Công trình số 61 Trần Phú (Hà Nội): Thận trọng vì cảnh quan chung

10:21' - 08/04/2022
BNEWS Việc phá cũ xây mới có thể ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan kiến trúc của Khu trung tâm chính trị Ba Đình khi công trình này chỉ cách tòa nhà Quốc hội vài trăm mét.

Những ngày qua, công trình số 61 Trần Phú, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của dư luận bởi đây vốn là công trình được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20 bị phá bỏ để xây dựng cao ốc 11 tầng.

Việc phá cũ xây mới có thể ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan kiến trúc của Khu trung tâm chính trị Ba Đình khi công trình này chỉ cách tòa nhà Quốc hội vài trăm mét.

 

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, nhà số 61 Trần Phú do Công ty cổ phần thiết bị bưu điện (chủ đầu tư) quản lý sử dụng theo quyết định số 1738/QĐ-UBND ngày 16/4/2010 của UBND thành phố Hà Nội, có tổng diện tích 9.078 m2;

Trong đó, 1.555 m2 đất nằm trong chỉ giới đường đỏ không được xây dựng công trình; 7.523 m2 nằm ngoài chỉ giới đường đỏ sử dụng làm văn phòng làm việc với thời gian thuê đất là năm 50 năm kể từ ngày 15/11/2004. Trước đây, tại tòa nhà số 61 Trần Phú có các công trình 2 tầng.

Theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2.000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013, khu đất nhà máy thiết bị bưu điện số 61 Trần Phú thuộc Khu vực trung tâm chính trị Ba Đình và có định hướng: "Di chuyển nhà máy ra khỏi trung tâm, xây dựng thành khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp;

Khai thác tối đa không gian ngầm phục vụ thương mại, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và chỗ đỗ xe. Các tiêu chí quy hoạch kiến trúc cao tối đa 11 tầng, mật độ xây dựng 50%".

Để thực hiện cụ thể hóa định hướng quy hoạch trên, chủ đầu tư đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2017. Đồng thời, cho phép chủ đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng đất vào năm 2018. Cùng với đó, Cục quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng đã có ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật phần ngầm.

Ngày 8/12/2020, Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng phần ngầm cho công trình trên. Công trình có quy mô 11 tầng nổi và 6 tầng hầm với hơn 43.023 m2, chiều cao khoảng 42,9m, tổng vốn đầu tư hơn 1.574 tỷ đồng.

Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội cho biết thêm, công trình số 61 Trần Phú không nằm trong danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Công trình này đã được Sở có văn bản chấp thuận về bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc vào tháng 1/2017 sau khi lấy ý kiến cộng đồng dân cư vào tháng 6/2016. Việc di dời nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần thiết bị bưu điện tại số 61 Trần Phú ra khỏi trung tâm là phù hợp với định hướng quy hoạch chung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, khi công trình bị phá dỡ, nhiều người vẫn tỏ ra tiếc nuối. Theo ông Hồ Viết Ngự, phường Thành Công (Ba Đình), tại địa chỉ trên thành phố Hà Nội đã cho đắp nổi bức phù điêu trên bức tường của dãy nhà phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực thể hiện minh chứng lịch sử vào ngày 19/5/1967 tại địa điểm này, bộ đội dân quân tự vệ Thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ.

Ngoài quá khứ hào hùng, số 61 Trần Phú còn là hình ảnh quen thuộc với người dân Thủ đô về khu nhà 2 tầng màu trắng đục, với những ô cửa sổ gỗ thâm nâu, mộc mạc. "Sau khi phá bỏ, chủ đầu tư sẽ xây dựng những tòa nhà cao tầng hoành tráng, với ô kính sáng loáng, chất tải hàng nghìn người tạo áp lực cho hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực", ông Ngự trăn trở.

Luật sư Nguyễn Vinh Hoàng bày tỏ quan điểm, tại sao công trình lại phải xây cao như vậy, trong khi khu vực Ba Đình là trọng yếu về an ninh, chính trị của đất nước. Nên chăng cần có kiến trúc hài hòa thấp tầng hơn để phù hợp với cảnh quan chung của cả khu vực.

Trong khi còn nhiều ý kiến trái chiều, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố, các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú, quận Ba Đình. Đồng thời, tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án nêu trên.

Cũng cùng quan điểm trên, Bộ Xây dựng cũng vừa có văn bản số 1145/BXD-QHKT đề nghị UBND thành phố trước mắt tạm dừng thi công; rà soát các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú, đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan Khu trung tâm chính trị Ba Đình (nội dung này cũng đã được Bộ Xây dựng lưu ý tại Văn bản số 515/BXD-QHKT ngày 24/3/2016 gửi UBND thành phố Hà Nội).

Cùng đó, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản ánh để có giải pháp thực hiện phù hợp; công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch.

Còn về số phận của bức phù điêu đắp nổi tại số 61 Trần Phú, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho hay, quận vừa nhận được văn bản của Công ty cổ phần thiết bị bưu điện báo cáo về việc công ty có trách nhiệm giữ gìn nguyên trạng, có phương án di chuyển (nếu cần), bảo vệ bức phù điêu tại đúng vị trí trước khi công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng theo đúng chỉ đạo của UBND quận Ba Đình.

Đánh giá về các quyết định trên, dư luận Thủ đô cho rằng, chính quyền thành phố, cơ quan liên quan đã lắng nghe và tôn trọng ý kiến nhân dân vì mục đích chung phát triển thành phố. Song, kiến trúc sư Trần Đức Hưởng cho rằng, việc xây mới công trình trên ô đất di dời nhà máy cần thực hiện đúng quy hoạch được duyệt, tương đồng và phù hợp với cảnh quan kiến trúc của khu vực lân cận.

Đặc biệt, đối với Khu trung tâm chính trị Ba Đình thì cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, chủ đầu tư càng phải xem xét thận trọng hơn về phương án kiến trúc, mật độ xây dựng. Để phù hợp với mục đích chung, có thể thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức công khai thi tuyển phương án kiến trúc công trình theo quy định của pháp luật.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục