Công ty Việt Á được "tiếp tay" để chiếm đoạt đề tài nghiên cứu của Nhà nước, thu lợi bất chính hơn 1.200 tỷ đồng
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 38 bị can trong vụ án sai phạm mua sắm kit test của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Trong số này, 6 người bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ" là: cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của Nguyễn Thanh Long; Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế. Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và Vũ Đình Hiệp (Phó Giám đốc Công ty Việt Á) bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ". Phan Tôn Noel Thảo và Hồ Thị Thanh Thảo, trợ lý tài chính và thủ quỹ của Công ty Việt Á, bị đề nghị về tội "Đưa hối lộ". Cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Trịnh bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Các bị can khác bị đề nghị truy tố gồm nhiều vụ trưởng, vụ phó cấp bộ; cán bộ UBND hoặc Tỉnh ủy; lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế, cán bộ CDC của 24 tỉnh, thành phố. * Việt Á được "tiếp tay" để chiếm đoạt đề tài nghiên cứu của Nhà nước Đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) và các nước trên thế giới, Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ có chủ trương giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Với mục đích để Công ty Việt Á được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu, chế tạo kit test do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, trong thời gian này, Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (đơn vị đầu mối quản lý nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) để Công ty Việt Á được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tham gia, phối hợp với Học viện Quân y thực hiện đề tài. Quá trình tham gia nghiên cứu, Phan Quốc Việt thông đồng với Trịnh Thanh Hùng để Công ty Việt Á được sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài, lập hồ sơ đăng ký gửi Bộ Y tế. Sau đó, Phan Quốc Việt tiếp tục đề nghị Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Thanh Long hỗ trợ giúp đỡ. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và thư ký Nguyễn Huỳnh đã can thiệp, tác động, chỉ đạo Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (đơn vị đầu mối cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm y tế của Bộ Y tế) tham mưu đề xuất để ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức kit test COVID-19 cho Công ty Việt Á, biến kit test từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý thành tài sản thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, trái quy định của pháp luật. Khi Công ty Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 kit test cho Bộ Y tế, Phan Quốc Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/kit test không có căn cứ. Cũng theo kết luận điều tra, đối với bị can Chu Ngọc Anh, với vai trò Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, bị can đã hỗ trợ, giúp đỡ đắc lực để biến đề tài nghiên cứu của Nhà nước thành đề tài của Công ty Việt Á. Với vai trò Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (đến hết ngày 11/11/2020), ông Chu Ngọc Anh biết rõ quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm đại diện chủ sở hữu cho đến khi nghiệm thu, báo cáo với cơ quan thẩm quyền theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý tài sản công và quy định của pháp luật có liên quan; biết Công ty Việt Á quản lý, khai thác và sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài, được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, đưa vào sản xuất thương mại phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 không đúng quy định của pháp luật, xâm hại quyền sở hữu, quản lý tài sản của Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ là đại diện chủ sở hữu nhưng không thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý theo quy định tại Khoản 3, Điều 74 Luật Khoa học và Công nghệ; không thực hiện xử lý kết quả Đề tài nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Khoản 1, Điều 29 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 “Thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản là kết quả của nhiệm vụ ngân sách cấp”. Đồng thời, ông Chu Ngọc Anh còn để Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo, ra thông cáo báo chí về kết quả nghiên cứu và cấp phép kit xét nghiệm, là sản phẩm nghiên cứu của đề tài cho Công ty Việt Á; trực tiếp ký quyết định khen thưởng, ký Tờ trình đề nghị khen thưởng cho Công ty Việt Á không đúng đối tượng, công trạng, thành tích để hỗ trợ truyền thông, quảng bá hình ảnh, tạo điều kiện cho Công ty Việt Á biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm thương mại thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, giúp Công ty Việt Á sản xuất, kinh doanh, thu lợi bất chính, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Số tiền 200 nghìn USD Việt đưa cho ông Chu Ngọc Anh được xác định là yếu tố “vì vụ lợi". Phan Quốc Việt đưa tiền cho ông Chu Ngọc Anh với mục đích cảm ơn ông này đã tạo điều kiện cho Công ty Việt Á. * Công ty Việt Á hưởng lợi hơn 1.200 tỷ đồng khi tiêu thụ 8,3 triệu kit test xét nghiệm Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, giá sản xuất tối đa một kit xét nghiệm Việt Á là hơn 143.000 đồng (trong đó giá nguyên liệu hơn 41.000 đồng, phí nhân công 32.000 đồng, phí sản xuất 27.700 đồng, bán hàng 16.000 đồng...). Giá này đã bao gồm chi phí hợp lý, hợp lệ và lợi nhuận 5% theo quy định. Trong năm 2020 và 2021, Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit xét nghiệm và đã tiêu thụ 8,3 triệu kit theo đơn giá 470.000 đồng. Trong đó, Việt Á đã được thanh toán gần 6 triệu kit, tổng giá trị hơn 2.250 tỷ đồng. Về thiệt hại của vụ án, kết luận điều tra xác định lợi nhuận định mức mà Việt Á được hưởng khi chuyển giao quyền sản xuất, kinh doanh chỉ là 5%. Tuy nhiên, chi phí sản xuất mỗi kit xét nghiệm chỉ hơn 143.000 đồng nhưng lại bán 470.000 đồng. Bởi thế, số tiền hưởng lợi bất chính của Việt Á là 1.235 tỷ đồng, chênh lệch giữa giá bán và giá sản xuất. Kết luận điều tra cho rằng bị can Việt cùng đồng phạm còn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm đấu thầu với 1,2 triệu kit test gây thiệt hại cho tài sản nhà nước 400 tỷ đồng. * Hối lộ 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng Để Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, phát triển sản phẩm kit test được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm không thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, tạo điều kiện hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương theo giá đã được Phan Quốc Việt nâng khống như nêu trên, Phan Quốc Việt đã đưa tổng số tiền là 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng cho một số bị can, gồm: Nguyễn Văn Trịnh, cán bộ Văn phòng Chính phủ 200.000 USD; Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ 200.000 USD; Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ 50.000 USD; Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật Bộ Khoa học và Công nghệ 350.000 USD; Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế 2,25 triệu USD; Nguyễn Huỳnh, nguyên thư ký Nguyễn Thanh Long 4 tỷ đồng, Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Bộ Y tế 300.000 USD; Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế 100.000 USD. Bên cạnh đó, quá trình Công ty Việt Á sản xuất và tiêu thụ kit test, với mục đích để Công ty Việt Á được thuận lợi trong việc tiêu thụ kit test, thu lời bất chính, Phan Quốc Việt trực tiếp hoặc chỉ đạo 7 nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á liên hệ làm việc và thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo, cán bộ các công ty trung gian (Công ty Việt Á bán cho các đơn vị, cơ sở y tế qua công ty trung gian) hoặc lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế để Công ty Việt Á giao kit test và các thiết bị, vật tư y tế khác cho các đơn vị, cơ sở y tế sử dụng trước; sau đó thông đồng hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng để đơn vị, cơ sở y tế thanh quyết toán, chuyển tiền cho Công ty Việt Á/công ty trung gian theo đơn giá do Công ty Việt Á/công ty trung gian đưa ra. Theo lời khai của Phan Quốc Việt và đồng phạm, sau khi Công ty Việt Á, công ty trung gian được các đơn vị, cơ sở y tế thanh toán tiền theo hợp đồng, Phan Quốc Việt chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chi tiền phần trăm (%) ngoài hợp đồng cho cán bộ, lãnh đạo, các Sở Y tế địa phương. Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, Công ty Việt Á chi "hoa hồng", "lót tay" cho các đơn vị, cá nhân hơn 800 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã phong tỏa, kê biên, chặn giao dịch, sổ tiết kiệm, tạm giữ tổng cộng khoảng 1.700 tỷ đồng trong vụ án này./.
Tin liên quan
-
Kinh tế và pháp luật
Kết luận điều tra vụ Việt Á, đề nghị truy tố 38 bị can
20:08' - 18/08/2023
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 38 bị can trong vụ án Công ty Việt Á.
-
Kinh tế tổng hợp
Bắt tạm giam một nhân viên Công ty Việt Á tại Cần Thơ
09:52' - 08/07/2023
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Cần Thơ đã thực hiện Lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với bị can Trần Tiến Lực là nhân viên Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (công ty Việt Á).
-
Kinh tế tổng hợp
Liên quan đến vụ Công ty Việt Á: Đề nghị truy tố cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức
20:40' - 17/05/2023
Công an Tp Hồ Chí Minh đã ban hành kết luận về vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, xảy ra tại Bệnh viện quận Thủ Đức.
-
Kinh tế và pháp luật
Dự kiến kết luận điều tra vụ Việt Á trong quý II/2023
17:53' - 05/05/2023
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, chiều 5/5, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an thông tin thêm về quá trình điều tra vụ Việt Á, vụ Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh...
-
Kinh tế và pháp luật
Liên quan đến Công ty Việt Á: Khởi tố nguyên Bí thư Thị ủy Đông Triều, Quảng Ninh
19:00' - 22/04/2023
Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Văn Thành (nguyên Bí thư Thị ủy, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thanh Hóa xây 39 khu tái định cư phục vụ dự án đường sắt Bắc - Nam
11:46'
Dự kiến có khoảng 2.107 hộ dân phải di dời và bố trí tái định cư. Ngoài ra, khoảng 41 công trình gồm cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình công cộng sẽ phải di dời.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam và Bulgaria hợp tác phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư
07:58'
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, Đại sứ quán Việt Nam tại Bulgaria ngày 3/7 đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Bulgaria (BCCI) tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam - Bulgaria.
-
Kinh tế Việt Nam
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
07:58'
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký chứng thực Nghị quyết số 216/2025/QH15 về việc kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
-
Kinh tế Việt Nam
Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam
22:51' - 03/07/2025
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 222/2025/QH15 về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025
20:09' - 03/07/2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tục hành chính được vận hành thông suốt
19:35' - 03/07/2025
Về cơ bản các thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được ban hành sớm, quy định rõ, cụ thể và được vận hành ngay, cơ bản thông suốt khi chính quyền đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng: Thực hiện 3 tăng tốc để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên
19:18' - 03/07/2025
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương thực hiện 3 tăng tốc để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.
-
Kinh tế Việt Nam
Sẽ bổ sung quy định về livestream trong Dự án Luật Thương mại điện tử
19:10' - 03/07/2025
Bộ Công Thương đang đề xuất xây dựng Dự án Luật Thương mại điện tử và dự kiến trình Quốc hội tháng 10 năm 2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng nêu thời hạn với “3 nhiệm vụ lớn”
18:39' - 03/07/2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo cụ thể về tiến độ đối với các công tác: xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; các công trình, dự án quan trọng quốc gia...