Cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo - Người bạn lớn của Việt Nam

09:11' - 09/07/2022
BNEWS Cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo - một chính trị gia kiệt xuất, một người bạn thân thiết với Việt Nam, đã ra đi sau một vụ tấn công khủng khiếp, để lại cho nhiều người lòng tiếc thương vô hạn.

Chiều 8/7, cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã qua đời tại Bệnh viện Đại học Y Nara thuộc tỉnh Nara, phía Tây Nhật Bản. Trước đó, vào trưa cùng ngày, ông đã bị tấn công bằng súng trong lúc đang vận động tranh cử cho một ứng cử viên của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở thành phố Nara, phía Tây Nhật Bản.

 

Sự kiện này đã gây bàng hoàng và sửng sốt không chỉ cho người dân ở “đất nước Mặt trời mọc” mà còn cho cả thế giới, trong đó có Việt Nam, vị thủ tướng có thời gian tại nhiệm dài nhất trong lịch sử Nhật Bản này có một mối quan hệ rất đặc biệt đối với Việt Nam.

Cố Thủ tướng Abe sinh ngày 21/9/1954 tại thủ đô Tokyo trong một gia đình có truyền thống chính trị khi ông ngoại, Kishi Nobusuke, đã từng giữ chức thủ tướng trong giai đoạn 1957-1960, và cha ông, Shintaro Abe, đã từng giữ chức ngoại trưởng trong thời gian từ 1982-1986. Sau khi tốt nghiệp Đại học Seikei năm 1977, ông đã có một thời gian làm việc tại Công ty Thép Kobe (KOBELCO) trước khi được tuyển dụng vào Bộ Ngoại giao vào năm 1982.

Năm 1993, ông Abe đã bước chân vào chính trường Nhật Bản khi ra tranh cử trong cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 7 năm đó và được bầu làm nghị sỹ lần đầu tiên. Sau khi trúng cử, ông và một số nghị sỹ Nhật Bản khác đã tới thăm Việt Nam và nhận được “sự đón tiếp rất nồng ấm” của Chính phủ Việt Nam.

Sau khi gia nhập chính trường, ông Abe đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ và Đảng Dân chủ Tự do (LDP) như Phó Chánh Văn phòng Nội các trong giai đoạn 2000-2002, Tổng Thư ký LDP năm 2003 và Chánh Văn phòng Nội các năm 2005.

Tháng 9/2006, ông được bầu làm Chủ tịch LDP và trở thành vị thủ tướng thứ 90 của Nhật Bản vào ngày 26/9 năm đó. Khi đó, ông mới 52 tuổi và là vị thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản thời hậu chiến.

Trên cương vị này, ông đã tới thăm Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Hà Nội vào tháng 11/2006. Trong chuyến thăm đó, hai nước đã ra Tuyên bố chung về “Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Tuy nhiên, tháng 9/2007, ông Abe đã phải từ chức thủ tướng vì lý do sức khỏe.

Tháng 9/2012, ông Abe quay trở lại vị trí người đứng đầu LDP sau cuộc bầu cử chủ tịch đảng này. Vào tháng 12 năm đó, chính trị gia này đã dẫn dắt LDP giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện. Ngày 26/12/2012, ông Abe đã chính thức được bổ nhiệm làm Thủ tướng sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội.

Ngay sau khi trở lại nắm quyền, ông Abe đã chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị thủ tướng vào tháng 1/2013. Sau đó, ông còn có thêm 2 chuyến thăm khác tới Việt Nam trên cương vị này. Tới tháng 8/2020, ông Abe đã tuyên bố từ chức thủ tướng vì lý do sức khỏe.

Sau khi rời nhiệm sở, ông Abe vẫn tích cực tham gia các hoạt động chính trị. Ngày 11/11/2021, chính trị gia này đã trở thành nhà lãnh đạo của Seiwa Seisaku Kenkyukai – phái lớn nhất trong LDP. Gần hai tuần sau đó, ông đã có chuyến thăm Việt Nam.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Tokyo vào ngày 24/11 năm ngoái, ông Abe đã ôn lại nhiều kỷ niệm về Việt Nam, đồng thời bày tỏ tình cảm quý mến đặc biệt dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam.

Cựu Thủ tướng Abe Shinzo là người có đóng góp to lớn vào việc phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực và quốc tế. Trong thời gian hoạt động chính trị, Thủ tướng Abe đã nhiều lần tới Việt Nam. Riêng trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản, ông đã thăm Việt Nam tổng cộng 4 lần (vào năm 1993, 11/2006, 1/2013 và 11/2017).

Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên TTXVN vào tháng 2/2019, ông Abe, khi đó vẫn đang giữ chức Thủ tướng Nhật Bản, chia sẻ: “Đến giờ, tôi vẫn nhớ những tình cảm đó. Khi đó, Việt Nam đã thực hiện chính sách Đổi Mới và nhờ đó, kinh tế Việt Nam đã phát triển rất năng động”.

Ông nhấn mạnh: “Trong ấn tượng của người Nhật Bản, dân tộc Việt Nam là dân tộc rất cần cù, thông minh, tính kiên nhẫn cao và đặc biệt tình cảm của người Việt Nam rất ấm áp”. Có lẽ, những ấn tượng như vậy về Việt Nam là một trong những lý do để vị thủ tướng có thời gian tại nhiệm dài nhất trong lịch sử Nhật Bản bày tỏ: “Tôi rất muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước”.

Với những tình cảm đặc biệt đó, lúc sinh thời, cố Thủ tướng Abe đã không ngừng nỗ lực để vun đắp cho tình hữu nghị và quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Nhờ vậy, trong gần 8 năm dưới sự lãnh đạo của ông, quan hệ Việt-Nhật đã phát triển hết sức mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Năm 2014, hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”. Năm 2017, Nhật Bản là nước tài trợ viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài số 2 và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Đáng chú ý, chính ông Abe là người mời lãnh đạo Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng vào năm 2016 và Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) với tư cách khách mời đặc biệt của nước chủ nhà vào năm 2019. Đây đều là những lần đầu tiên Việt Nam tham dự các diễn đàn có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn như G7 và G20.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ giữa hai nước, dưới thời chính quyền của cố Thủ tướng Abe, cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản đã không ngừng lớn mạnh và trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai ở Nhật Bản.

Theo thống kê của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Cư trú (ISA) thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản, vào thời điểm cuối năm 2021, có 432.934 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, chiếm 15,7% trong tổng số người nước ngoài đang cư trú tại nước này, tăng hơn 12 lần so với năm 2012 – thời điểm ông Abe mới quay lại nắm quyền.

Đáng chú ý, số lượng thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản lên tới 160.563 người, chiếm tới gần 58,15% trong tổng số thực tập sinh nước ngoài ở nước này. Đó một phần là nhờ các chính sách tạo điều kiện tiếp nhận lao động Việt Nam của Chính phủ Nhật Bản dưới thời chính quyền của cố Thủ tướng Abe.

Giờ đây, ông Abe, một chính trị gia kiệt xuất, một người bạn thân thiết với Việt Nam, đã ra đi sau một vụ tấn công khủng khiếp. Sự kiện này đã gây chấn động thế giới và để lại cho nhiều người lòng tiếc thương vô hạn.

Trong điện chia buồn gửi tới Chính phủ, Nhân dân Nhật Bản ngày 8/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam “gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ, Nhân dân Nhật Bản và gia quyến Ngài Abe Shinzo; bày tỏ trân trọng tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu mà ngài Abe Shinzo dành cho đất nước và con người Việt Nam cũng như quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam–Nhật Bản”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục