"Cơn gió ngược" từ các nước phát triển tác động xấu tới kinh tế toàn cầu

07:46' - 30/08/2016
BNEWS Kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những "cơn gió ngược" từ các nền kinh tế phát triển khi bất bình đẳng xã hội, chênh lệch về thu nhập và tăng trưởng ì ạch ở các nền kinh tế này đang trở nên rõ hơn.

"Cơn gió ngược" từ các nước phát triển tác động xấu tới kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa: TTXVN

Kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những "cơn gió ngược" từ các nền kinh tế phát triển, khi bất bình đảng xã hội, sự chênh lệch về thu nhập và tăng trưởng ì ạch ở các nền kinh tế này đang ngày càng trở nên rõ rệt hơn. 

Các vấn đề như vậy ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ và các nước châu Âu cho thấy sự yếu kém của các chính sách kinh tế, những hạn chế trong quản lý và trạng thái tiến thoái lưỡng nan của các lý thuyết cũng như ý thức hệ về kinh tế, làm gia tăng sự chia rẽ trong xã hội ở các nước đó và nguy cơ bất ổn định trên thế giới. Mặc dù số liệu việc làm khá tốt, các nền kinh tế phát triển vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể trong tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động và sự hài lòng của người dân. 

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 và 2017 xuống các mức tương ứng 3,1% và 3,4%. IMF hạ dự báo của các nền kinh tế phát triển xuống 1,8% cho năm nay và năm tới, giảm tương ứng 0,1 điểm phần trăm và 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Thiết chế tài chính này hạ dự báo đối với cả kinh tế Mỹ và Nhật Bản 0,2 điểm phần trăm trong năm 2016 và của nước Anh 0,2 điểm phần trăm nay nay và 0,9 điểm phần trăm năm tới. 

Nhà kinh tế nổi tiếng người Mỹ Larry Summers đã cảnh báo về tình trạng kinh tế trì trệ, khi khủng hoảng đã qua, lãi suất thấp và tăng trưởng thấp vẫn song hành dài hạn. Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan đã nhắc lại mối lo ngại từng nêu lên trước đây là kinh tế Mỹ đang hướng tới giai đoạn "đình trệ và lạm phát", tức tăng trưởng trì trệ còn lạm phát leo thang. Ông cho rằng những dấu hiệu ban đầu đang trở nên rõ ràng khi chi phí tính trên một đơn vị lao động bắt đầu tăng và mức tăng nguồn cung tiền cũng vậy. 

Khi các số liệu về tăng trưởng kinh tế yếu kém, người dân các nước phát triển cũng đang chứng kiến sự bất bình đẳng về thu nhập và xã hội. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất công bố hồi tháng Sáu, nói rằng vấn đề bất bình đẳng trở nên trầm trọng hơn ở nhiều nền kinh tế phát triển. Các thống kê khác cho thấy chất lượng cuộc sống của tầng lớp trung lưu Mỹ trong tám năm qua giảm sút so với các thế hệ trước và ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tồn tại một khoảng cách thu nhập gia tăng giữa người giàu và người nghèo. 

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng một trong những câu chuyện kinh tế đáng chú ý nhất trong thời đại ngày nay là sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và hệ lụy của nó đối với kinh tế toàn cầu. Trong một phát biểu năm 2014, bà cho biết kể từ năm 1980, 1% dân số là những người giàu nhất tăng thu nhập ở 24/26 nước và ở Mỹ, mức tăng là hơn gấp đôi, quay trở lại mức ở thời điểm trước Đại suy thoái. 

Một số chuyên gia tin rằng các nền kinh tế phát triển khó có thể đóng vai trò là động lực chính của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khả năng phục hồi của các nền kinh tế này không thể bị đánh giá thấp, nhất là các nền kinh tế lớn như Mỹ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục