói chung trên cơ sở định giá một số ngành đang tương đối cao và đã phản ánh trước kỳ vọng tăng trưởng. Trong bối cảnh dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đang hấp thu và cân bằng lực bán của khối ngoại, Dragon Capital cho rằng thị trường có thể tiếp tục giằng co và nhiều biến động.

Khối ngoại hôm nay vẫn tiếp mạch bán ròng, với giá trị hơn 235 tỷ đồng trên toàn thị trường phiên hôm nay. Theo đó, khối ngoại bán ròng 235 tỷ đồng trên HOSE; 13,5 tỷ đồng trên HNX. Trong khi đó, khối  ngoại mua ròng cũng mức 13,5 tỷ đồng trên UPCOM. Các mã bị bán ròng mạnh như MWG (148 tỷ đồng). Tiếp đến, MSN và TCB là hai mã tiếp theo bị bán lần lượt 82 và 70 tỷ đồng.

Chốt phiên giao dịch ngày 16/7, VN-Index tăng 1,36 điểm lên 1.281,18 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 684,2 triệu đơn vị, tương ứng gần 16.414 tỷ đồng. Toàn sàn có 211 mã tăng giá, 215 mã giảm giá và 89 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 0,07 điểm lên 244.91 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 61,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.205,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 87 mã tăng giá, 80 mã giảm giá và 53 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 0,34 điểm lên 98,26 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 59,4 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.055,1 tỷ đồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục