Công ty nhôm Lâm Đồng bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

09:09' - 25/11/2020
BNEWS Sau 7 năm đi vào sản xuất, đến nay Công ty TNHH Một thành viên Nhôm Lâm Đồng là 1 trong những đơn vị đóng góp ngân sách cao nhất của tỉnh Lâm Đồng, mỗi năm 400- 500 tỷ đồng. 

Sau 7 năm bắt đầu vận hành và chính thức đi vào sản xuất, đến nay Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) đã trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp, là 1 trong những đơn vị đóng góp ngân sách cao nhất của tỉnh Lâm Đồng, mỗi năm 400- 500 tỷ đồng.

Có mặt tại khu vực sản xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng (gọi tắt là Công ty Nhôm Lâm Đồng), nhóm phóng viên thật sự bất ngờ bởi môi trường nơi đang khai thác quặng Bauxite để sản xuất ra Alumin (bột nhôm) ở đây.

Trên con đường nội bộ chạy trong khu vực khai thác, chạy xuyên qua những đồi cây keo, cây thông xanh tốt. Nhiều khu vực đã có thể gọi là rừng bởi những thân gỗ từ 5-7 năm tuổi mọc rậm rạp, cùng với thảm thực vật khá phong phú, chim và thú nhỏ bắt đầu tới sinh sống. Cách đây 7 năm trước, người ta đã đào bới đất ở khu vực này lên để lấy quặng Bauxite, sau đó đổ đất lên và trồng nên những cánh rừng này. Gần đó là nhiều khu vực đã khai thác quặng xong, những chiếc máy xúc, máy gạt đang phủ một lớp đất mới để hoàn thổ. 

Bên cạnh đó là các bãi đã trồng cây keo xen lẫn cây thông 3 lá, lác đác cắm những tấm biển đề “Khu vực trồng cây, cấm chăn thả gia súc”. Tại các hồ lắng bùn đỏ số 5 và số 6, hiện tại đã đầy. Đơn vị bắt đầu cho phủ đất lên và trồng thử nghiệm 1 số loại cây kinh tế thích ứng, để trả lại rừng xanh cho khu vực…

Công ty Nhôm Lâm Đồng được giao khoảng 2.600 ha; trong đó có trên 1.600ha được cấp phép khai thác mỏ, còn lại là khu vực sản xuất và phụ trợ. Bên trong toàn bộ khu vực này không có người dân sinh sống. Phương thức khai thác của đơn vị được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu. Nghĩa là khai thác tới đâu, hoàn thổ, san gạt bằng phẳng rồi trồng cây lên tới đó. 

Cấu trúc của đất ở nơi có quặng gồm 3 lớp: lớp đất phủ trên cùng thường dày từ 0,5- 2m. Bên dưới là lớp quặng có chiều dày trung bình 2- 6m, dưới cùng là đất sét. Lớp quặng có độ rỗng, xốp hoặc tảng kết cứng không giữ được nước, cùng các khoáng chất không có giá trị cho cây trồng phát triển.

Bởi vậy nên tại những khu vực có quặng nổi, cây thân gỗ thường không lên được, chỉ có những cây bụi nhỏ. Sau khi khai thác bóc hết phần quặng, đơn vị sẽ san gạt phẳng và phủ một lớp đất mới tơi xốp lên lớp đất sét, bởi vậy nên khu vực sau khai thác trồng cây lên tốt hơn ban đầu rất nhiều, địa hình lại bằng phẳng hơn. 

Ông Vũ Minh Thành, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty cho biết, quan điểm của Ban lãnh đạo công ty rất coi trọng việc phục hồi, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững và coi đây là một trong những mục tiêu hàng đầu.

Đơn vị xác định trong quá trình khai thác quặng Bauxite, ngoài tác dụng tích cực cũng sẽ có 1 số tác động tiêu cực đối với môi trường như phát sinh bụi, xuất hiện hiện tượng xói lở đất khi trời mưa trên các diện tích đã bóc phủ, quá trình khai thác bóc đi lớp thảm thực vật bên trên mặt đất…

Từ nhận định trên, công ty đã tổ chức các giải pháp thường xuyên như tưới nước dập bụi; hàng năm thi công các tuyến mương dẫn thoát nước trong khu vực khai thác mỏ, các hồ lắng bùn tránh xói lở, trôi bùn đất ra khu vực xung quanh.

Bể chứa bùn sau khi tuyển quặng. Ảnh: Chu Quốc Hùng-TTXVN

Đồng thời khai thác xong, tiến hành hoàn thổ đất phủ và trồng cây phục hồi lại môi trường. Hiện tại, nhiều khu vực sau khai thác đã được trồng cây keo xen kẽ cây thông lên rất tốt. Về lâu dài, công ty sẽ nghiên cứu để trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm khai thác tối ưu nguồn lực về đất, mang lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn dự án.

Được thành lập từ tháng 10/2010, đến tháng 9/2012, tổ hợp nhà máy Alumina Tân Giai (huyện Bảo Lâm- Lâm Đồng) bắt đầu chạy thử và đi vào hoạt động, 1 năm sau mới chính thức vận hành thương mại. Qua 7 năm vận hành thương mại, công suất của Nhà máy tăng dần từ 75%, tới nay đã vượt công suất thiết kế, đến năm 2018 đạt sản lượng 675.000 tấn Alumin.

Dự kiến năm 2020 sẽ khai thác được 3.750.000 tấn quặng để sản xuất thành 700.000 tấn Alumin, vượt 8% công suất thiết kế. Trong 10 năm qua, Dự án Bauxite Tân Rai đã đóng góp ngân sách nhà nước 3.600 tỷ đồng; trong đó Công ty Nhôm Lâm Đồng đóng góp 1.880 tỷ đồng. Giai đoạn hiện tại, mỗi năm dự án đóng góp ngân sách nhà nước từ 400- 500 tỷ đồng, bằng trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp và gần 40% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, công ty đã tạo công ăn việc làm cho trên 1.400 viên chức và người lao động, trong đó chủ yếu là người địa phương và con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ngoài ra, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã chi cho các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương này 280 tỷ đồng, hỗ trợ cải tạo tuyến tỉnh lộ 725 đi qua tỉnh Lâm Đồng 177 tỷ đồng… 

Khu vực Nhà máy sản xuất của Công ty Nhôm Lâm Đồng rộng tới hơn 10ha. Trong số đó có những cỗ máy khổng lồ, bồn kết tinh to như tòa nhà, băng chuyền dài vài km chạy rộn rã, nhưng chỉ gặp vài công nhân vận hành máy, lẩn khuất đâu đó. Chị Ka Hỏi, 32 tuổi, dân tộc Mạ, trú tại tổ 3, xã Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm cho biết, chị đi làm từ khi bắt đầu khởi công nhà máy (2010).

Trước đó công ty đã cho chị đi học 3 năm kỹ thuật điều khiển. Hiện công việc của chị là vận hành máy bơm ở công xưởng hút tách cô đặc. Công việc khá nhẹ nhàng, chỉ điều khiển bằng các nút bấm, vì máy móc tự động cao.

Mỗi ca làm việc, người công nhân chỉ phải đi lại tuần kiểm theo dõi máy vận hành. Mức thu nhập hiện tại của chị trung bình 7,5 triệu đồng. Trong nhà máy cũng có nhiều người ở thôn của chị làm việc tại đây.

Công việc như vậy là rất tốt, so với đi làm cho những nơi khác, hoặc ở nhà làm rãy, vì việc nhẹ nhàng, làm việc theo ca kíp nên có thời gian chăm sóc gia đình, thu nhập lại cao hơn công việc khác. Chị nhiều lần được đi thi tay nghề, đi giao lưu học hỏi với các đơn vị trong cả nước.

Trong phòng điều hành được coi là bộ não của nhà máy, anh Nguyễn Ngọc Phương, 33 tuổi đang ngồi trước những màn hình lớn nhỏ, theo dõi toàn bộ hoạt động của hàng trăm thiết bị. Anh Phương cho biết, gia đình anh có 3 người làm việc tại nhà máy này. Anh hưởng lương kỹ sư Đại học Bách khoa khoảng 17 - 18 triệu đồng/tháng.

Còn vợ và em vợ anh là người địa phương, được công ty đưa đi học công nhân kỹ thuật rồi về làm tại nhà máy, lương hiện tại cũng được 11- 12 triệu đồng, lại được hưởng các chế độ phúc lợi của nhà nước. Công việc của họ chủ yếu là khởi động máy rồi đi lại tuần kiểm, còn máy móc tự động vận hành, nên khá nhẹ nhàng…

Theo ông Vũ Minh Thành, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty, trong giai đoạn nhà máy đang xây dựng, công ty đã tuyển dụng và đưa đi đào tạo trên 800 người, giai đoạn chạy thử máy từ 2012- 2013 đã tuyển thêm gần 300 lao động; trong đó, phần lớn là người địa phương, đưa đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài.

Từ khi nhà máy đi vào vận hành thương mại đến nay, công ty tuyển dụng thêm gần 600 lao động, có 485 lao động là người địa phương, con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục