Công nghiệp Đồng Nai: Đi đầu và nguy cơ tụt hậu

15:42' - 31/08/2024
BNEWS Khi công nghiệp của hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước còn ở dạng sơ khai, công nghiệp Đồng Nai đã có nhiều ưu điểm vượt trội. Nhưng đến nay, nhiều hạn chế, bất cập đã bộc lộ.
Đồng Nai là tỉnh có nền công nghiệp phát triển lâu đời nhất ở nước ta. Trước đây, khi công nghiệp của hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước còn ở dạng sơ khai, công nghiệp Đồng Nai đã có nhiều thế mạnh, ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, cùng với quá trình công nghiệp hóa của đất nước, sự phát triển của công nghiệp Đồng Nai bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, có nguy cơ tụt hậu nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời.

Theo UBND huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn huyện Trảng Bom có 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, đến nay cả 5 khu đều chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

 
Trong đó, Khu công nghiệp Hố Nai với tổng diện tích gần 230 ha, đã đi vào hoạt động được hơn 20 năm nhưng hiện vẫn còn hơn 14 hộ chưa bàn giao mặt bằng với diện tích hơn 12 ha. Tình trạng này do một số trường hợp đứng tên trong hồ sơ bồi thường, hỗ trợ nhưng đã mất và không lập thủ tục phân chia thừa kế nên ngành chức năng chưa xác định được đối tượng thu hồi đất; một số trường hợp khiếu nại về vấn đề tái định cư. Tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, dù Đồng Nai đã phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng để làm Dự án đường bao và dải cây xanh cách ly khu dân cư tại xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom. Song đến nay Dự án vẫn bất động. Nguyên nhân do một số quyết định thu hồi đất chưa được triển khai đến người dân, vấn đề pháp lý trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa đảm bảo.

Năm 2007, tỉnh Đồng Nai có quyết định xây dựng Khu công nghiệp Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) với diện tích hơn 120 ha, nhưng hiện mới bàn giao được hơn 75 ha. Trong phạm vi Khu công nghiệp Thạnh Phú vẫn còn khoảng 160 hộ chưa nhận tiền bồi thường. Điều này do các hộ khiếu nại về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Ông Đỗ Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết, mới đây, huyện Trảng Bom đã xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên và được tỉnh hướng dẫn xử lý vướng mắc về vấn đề giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp. Chính quyền huyện đang phối hợp cùng Sở Tài nguyên – Môi trường Đồng Nai rà soát, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy định của pháp luật.

Theo các doanh nghiệp đang hoạt động tại Đồng Nai, hạ tầng trong các khu công nghiệp ở Đồng Nai được đầu tư đồng bộ, đường rộng, điện nước đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều khu công nghiệp trong tỉnh chưa hoàn thiện đường đấu nối thoát nước, kết nối giao thông với bên ngoài. Mặt bằng tại các khu công nghiệp chưa bàn giao đầy đủ nên doanh nghiệp không thuê được đất để mở rộng sản xuất.

Ông James Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: Hạ tầng trong Khu công nghiệp Long Bình tốt. Tuy nhiên, đường Bùi Văn Hòa kết nối từ khu công nghiệp ra bên ngoài rất nhỏ hẹp, thường xuyên xảy ra ách tắc, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa. Đồng Nai cần sớm mở rộng, nâng cấp đường, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, trên địa bàn Đồng Nai có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy hơn 86% diện tích đất cho thuê. Qua rà soát cho thấy, có 8 khu công nghiệp trong tỉnh chưa hoàn thiện kết nối giao thông, đấu nối hạ tầng tuyến thoát nước mưa ngoài hàng rào, như: Hố Nai, Dầu Giây, Amata Biên Hòa. Hầu hết các khu công nghiệp chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng với tổng diện tích hơn 750 ha.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, do phát triển công nghiệp sớm nên trước đây Đồng Nai thu hút nhiều dự án thâm dụng lao động trong lĩnh vực dệt may, giày da; tỉnh là điểm nhập cư của hàng trăm nghìn lao động trong cả nước. Trong một giai đoạn lịch sử, công nghiệp Đồng Nai ngoài thúc đẩy phát triển kinh tế còn góp phần giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho lao động của hàng chục tỉnh, thành. Đến nay, sự phát triển của công nghiệp Đồng Nai bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Những năm gần đây, Đồng Nai vẫn thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tuy nhiên hầu hết là dự án nhỏ, thuê nhà xưởng để hoạt động. Hiệu quả đầu tư công nghiệp của Đồng Nai thấp do tỉnh chủ yếu phát triển công nghiệp hỗn hợp, thâm dụng lao động, chưa thu hút được những dự án vốn lớn (từ 1 tỷ USD trở lên). Điều này dẫn đến giá trị gia tăng trên diện tích đất công nghiệp của Đồng Nai đạt thấp, chỉ khoảng 18 tỷ đồng/ha.

Vấn đề ách tắc trong giải phóng mặt bằng, giao thông kết nối giữa khu công nghiệp với bên ngoài đã tồn tại từ lâu, các doanh nghiệp, địa phương thường xuyên phản ánh. Để xử lý, tháng 7/2024, tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xử lý các khó khăn, vướng mắc tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Hiện các đơn vị trên địa bàn tỉnh đang tích cực phối hợp giải quyết hồ sơ thu hồi đất tại các khu công nghiệp, xây dựng đường kết nối từ khu công nghiệp với bên ngoài.

Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, dù là tỉnh phát triển công nghiệp lâu đời nhưng công nghiệp Đồng Nai chậm đổi mới, thâm hụt lao động, nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, giá trị gia tăng thấp; các khu công nghiệp có nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, giao thông kết nối. Nếu những điều này vẫn tiếp diễn thì công nghiệp Đồng Nai rất khó phát triển mạnh, bền vững, nguy cơ sẽ tụt hậu.

Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu các đơn vị trong tỉnh rà soát, hỗ trợ các khu công nghiệp trong lộ trình chuyển đổi, bởi phát triển khu công nghiệp xanh, doanh nghiệp xanh là mục tiêu mà Đồng Nai đang hướng tới; tiến hành rà soát, thống kê hệ thống hạ tầng ngoài khu công nghiệp cần đầu tư, giải pháp về nguồn vốn. Từ đó, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, đề ra chủ trương thực hiện nhằm nâng cao chất lượng các khu công nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục