Công nghiệp 4.0: Những tác động đến vấn đề di cư

06:30' - 13/08/2017
BNEWS Cách mạng công nghiệp 4.0 có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi xu hướng di dân cũng như chính sách về di cư của các quốc gia trên thế giới.
Công nghệ cao sẽ hỗ trợ các quốc gia giải quyết vấn đề di cư hiệu quả hơn. Ảnh: Reuters

Theo bài viết của nhóm chuyên gia đăng trên trang mạng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), các quốc gia trên toàn thế giới đang ghi nhận sự chuyển đổi mạnh mẽ để bắt kịp với Cách mạng công nghiệp 4.0 hay còn gọi là cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong khi đó, với ước tính trung bình cứ mỗi 3 giây lại có 1 người rời bỏ nhà cửa, quê hương đi tìm cuộc sống mới ở các địa phương khác trong nước hoặc ra nước ngoài, năm 2016 ghi nhận mức cao lịch sử về số người di cư trên phạm vi toàn cầu.

Do đó, khi xem xét xu hướng di dân hiện tại, không thể bỏ qua những tác động của Công nghiệp 4.0 đối với chính sách của các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề di cư một cách an toàn và hiệu quả.

Bài toán khó về làn sóng di cư

Cho đến nay, thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất với động cơ thủy lực và hơi nước. Cuộc cách mạng lần thứ hai là động cơ điện và dây chuyền sản xuất hàng loạt.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba là kỷ nguyên máy tính và tự động hóa. Cách mạng công nghiệp đang khởi phát lần này là sự kết hợp giữa hệ thống siêu kết nối vật lý và kỹ thuật số với tâm điểm là Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot…

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại thời điểm làn sóng di dân trên toàn cầu gia tăng mà trong nhiều trường hợp, người di cư phải đối mặt với rất nhiều rủi ro và điều kiện hiểm nghèo.

Năm 2016 ghi nhận 250 triệu người di cư quốc tế, trong đó chỉ có 21 triệu người đủ điều kiện xét quy chế tị nạn theo Công ước về tị nạn của Liên hợp quốc. Tại các quốc gia, tỷ lệ người dân rời bỏ nông thôn để tìm việc làm và sinh sống ở thành thị cũng tăng lên, với ước tính tỷ lệ đô thị hoá trên thế giới sẽ đạt 66% vào năm 2050.

Cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần mở ra những cơ hội kinh doanh và việc làm cho người nhập cư, đặc biệt là nếu họ được đào tạo đúng cách, ví dụ như trong lĩnh vực kỹ thuật robot và ứng dụng công nghệ đổi mới.

Các chuyên gia nghiên cứu xã hội học cho rằng do đối mặt với tình trạng già hóa dân số, châu Âu cần người nhập cư để đáp ứng nhu cầu phát triển của các nền kinh tế thành viên. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tác động tích cực từ dòng người tị nạn chỉ diễn ra nếu họ hòa nhập nhanh với xã hội nước bản địa.

Trước các gánh nặng mang tính xã hội và kinh tế mà một quốc gia hay khu vực phải đối mặt, người nhập cư gặp nhiều khó khăn khi hòa nhập vào thị trường việc làm mà đa số vấp phải những thách thức nghiêm trọng liên quan đến học vấn và sự thích ứng trong công việc.

Bên cạnh đó, cũng như các cuộc cách mạng công nghiệp khác, lỗ hổng về trình độ cũng như nguy cơ tụt hậu là những rủi ro lớn của lao động trong giai đoạn chuyển tiếp, bởi Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ triệt tiêu lao động giản đơn và đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.

Công nghệ robot là một trong những lĩnh vực nổi trội của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư. Ảnh: Reuters

Những người di cư không những phải đối diện với nguy cơ trên, mà họ còn là mục tiêu của những cáo buộc cho rằng việc họ chấp nhận làm những công việc “kém hấp dẫn” mà người bản địa thường từ chối, đã làm hạ thấp tiêu chuẩn của thị trường lao động.

Vai trò của Cách mạng công nghiệp 4.0

Trong khi người di cư và người tị nạn sử dụng ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS hay các trang mạng xã hội để theo dõi và quyết định hướng đi của họ, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ (NGO) đang tăng cường sử dụng công nghệ máy bay không người lái (UAV) trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Trên thực tế, việc sử dụng UAV ngày càng được công nhận là một công cụ thiết yếu cho hoạt động nhân đạo vì thiết bị này đặc biệt hữu ích cho việc lập bản đồ, giao hàng đến các địa điểm xa xôi, đánh giá và giám sát thiệt hại.

Các chính phủ cũng đã nhận thức được lợi ích trong việc sử dụng UAV để quản lý di cư. Bắt đầu từ năm 2005, Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ bắt đầu sử dụng UAV trong nước nhằm theo dõi người di cư qua biên giới của nước này.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đầu tư vào một đội máy bay không người lái có trang bị video, cảm biến hồng ngoại và công nghệ phát hiện hoá chất để cung cấp dữ liệu thời gian thực tế về dòng người di cư.

Tại khu vực Địa Trung Hải, các chính phủ châu Âu và NGO sử dụng để hỗ trợ các sứ mệnh cứu hộ người di cư. Tiềm năng của việc phát triển và sử dụng các máy bay không người lái trong lĩnh vực này là đầy hứa hẹn, tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến vấn đề cân bằng lợi ích an ninh quốc gia và quyền tự do cá nhân.

Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo cùng các thuật toán thống kê và phân tích dữ liệu khổng lồ sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách tìm ra bức tranh tổng quan của làn sóng di cư.

Việc thu thập và xử lý dữ liệu “chất lượng cao” liên quan đến dân số, xã hội, kinh tế, v.v có thể làm sáng tỏ phương thức dự đoán xu hướng di dân trong tương lai, khai thác nguồn nhân lực hiệu quả và phân tích các dòng kiều hối.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo cho phép các chuyên gia so sánh và phân tích có hệ thống những mô hình di cư lịch sử và hiện tại, tìm hiểu về các nguyên nhân dẫn tới hiện tượng di cư.

Trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế hay xã hội, những kết quả phân tích sẽ giúp các chính phủ hay lãnh đạo doanh nghiệp có biện pháp phù hợp để có thể điều chỉnh xu hướng di cư hay có sự chuẩn bị chiến lược hội nhập người nhập cư có hiệu quả.

Cuối cùng, những bản đồ phân tích dự báo trên có thể cung cấp thông tin hữu ích về thị trường lao động, nhu cầu nhân lực, yêu cầu về kỹ năng, cơ hội việc làm v.v… để người di cư có định hình chi tiết hơn về nơi mà họ muốn đến, cũng như trau dồi trình độ để hội nhập tốt hơn, xây dựng cuộc sống mới và đóng góp tích cực cho nước sở tại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục