Công nghệ sản xuất gạch mới giúp giảm ô nhiễm môi trường

09:31' - 13/08/2018
BNEWS Kỹ sư người Rwanda Aimable Mutabazi vừa giới thiệu công nghệ sản xuất gạch xây dựng từ vật liệu thủy tinh và gốm phế thải giúp giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.

Theo kỹ sư Mutabazi, ngoài mục đích bảo vệ môi trường, sản phẩm gạch làm từ thủy tinh và gốm phế thải có giá bán chỉ bằng 50% gạch truyền thống, nhờ đó người dân tại Rwanda sẽ có thêm cơ hội sở hữu những căn nhà kiên cố hơn.

Không chỉ giúp bảo vệ môi trường bằng cách tận dụng thủy tinh và gốm phế thải là những vật liệu phải mất hàng triệu năm mới có thể tự phân hủy trong môi trường tự nhiên, quá trình sản xuất gạch của kỹ sư Aimable cũng không dùng nhiệt để nung như cách sản xuất gạch truyền thống nên không thải ra khí CO2 - một trong những “thủ phạm” chính gây nên hiệu ứng nhà kính.

Kỹ sư Aimable cho hay đã sử dụng phương pháp ép thủy lực cường độ cao hỗn hợp giữa thủy tinh, gốm phế thải, cát và xi măng nên gạch thành phẩm có kết cấu tốt và nhẹ hơn hẳn so với gạch nung từ đất sét truyền thống.

Ngoài ra, công nghệ ép nguội còn cho phép sản xuất ra những viên gạch có màu sắc theo yêu cầu của khách hàng nên rất phù hợp với các công trình đòi hỏi tính mỹ thuật cao.

Kỹ sư Aimable cho biết ý tưởng trên xuất hiện từ năm 2010 lúc còn là sinh viên ngành xây dựng dân dụng tại trường Đại học quốc gia Rwanda.

Khi đó, kỹ sư Aimable đã chứng kiến nhiều núi rác nằm ngổn ngang xung quanh thủ đô Kigali của Rwanda, trong đó bao gồm nhiều chai lọ, cửa kính, kính ô tô và đồ sành sứ - những vật liệu rất khó tự phân hủy nên làm tổn hại lâu dài đến môi trường.

Sau khi nghiên cứu, kỹ sư Aimable nhận ra rằng đây chính là những vật liệu rất thích hợp cho việc sản xuất gạch. Đến đầu năm 2018, kỹ sư Aimable quyết định mở một công ty sản xuất riêng. Hiện những sản phẩm gạch đầu tiên với thương hiệu Byiza Vuba của kỹ sư Aimable đang được giới thiệu tại Triễn lãm Thương mại Quốc tế Rwanda diễn ra từ ngày 26/7 đến 15/8 tại thủ đô Kigali./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục