Công bố ngưỡng điểm xét tuyển tại một số trường đại học

17:01' - 16/07/2019
BNEWS Tính đến ngày 16/7, một số trường đại học đã chính thức công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, làm căn cứ để tuyển sinh năm 2019.
Điểm thi được tra cứu trên mạng Internet. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Mức điểm nhận hồ sơ của các trường công bố đa phần tương đương với mức điểm năm 2018.

Tuy nhiên, theo dự đoán của các chuyên gia giáo dục, mức điểm chuẩn trúng tuyển của một số trường năm nay sẽ tăng nhẹ.

Trường Đại học Ngoại thương nhiều mức điểm sàn

Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Ngoại thương vừa công bố mức điểm nhận hồ sơ theo kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia ở cả 3 cơ sở là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh.

Theo đó, mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương trụ sở chính ở Hà Nội và cơ sở II Thành phố Hồ Chí Minh từ 20,5 điểm. Riêng tại cơ sở Quảng Ninh, nhà trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh từ 17 điểm.

Tại cơ sở II Thành phố Hồ Chí Minh và cơ sở Quảng Ninh, trường không tuyển khối D02 (Toán - Văn - Tiếng Nga), D03 (Toán - Văn - Tiếng Pháp) và D04 (Toán - Văn - Tiếng Trung). Tại Quảng Ninh, nhà trường không tuyển khối D06 (Toán - Văn - Tiếng Nhật).

Ở phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia, mức điểm nhận hồ sơ là tổng điểm 2 bài/môn thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 (không bao gồm điểm ưu tiên xét tuyển) thuộc tổ hợp môn xét tuyển của trường. Trong đó, môn Toán bắt buộc và một môn khác không phải Ngoại ngữ.

Tổng điểm phải từ 15,50 trở lên, áp dụng cho các chương trình tiên tiến Quản trị Kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, chương trình chất lượng cao Kinh tế Quốc tế, Kinh doanh Quốc tế, Quản trị Kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, chương trình Kinh doanh Quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản, chương trình Kế toán - Kiểm toán ACCA theo định hướng nghề nghiệp quốc tế, chương trình Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng theo định hướng nghề nghiệp quốc tế.

Riêng các chương trình tiên tiến và chất lượng cao Kinh tế Đối ngoại, thí sinh phải đạt tổng điểm 16 trở lên.

Năm 2018, Trường Đại học Ngoại thương có điểm trúng tuyển dao động từ 22,65 đến 24,25. Nhóm ngành Kinh tế, Kinh tế Quốc tế và Luật, nhóm ngành Kinh doanh Quốc tế và Quản trị Kinh doanh Quốc tế, nhóm ngành Kinh tế và Quản trị Kinh doanh của cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh có điểm trúng tuyển tổ hợp A00 cao nhất tương ứng 24,1; 24,1 và 24,25 điểm.

Học viện Ngân hàng xét tuyển thí sinh từ 18 điểm

Theo thông báo của Học viện Ngân hàng, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2019 đối với hệ đại học chính quy dựa trên kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia là 18 điểm cho bốn tổ hợp gồm A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) và D07 (Toán, Hóa, Anh).

Các thí sinh sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Các thí sinh có tổng điểm 3 môn thi, bài thi từ 18 điểm trở lên có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy hệ đại trà, chương trình liên kết quốc tế, chương trình định hướng Nhật Bản của Học viện Ngân hàng.

Năm 2019, Học viện Ngân hàng tuyển 3.730 chỉ tiêu, trong đó có hơn 3.300 chỉ tiêu được tuyển dựa trên điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia.

Điểm sàn của Trường Đại học Hà Nội là 15 điểm

Trường Đại học Hà Nội cũng vừa đưa ra mức điểm sàn đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển và các ngành đào tạo năm 2019 là 15 điểm.

Trong đó, thí sinh có tổng điểm 3 môn thi Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ hoặc Toán, Vật lý, Tiếng Anh của kì thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 đạt 15 điểm trở lên (theo thang điểm 10, chưa nhân hệ số) đều có thể nộp hồ sơ xét tuyển.

Tổng điểm để xét tuyển bao gồm cả điểm ưu tiên (nếu có) và điểm của môn thi chính đã nhân hệ số 2, xếp từ cao xuống thấp.

Thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển vào các chương trình đào tạo quốc tế lấy bằng chính quy do các trường đại học nước ngoài cấp bằng. (Chi tiết thông tin xem tại website: www.hanu.edu.vn).

Năm 2019, Trường Đại học Hà Nội tuyển sinh đại học hệ chính quy ở 22 ngành với 2450 chỉ tiêu.

Trường Đại học Luật Hà Nội không sử dụng kết quả bảo lưu của kỳ thi 2018

Năm 2019, Trường Đại học Luật Hà Nội quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các thí sinh đăng ký dự tuyển tổ hợp xét tuyển C00 và theo học tại trụ sở chính của trường phải có tổng điểm từ 20 trở lên. Với các tổ hợp khác, thí sinh phải đạt từ 18 điểm trở lên (không bao gồm điểm ưu tiên).

Ngoài ra, đối với ngành Luật Thương mại quốc tế, ngành Ngôn ngữ Anh, điểm thi Trung học phổ thông quốc gia môn tiếng Anh phải từ 7 điểm trở lên.

Đối với thi sinh đăng ký dự tuyển và theo học tại phân hiệu của Đại học Luật Hà Nội tại Đắc Lắk chỉ xét tuyển ngành Luật, tổng điểm của các môn thuộc tổ hợp xét tuyển C00 đạt từ 18 điểm trở lên, các tổ hợp khác đạt từ 16 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên).

Trường không sử dụng kết quả bảo lưu của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 để xét tuyển năm 2019, trừ các trường hợp đã trúng tuyển vào Đại học Luật Hà Nội năm 2018 và được bảo lưu kết quả tuyển sinh.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân không thay đổi điểm sàn so với 2018

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã chính thức công bố mức điểm sàn xét tuyển vào trường năm 2019 là 18 điểm.

Mức điểm này không thay đổi so với năm trước. Mức điểm này bao gồm điểm thi theo tổ hợp xét tuyển, điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và ưu tiên xét tuyển đối với các ngành có tổ hợp các môn tính hệ số 1.

Đối với những ngành có tổ hợp môn tiếng Anh tính hệ số 2, các môn khác tính hệ số 1, quy về thang điểm 30 theo công thức: (điểm môn 1 + điểm môn 2 + điểm tiếng Anh x 2) x 3/4 + điểm ưu tiên.

Năm nay, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh 5.650 chỉ tiêu, tăng 2,7% so với năm 2018.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường Đại học, Cao đẳng sư phạm, Trung cấp sư phạm phải công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ và trang thông tin điện tử của trường trước ngày 22/7, để thí sinh có thời gian nghiên cứu, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển cho phù hợp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục