Công ty dầu khí lớn nhất Indonesia lỗ ròng trong nửa đầu năm 2020

08:45' - 25/08/2020
BNEWS Công ty dầu khí quốc doanh Pertamina lớn nhất của Indonesia đã ghi nhận khoản lỗ ròng kỷ lục 767,92 triệu USD trong nửa đầu năm nay do giá dầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng suy yếu.

Báo cáo tài chính mới nhất của Pertamina cho thấy kết quả hoạt động trong giai đoạn từ tháng 1-6/2020 của công ty nay đã đảo ngược so với mức lợi nhuận 659,96 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 24/8, phát ngôn viên của Pertamina, bà Fajriyah Usman cho biết doanh nghiệp này đã hứng chịu cú sốc lớn do giá dầu thô thế giới thấp, nhu cầu trong nước yếu và tỷ giá đồng USD sụt giảm do tác động của đại dịch COVID-19.

Như vậy, Pertamina đã theo chân các công ty dầu khí khác trên toàn thế giới, trong đó có BP của Anh, Aramco của Saudi Arabia và Chevron của Mỹ, ghi nhận những khoản lỗ khổng lồ trong nửa đầu năm nay do đại dịch COVID-19.

Theo bà Fajriyah, doanh thu của Pertamina đã sụt giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 20,48 tỷ USD, phần lớn do doanh số bán nhiên liệu và dầu thô trong nước giảm, trong bối cảnh các thành phố lớn của Indonesia áp đặt các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB).

Để giảm thiểu thua lỗ, Pertamina đã cắt giảm 14,1% tổng chi phí so với cùng kỳ năm trước xuống còn 18,87 tỷ USD, phần lớn dưới hình thức cắt giảm chi phí bán hàng.

Tuy nhiên, các chi phí liên quan đến hoạt động thăm dò và khai thác lại gia tăng giữa lúc công ty này cố gắng hoàn thành các mục tiêu sản xuất dầu khí do Chính phủ đề ra.

Nhà kinh tế Fahmy Radhi, thuộc Đại học Gadjah Mada (UGM), cho rằng khó khăn tài chính sẽ khiến Pertamina gặp căng thẳng trong việc duy trì việc làm, đối tác, nhà thầu, tài sản ở nước ngoài, cũng như chi trả thuế và cổ tức.

Trao đổi với tờ Jakarta Post, ông Fahmy nhấn mạnh việc Pertamina và các đối tác sa thải nhân viên là điều khó tránh khỏi. Trong những điều kiện như vậy, Pertamina sẽ không thể đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, bà Fajriyah cho biết thêm Pertamina dự kiến sẽ có lãi vào cuối năm nay khi giá dầu thô toàn cầu và nhu cầu nhiên liệu trong nước phục hồi trong những tháng tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục