Công an Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo về thực trạng “bắt cóc online"

19:58' - 28/07/2025
BNEWS Bắt cóc “online” hay bắt cóc trực tuyến là khi nạn nhân bị các đối tượng xấu chi phối qua điện thoại, mạng internet mà không gặp mặt trực tiếp, dẫn đến tự cô lập và bị bọn chúng tống tiền.

Tháng 7/2025, các đơn vị trực thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp để triệt phá nhanh chóng nhiều vụ bắt cóc “online”. Điều này trước hết cho thấy khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của các lực lượng Công an Thành phố sau khi sắp xếp, tuy nhiên, các vụ việc cũng cho thấy xu hướng tội phạm mới đang rộ lên, có tính chất tinh vi và nguy hiểm.

 

Cụ thể, ngày 24/7, một nam sinh viên ngụ phường Diên Hồng nhận cuộc gọi từ người tự xưng là shipper. Ngay sau đó, một đối tượng khác liên lạc qua Zalo, hù dọa nam sinh sinh viên này liên quan đến việc buôn ma túy và rửa tiền, khiến cho nam sinh hoảng sợ nghe theo lời chúng, phải tham gia cuộc gọi video để trình bày nhằm minh oan.

Từ đó, chúng bắt nạn nhân chuyển một số tiền, sau đó điều nạn nhân từ phường Diên Hồng đi nhiều nơi, rồi đến một nhà nghỉ thuộc xã Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây chúng lừa lấy tài khoản mạng xã hội của nạn nhân và số điện thoại người thân, để tống tiền 150 triệu đồng. Tất cả liên lạc đều qua ứng dụng trực tuyến.

“Từ cuộc gọi video call gặp anh đội trưởng thì em được yêu cầu chuyển qua Zoom, và trong Zoom có 3 người gồm em và một anh được giới thiệu là bên Công an, một anh bên Viện Kiểm sát khiến em càng tin những gì họ nói”, nam sinh viên này nói.

Với thủ đoạn tương tự, ngày 25/7, một nữ sinh viên từ tỉnh Khánh Hòa cũng bị đối tượng giả danh Công an gọi điện, cáo buộc liên quan rửa tiền và yêu cầu chuyển 150 triệu đồng để "chứng minh vô tội". Các đối tượng điều nạn nhân đến một khách sạn ở phường Hòa Hưng, Thành phố Hồ Chí Minh buộc tự nhốt trong phòng, sau đó tiếp tục gọi điện tống tiền người thân của nạn nhân.

“Con tham gia cuộc gọi video call rồi một lát sau mấy chú đó nói cần kiểm tra cơ thể, nói con phải cởi hết đồ ra, hình như là có quay lại, vẫn là ở trong cuộc họp ở trong Zoom đó. Rồi sau đó mấy chú lấy video đó dọa bắt mẹ con gửi thêm tiền”, nữ sinh này kể lại.

Theo Đội Hình sự đặc nhiệm (Đội 2), Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, vào tối 25/7, Đội đã phối hợp Công an phường Hòa Hưng giải cứu nữ sinh kể trên.

Ngày 25/7, bà T. đến Công an phường Hòa Hưng, Thành phố Hồ Chí Minh trình báo về việc con gái bà là em Q. (sinh năm 2007) bị mất liên lạc, có dấu hiệu bị khống chế. Theo bà T. trước đó vài giờ em Q. đang uống nước tại một quán cà phê trên đường Hòa Hưng, phường Hòa Hưng, Thành phố Hồ Chí Minh thì nhận được điện thoại của một người lạ. Nghe điện thoại xong, Q. đi đâu không rõ, bà T. liên lạc qua điện thoại, Q. cho biết đi giải quyết việc học tại trường đại học và sau đó mất liên lạc.

Sau đó, một người liên lạc với bà T. bằng tài khoản Zalo của Q. và cho biết đã bắt cóc con bà, chuẩn bị đưa qua Campuchia, người này yêu cầu bà T. chuyển tiền chuộc. Quá hoảng sợ, sau đó bà T. đã chuyển 17 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của Q. Tiếp đó bà T. liên tiếp nhận cuộc gọi từ nhiều người lạ yêu cầu tiếp tục chuyển tiền, nên bà đến Công an phường Hòa Hưng trình báo. Nhận tin báo, Công an phường cùng Đội 2, Phòng Cảnh sát hình sự, Tổ địa bàn tiến hành các biện pháp nghiệp vụ và đến 19 giờ cùng ngày phát hiện em Q. đang ở một mình trong khách sạn trên đường Trần Văn Đang, Thành phố Hồ Chí Minh.

Làm việc với Công an, nữ sinh cho biết nhận được điện thoại của người tự xưng là Công an, nói rằng thông tin cá nhân của Q. bị lộ, có người sử dụng để tạo tài khoản nhằm rửa tiền. Để chứng minh mình không liên quan tội phạm rửa tiền, Q. phải chuyển cho chúng 150 triệu đồng. Do quá sợ hãi, Q. đã chuyển trước 10 triệu đồng vào số tài khoản do đối tượng cung cấp. Đối tượng này yêu cầu Q. phải giữ bí mật với mọi người, kể cả cha mẹ, phải di chuyển nhiều nơi, thuê khách sạn ở một mình để không ai biết.

Trao đổi về vụ việc trên, Trung tá Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Công an phường Diên Hồng, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Sau khi các vụ việc xảy ra, chúng tôi tổ chức tuyên truyền cho khu phố và các hệ thống chính trị trên địa bàn và chính bản thân tôi cũng yêu cầu các trưởng khu phố, hệ thống chính trị cần tuyên truyền đây là thủ đoạn mới nhất của tội phạm”.

Thiếu tá Châu Thị Kim Ngọc, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo: “Các em không làm gì sai nên không có gì phải sợ. Cơ quan Công an không làm việc qua điện thoại, không yêu cầu chuyển khoản, không gửi các lệnh bắt qua điện thoại nên các em bình tĩnh, xử lý tự tin và thông báo cho Cơ quan Công an gần nhất”.

Cơ quan Công an khuyến cáo học sinh, sinh viên cần thường xuyên cập nhật thông tin về các loại tội phạm trực tuyến, đồng thời nhà trường, gia đình phải quan tâm, hướng dẫn để các em có giải pháp đúng đắn khi gặp sự cố.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục