Cởi trói cho sản xuất nông nghiệp

18:21' - 29/05/2017
BNEWS Nếu muốn nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, theo hướng nông nghiệp xanh và công nghệ cao thì tích tụ ruộng đất là lời giải cần thiết nhất hiện nay.
Tích tụ ruộng đất được coi là phương thức để giảm số thửa, đưa máy móc vào sản xuất, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả cho người nông dân. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Tuy nhiên, việc tích tụ ruộng đất nên để thị trường quyết định, Nhà nước chỉ cần có chính sách pháp lý công nhận điều này và bảo đảm quyền lợi cho nông dân, doanh nghiệp khi thực hiện.

Đây là ý kiến chung của các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự Tọa đàm Tích tụ ruộng đất, được và mất?” do Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp với Tạp chí Nông thôn Việt tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh ngày 29/5.

Điều hành theo cơ chế thị trường

Để có gần 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, Công ty TNHH Huy Long An , một trong những doanh nghiệp lớn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao hiện nay đã phải sử dụng nhiều biện pháp khác nhau. Phần lớn, doanh nghiệp này phải nhờ người đứng tên hộ trên các mảnh ruộng đang canh tác.

Đây cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đang phải thực hiện hiện nay để “lách luật” nhằm có đủ diện tích đất canh tác quy mô lớn, có thể áp dụng cơ giới hóa và các biện pháp công nghệ cao trong sản xuất.

Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, Việt Nam đang làm chính sách mà dùng ngôn ngữ để né hiện trạng, dùng “thu hồi”, “chuyển nhượng”, “đền bù” lấy đất thay vì mua bán. Một người có khoảng 1.000-2.000m2 đất ở nông thôn thì làm gì đủ sống, nếu họ không sang nhượng để tìm việc khác phù hợp hơn.

Dịch chuyển đất không tạo ra bất ổn, do vậy cần tạo ra nhiều phương tiện sản xuất cho nông dân. Nếu can thiệp quá sâu vào sự giao dịch tự nhiên của thị trường sẽ rất dễ bị nhóm lợi ích lợi dụng trục lợi. Thay vào đó, hãy cho người canh tác có quyền tài sản về đất đai, nhà nước ra điều kiện giao đất để doanh nghiệp triển khai để tránh tình trạng lợi dụng chiếm hữu đất đai mà không sản xuất , ông Huy nêu quan điểm.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, tích tụ hay tập trung đất đai cuối cùng là bảo đảm quyền tự do tài sản.

“Chỉ có quyền tự do tài sản, doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư. Nếu mua mà không có lợi, họ không mua, đó là triết lý cơ bản. Chúng ta phải hiểu như vậy mới tính đến được những chính sách lâu bền ”, ông Dũng nói .

Theo ông Dũng, g iá đất đai cũng phải theo thị trường , cần phải bảo vệ quyền tài sản đất đai của người dân, doanh nghiệp. Đây là vấn đề cốt yếu, phải nhìn nhận quyền sở hữu, nhà nước đảm bảo quyền tự do tài sản, đó mới là chìa khóa gỡ được cái vòng “kim cô” làm cản trở sự phát triển lâu nay.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Prodezi Long An cho rằng, dù có nói gì đi nữa nhưng nếu chính sách đất đai không thay đổi thì những vòng luẩn quẩn trong sản xuất nông nghiệp sẽ cứ mãi tiếp diễn.

“Trên thực tế, người nông dân không dễ dàng bỏ ruộng của mình được, nhưng nếu cứ giữ mãi như lâu nay họ sẽ không thể thoát nghèo. Do vậy, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp khai thác đất đai, nhưng cần có hành lang pháp lý bảo vệ cả nông dân lẫn doanh nghiệp ”, ông Thắng đề xuất.

Chấp nhận “mất” để “được” nhiều hơn

Cách đây hơn 10 năm, lãnh đạo Tập đoàn Minh Hưng đến huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đặt vấn đề đầu tư xây dựng nhà máy. Khi đó, giá đất ở đây chỉ khoảng 20.000-30.000 đồng/m2, nhưng công ty này quyết định nâng giá mua đất lên 100.000 đồng/m2 và được đa phần nông dân phấn khởi đồng ý.

Thế nhưng, chỉ 3 ngày sau họ đã đổi ý, chỉ còn 1/2 diện tích đất được chuyển nhượng, phần còn lại họ muốn bán với giá 120.000 đồng/m2.

Sau khi nhà máy được xây dựng, người dân địa phương cơ bản đều có cuộc sống và thu nhập tốt hơn, thay vì chỉ từ 2-3 triệu/tháng/người như trước đây lên đến 5-8 triệu/tháng/người. Người trẻ thì làm công nhân cho nhà máy, còn người già thì mở nhà trọ, làm dịch vụ thêm.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn kết hợp với chính quyền để xây dựng đường sá, cầu cống… góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.

Viện dẫn từ câu chuyện thực tế trên của doanh nghiệp, ông Lâm Đạo Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Minh Hưng cho rằng, người nông dân hiện nay rất thông minh, có sự thích nghi và phát triển rất nhanh và đầu tư khôn ngoan không kém gì doanh nghiệp.

Ông Đạo cho rằng không cần phải quá lo lắng về việc người nông dân bị mất đất và cũng không cần phải lo lắng về việc người nông dân bị thất nghiệp, vì hiện tại các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hay công nghiệp vẫn còn rất thiếu lao động. Cái quan trọng nhà nước cần có quy chế quản lý, giúp doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng.

Dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế cũng từng tham gia vào việc soạn thảo Luật Đất đai năm 1993, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, bắt buộc phải chấp nhận một bộ phận nông dân sẽ bị mất đất và bộ phận đó sẽ được bổ sung vào thị trường lao động.

Vấn đề đặt ra là làm sao để bộ phận này rời đất một cách chủ động chứ không bị cưỡng ép. Trên thực tế, hiện nay không có lao động cho nông nghiệp, vậy nên một bộ phận thoát ly để trở thành người làm thuê là điều cần thiết.

Theo ông Lịch, t ất cả động thái tích tụ và tập trung đều nên thực hiện bằng chính sách phù hợp. Lấy ví dụ ở khu vực Bắc Âu, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết, toàn bộ các trang trại ở đây có 70% diện tích là thuê của nông dân, doanh nghiệp chỉ sở hữu 30%.

Nếu thực hiện theo cách này sẽ khuyến khích người nông dân chấp nhận làm thuê trên mảnh đất của mình, vì họ sẽ có thu nhập, về già họ sẽ còn lấy được tiền bảo hiểm và tiền thuê đất để trang trải cuộc sống.

Do vậy, về mặt chính sách, nếu khuyến khích thì khuyến khích tập trung, nên để tích tụ tự nhiên và tách biệt với tập trung.

“Vai trò quan trọng nhất của nhà nước là tổ chức hệ thống phân phối làm sao để giảm chi phí sản xuất. Quản lý nhà nước phải tính đầu ra cho hàng nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay công nghệ chưa cao mà sản phẩm sản xuất ra cung đã thừa cầu, vì vậy tìm đầu ra cho hàng nông nghiệp công nghệ cao là điều phải tính đến”, Tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục