Công nghệ 3D giúp tái hiện những thời khắc cuối cùng của thành cổ Pompeii

10:13' - 02/07/2020
BNEWS Cách đây hơn 2.000 năm, thành phố Pompeii phồn hoa quay mặt ra vịnh Naples sóng yên biển lặng của Italy bỗng chốc đã bị phá hủy khi phải hứng chịu "cơn cuồng nộ" của núi lửa Vesuvius phun trào.

Những thời khắc kinh hoàng cuối cùng của thành phố cổ xinh đẹp này giờ đây được tái hiện trong cuộc triển lãm 3D khai mạc tại Cung điện Lớn (Grand Palais) ở thủ đô Paris của Pháp, hứa hẹn mang lại những cảm xúc chân thực nhất cho khách tham quan.

Triển lãm "Pompeii" tái hiện cuộc sống thường nhật của người dân thành phố cùng tên vào năm 79 sau Công nguyên trong những giờ phút trước khi ngọn núi lửa Vesuvius phun trào nham thạch "nuốt chửng" thành phố cùng 40.000 cư dân chỉ trong một thời gian ngắn.

Một con phố và một số biệt thự xa hoa cùng các đền thờ của một trong những thành phố giàu có nhất trong nền văn minh La Mã cũng đã được tái hiện tại cuộc triển lãm, được các nhà tổ chức mô tả như một "cỗ máy thời gian".

Cứ mỗi 15 phút, núi lửa Vesuvius lại bắt đầu "gầm gừ", trước khi phun nham thạch cùng tro bụi và đất đá. Các nhà khảo cổ đã sử dụng máy bay không người lái để quay phim địa điểm này, cũng như bản đồ được vẽ bằng máy quét laser, máy ảnh hồng ngoại và phép quang trắc, cho phép tái hiện quang cảnh thành phố Pompeii một cách chính xác và chân thực nhất.

Triển lãm cũng trưng bày một số cổ vật quý hiếm như bức tượng Hoàng hậu Livia - vợ của Hoàng đế La Mã đầu tiên Augustus - vẫn còn một số tàn tích của bộ tóc vàng và bộ váy đỏ tía, và một bức bích họa của  nữ thần tình yêu Venus.

Một trong những cổ vật triển lãm đặc sắc là một chiếc rương chứa 100 chiếc bùa nhỏ làm bằng thủy tinh, ngà voi và thạch anh tím, vốn được phù thủy sử dụng để bảo vệ con người trước những thế lực thù địch. Dự kiến, triển lãm sẽ kéo dài tới hết ngày 27/9.

Nằm dưới chân núi Vesuvius, Pompeii là một trong những bằng chứng quan trong nhất của nền văn minh La Mã, cung cấp tư liệu sống về nghệ thuật, phong tục, cuộc sống hằng ngày của người La Mã cổ đại. Vào thời điểm trước khi thảm họa xảy ra, người dân Pompeii vẫn yên tâm sống cuộc sống hạnh phúc khi tin vào lời khẳng định của nhà địa lý học nổi tiếng Strabo thời bấy giờ rằng ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động.

Họ không ngờ rằng núi lửa Vesuvius tưởng như đã "chết" vẫn âm thầm hoạt động để rồi một ngày bừng tỉnh, giáng đòn khủng khiếp xuống Pompeii, khiến thành phố phồn thịnh này bị vùi lấp và lãng quên dưới lớp tro bụi và dung nham. Mãi đến tận thế kỷ XVIII, những tàn tích của Pompeii mới được khai quật.

Ngày nay, Pompeii là một di tích nổi tiếng ở gần thành phố Napoli của Italy, thu hút khoảng 3 triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Năm 1997, Pompeii đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục