Con tôm Việt đón sóng cơ hội trong năm 2022

09:29' - 02/02/2022
BNEWS Sau một năm sản xuất, chế biến và xuất khẩu trong tình thế đất nước gặp nhiều biến cố do dịch bệnh COVID-19, ngành tôm Việt Nam cũng đã gặt hái nhiều kết quả tốt.

Theo đà này, năm 2022 con tôm Việt đang có nhiều tiềm năng, lợi thế của sự phát triển chung của ngành và tiếp tục đón sóng cơ hội mới trong những khó khăn tiềm ẩn.

*Chứa đầy niềm tin phát triển

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mặc dù ngành tôm trải qua khó khăn, và những rủi ro tồn đọng từ năm 2021 có thể còn kéo dài sang năm 2022, nhưng đây chỉ là những gián đoạn tạm thời, bởi những đứt gãy cục bộ chuỗi cung ứng sản xuất, hay tình trạng phí container rỗng tăng cao sẽ còn kéo dài sang năm 2022.

Tuy nhiên, sản lượng nuôi tôm, xuất khẩu tôm trong năm 2021 đều tăng so với năm 2020. Kết quả này nói lên tính năng động của toàn bộ mắt xích chuỗi giá trị con tôm. Để có kết quả này, hàng chục vạn hộ nuôi tôm, hàng chục vạn công nhân chế biến đã vất vả lao động trong hoàn cảnh eo hẹp, trong sự lo lắng luôn thường trực trong đầu, bởi rủi ro dịch bệnh, rủi ro thiếu vật tư nuôi tôm… có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang dần được khắc phục, vaccine đã được phủ rộng cả nước, các quốc gia trên thế giới cũng dần khống chế được dịch bệnh. Khi dịch bệnh giảm thiểu, nhu cầu từ mảng dịch vụ sẽ hồi phục, sức cầu sẽ tăng tốt. Thời tiết tuy có lạnh hơn, nhưng sẽ không tác động đáng kể để người nuôi tôm mạnh dạn thả nuôi, tranh thủ giá tôm thương phẩm đang còn tốt.

Người lao động qua thời gian dài va chạm dịch bệnh đã có sự chuyển đổi trong suy nghĩ tích cực hơn, chỉ có con đường chấp hành kỷ luật, chấp hành quy định sản xuất mới bảo đảm an toàn hơn về sức khỏe và có thể tăng thêm thu nhập. Mặt khác, một số lao động, trước đây xa xứ mưu sinh, nay có ý nghĩ tìm việc gần nhà cho giản tiện. Các yếu tố này là động lực để các doanh nghiệp chế biến mở rộng quy mô sản xuất của mình.

Như vậy, trong năm 2022, con tôm Việt có không ít cơ hội đáng kể để ngành tăng tốc. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt ra mục tiêu xuất khẩu tôm năm 2022 đạt hơn 4 tỷ USD. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ đẩy mạnh sản xuất theo liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ trong sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm hiệu quả, liên kết giữa các địa phương nuôi tôm để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Xúc tiến hoạt động xuất khẩu thông qua các hội chợ thương mại quốc tế, để con tôm Việt có thể vượt qua nhiều thách thức được dự báo trước như các cường quốc tôm, đối thủ, như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia đều thoát ra khỏi đại dịch, đều có kế hoạch phục hồi và chinh phục thị trường.

Đáng kể nhất Ecuador, Ấn Độ có thế mạnh là tôm giá rẻ. Hơn nữa, Indonesia có thế mạnh là tôm không bị thuế ở Hoa Kỳ, không bị kiểm tra nhập khẩu gay gắt như tôm Việt ở Nhật Bản.

*Tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do

Việc cạnh tranh của con tôm Việt trước những đối thủ cùng ngành vốn không còn là chuyện xa lạ hay mới mẻ, để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm, người nuôi tôm phải tập trung tìm giải pháp. Tuy nhiên, đây là những vấn đề cốt lõi để con tôm Việt có một chiến lược phát triển toàn diện, tăng lợi thế để phát triển lâu dài.

Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tôm như hiện nay, phát triển chất lượng con tôm Việt thông qua phương pháp sản xuất kết hợp tôm – lúa, tôm rừng (tôm sinh thái), tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng thế giới khi lựa chọn con tôm Việt, ngành tôm cũng đang tập trung vào việc nội địa hóa tôm bố mẹ để chủ động được nguồn tôm giống chất lượng, sạch bệch.

Mục tiêu là đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính. Bởi Việc chủ động chất lượng nguồn tôm giống là rất quan trọng khi quy định nhập khẩu tại nhiều thị trường tiềm năng của Việt Nam ngày càng khắt khe hơn.

Theo Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong năm 2021. Đồng thời, khối thị trường thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có xu hướng phục hồi trong giai đoạn cuối năm 2021. Không những vậy, ngành tôm nói riêng, ngành thủy sản nói chung cũng được hưởng lợi nhiều nhất từ 16 Hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) và gần đây nhất là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)…

Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, đối với CPTPP, Năm 2022, thị trường xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam là Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng mạnh do nhu cầu của Mỹ và Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19. Đặc biệt, tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ ngày càng cạnh tranh hơn khi Ấn Độ cũng gặp nhiều rào cản do dịch COVID-19. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm của Việt Nam có nhiều lợi thế sau khi Hiệp định CPTPP được thực thi. Trong năm 2022, trong số 4 thị trường nhập khẩu đơn lẻ tôm Việt Nam lớn nhất trong khối, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản phục hồi chậm, trong khi các thị trường Canada, Australia, Singapore có xu hướng phục hồi tốt.

Khi các Hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu lực, cùng với những lợi thế được dự báo trước từ việc ổn định kinh tế của các thị trường sau dịch bệnh COVID-19, đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao năng lực tổ chức sản xuất đảm bảo theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc với quy trình từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến phục vụ xuất khẩu tôm.

Để cụ thể hóa mục tiêu xuất khẩu tôm đề ra trong năm 2022, Tổng cục Thủy sản cũng đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hiệu quả kế hoạch hành động quốc gia ngành tôm như tôm tôm biển, nuôi tôm hùm, nuôi tôm càng xanh để đa dạng hóa sản phẩm tôm Việt, nâng chất lượng con tôm và hướng tới phát triển nuôi tôm an toàn với môi trường./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục