Cổ vật thì thầm, đá kể chuyện nghìn năm

16:30' - 16/07/2025
BNEWS Đà Nẵng không chỉ là thành phố du lịch nghỉ dưỡng mà đang trở thành nơi kết nối các nền văn minh cổ, được thể hiện bằng cách nhìn hiện đại của người hôm nay.

Giữa nhịp sống sôi động của một thành phố hiện đại và sáng tạo, Đà Nẵng vẫn giữ được những khoảng lặng quý giá. Ở đó, cổ vật biết thì thầm lịch sử, những khối đá chạm khắc từ hàng ngàn năm trước vẫn miệt mài kể tiếp câu chuyện huyền ảo, nghệ thuật và bản sắc của một vùng đất. Không đâu rõ điều ấy hơn tại 2 bảo tàng độc đáo là Bảo tàng Đà Nẵng - nơi gìn giữ những “dấu xưa vang vọng” và Bảo tàng Điêu khắc Chăm - ký ức sống động về một nền văn minh.

Công nghệ số khơi dậy ký ức cổ vật

Từ ngày 11/7 đến ngày 12/9, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triển lãm chuyên đề “Đà Nẵng - Dấu xưa vang vọng”, giới thiệu hơn 200 cổ vật có niên đại từ thế kỷ XV đến thời Nguyễn, trong đó có 79 hiện vật do 14 nhà sưu tập tư nhân hiến tặng. Triển lãm quy tụ nhiều hiện vật đặc sắc như đồ gốm Chu Đậu, sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh, pháp lam Huế, tranh thêu chỉ vàng, đồ gỗ sơn son thếp vàng…, phản ánh đời sống văn hóa, thẩm mỹ, tín ngưỡng của người Việt qua các thời kỳ.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết: “Triển lãm không chỉ là nơi trưng bày cổ vật mà còn là lời mời cộng đồng cùng tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đằng sau mỗi hiện vật là một mảnh ghép của lịch sử, ký ức tập thể của cả một vùng đất”.

Không gian trưng bày là sự kết hợp giữa câu chuyện lịch sử, trải nghiệm thị giác và công nghệ tương tác. Hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ, phiên dịch văn bản số, ánh sáng thông minh, màn hình cảm ứng… giúp bảo tàng trở thành một trong những điểm đến ứng dụng công nghệ sớm nhất trong số các bảo tàng địa phương tại Việt Nam.

Chị Trần Thị Duyên, du khách từ Gia Lai, chia sẻ: “Tại đây, tôi không chỉ được xem hiện vật mà còn có thể nghe, đọc, tìm hiểu và tra cứu trực tiếp. Chúng tôi mong rằng ngày càng có nhiều người đến bảo tàng để trải nghiệm và khám phá chính vùng đất mình đang sống”.

Tọa lạc bên bờ sông Hàn, với kiến trúc độc đáo, Bảo tàng Đà Nẵng là một kiến trúc ký ức sống. Tòa nhà chính vốn là công trình di sản thời Pháp, từng là Trụ sở Tòa Công sứ Quảng Nam với hàng cột vòm đá ong, ban công đắp nổi và cầu thang xoắn cổ điển vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Trên nền đó, một khối nhà mới mang kiến trúc hiện đại đã được bổ sung, tạo nên sự kết nối giữa cổ điển - đương đại, giữa chất liệu Đông Dương và tinh thần đô thị mở.

Không chỉ là không gian lưu giữ gần 3.000 hiện vật quý, nơi đây còn là một “hiện vật sống”, từng là Tòa Đốc lý Tourane, rồi Tòa Thị chính qua nhiều thời kỳ. Với lối kiến trúc tân cổ điển Pháp và hệ thống trưng bày ứng dụng công nghệ 3D Mapping, thuyết minh tự động đa ngôn ngữ và trợ lý ảo chatbot, bảo tàng mang đến trải nghiệm hiện đại và cực kỳ độc đáo giữa lòng di sản. Không gian trưng bày 9 chủ đề lớn cùng nhiều tiện ích thân thiện, mở ra cánh cửa kết nối giữa quá khứ và hiện tại, làm bật sáng hình ảnh một Đà Nẵng đang hội nhập và phát triển.

Không gian trưng bày chia thành ba tầng, tương ứng với các lớp ký ức: Từ tư liệu cổ, hiện vật văn hóa dân gian đến mô hình đô thị hóa, công nghiệp hóa và trưng bày đương đại kết nối cộng đồng. Các phòng giới thiệu văn hóa Cơ Tu, các dân tộc miền núi Đà Nẵng cũng được thể hiện sống động qua âm thanh, ánh sáng và ngôn ngữ hiện đại.

Chị Trần Thị Khánh Ly, hướng dẫn viên Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết: “Bảo tàng được đông đảo khách tham quan yêu thích, đặc biệt là du khách nước ngoài từ châu Âu và châu Á. Trung bình mỗi lượt khách quốc tế mất hơn 120 phút tham quan, khách trong nước cũng dành khoảng hơn 90 phút”.

Đưa di sản ra khỏi tủ kính, bước vào đời sống

Cách đó không xa, nằm trên đường Trần Phú, Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện diện như một không gian tâm linh thuần khiết giữa lòng đô thị, là nơi mỗi khối đá như một bản kinh thiêng. Với 12 bảo vật quốc gia đang được lưu giữ như Đài thờ Trà Kiệu, tượng Shiva, Bồ tát Tara, phù điêu Phong Lệ... tất cả đều không chỉ là tác phẩm điêu khắc, mà còn là trật tự vũ trụ được thể hiện qua bàn tay người Chăm.

Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng Lê Thị Thu Trang chia sẻ: “Điều khiến chúng tôi trăn trở không chỉ là giữ gìn các khối đá cổ mà là làm sao để chúng tiếp tục ‘nói’ với công chúng hôm nay. Để đá không chỉ được nhìn - mà được hiểu, được sống lại”.

Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind từng viết trong sổ lưu niệm khi thăm Bảo tàng năm 2018: “Tôi đặc biệt ấn tượng với Đài thờ Trà Kiệu và tượng Shiva Linga - những tuyệt phẩm nghệ thuật Chăm, cũng là quốc bảo của Việt Nam”.

Nếu như trước đây bảo tàng là nơi chỉ để “xem cổ vật”, thì giờ đây, cả hai bảo tàng lớn của Đà Nẵng đều đang hướng tới trở thành những thiết chế văn hóa sống. Bảo tàng Điêu khắc Chăm không chỉ làm nhiệm vụ lưu giữ, mà còn liên tục ứng dụng công nghệ mã QR, thuyết minh tự động, triển lãm VR 360, tổ chức các hoạt động trải nghiệm học thuật và du lịch học đường. Nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều sinh viên, học giả trẻ nghiên cứu về văn hóa Champa, một nền văn minh từng phủ sóng từ Quảng Trị đến Khánh Hòa ngày nay.

Bà Lê Thị Thu Trang thông tin: “Chúng tôi đã đón tiếp hàng trăm lượt sinh viên đến tham quan, thực hiện đề tài nghiên cứu. Nhiều em ra về không chỉ mang theo những bức ảnh, mà còn cả những câu hỏi về văn hóa, tín ngưỡng và bản sắc. Đó mới là cách di sản tiếp tục sống”.

Chính quyền thành phố đang nghiên cứu xây dựng cơ sở mới của Bảo tàng Chăm tại khu vực Phong Lệ, nơi phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ Champa có quy mô lớn. Từ khảo cổ học đến giáo dục - du lịch - đô thị học, Đà Nẵng đang đặt nền móng cho một hệ sinh thái di sản Champa, nơi di tích không chỉ nằm trong tủ kính, mà có thể sống tiếp trong đời sống thường nhật.

Cả hai bảo tàng đều thể hiện tinh thần chung: Di sản không tĩnh tại. Các cổ vật tại Bảo tàng Đà Nẵng, từ gốm sứ đến đồ thờ đang được tiếp cận qua các triển lãm chuyên đề; còn các khối đá tại Bảo tàng Chăm chứa đựng giá trị văn hóa, thẩm mỹ và tâm linh cần tiếp tục được khám phá, suy ngẫm.

Chị Trần Diệu Anh, du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi đưa các con đến đây và thật bất ngờ khi các cháu rất thích thú. Không gian thoáng, thuyết minh dễ hiểu, các cháu rất chăm chú với những bức tượng thần Shiva”.

“Tôi sinh ra tại Bình Định - vùng đất Tháp Mẫm, nơi nghệ thuật Champa từng phát triển rực rỡ vào thế kỷ XIII-XIV. Nhưng khi đứng giữa không gian Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, tôi cảm nhận sâu sắc sự gắn kết xuyên vùng của văn hóa Champa. Ở đây, những khối đá như cất tiếng nói bằng ngôn ngữ của thẩm mỹ, tín ngưỡng và lịch sử dân tộc. Chúng tôi cảm nhận rõ sự hiện diện và phát triển rực rỡ của văn minh Champa, của văn hóa Hindu giáo trên đất nước mình”, ông Ngô Hồng Sơn, nhà nghiên cứu độc lập về văn hóa Chăm cho biết.

Bà Naraporn Chan-o-cha, phu nhân cựu Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha từng viết khi thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm: “Thật tuyệt vời khi biết rằng Thái Lan và Việt Nam cùng chia sẻ văn hóa Hindu thông qua các hiện vật điêu khắc”.

Đà Nẵng không chỉ là thành phố du lịch nghỉ dưỡng mà đang trở thành nơi kết nối các nền văn minh cổ, được thể hiện bằng cách nhìn hiện đại của người hôm nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục