COP15 - Cơ hội để thúc đẩy sự phục hồi của các loài và hệ sinh thái

14:36' - 07/12/2022
BNEWS Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về đa dạng sinh học (COP15) sẽ diễn ra tại thành phố Montreal (Canada) từ ngày 7-19/12.

Tại Hội nghị lần này, đại diện của 196 quốc gia thành viên của Công ước LHQ về Đa dạng sinh học (CBD) sẽ cùng thảo luận nhằm tìm kiếm một thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu mới, giúp bảo vệ các hệ sinh thái và các loài sinh vật khỏi những hành vi tàn phá của con người.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, phát biểu ngày 6/12 trước thềm hội nghị, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh để COP15 đạt được thành công, Canada sẽ hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm đạt được thỏa thuận về Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 (GBF).

Hướng tới mục tiêu này, Canada sẽ cung cấp một khoản đóng góp mới trị giá 350 triệu CAD (khoảng 255 triệu USD) với mục đích giúp các nước đang phát triển thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn và hỗ trợ việc thực hiện GBF trong tương lai.

Khoản tiền này bổ sung cho hơn 1 tỷ CAD Canada đã cam kết hỗ trợ các dự án hành động về khí hậu nhằm giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đối với sự mất mát đa dạng sinh học ở các nước đang phát triển.

Theo Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu của Canada, ông Steven Guilbeault, cuộc chiến bảo vệ thiên nhiên chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này.

COP15 sẽ là cơ hội tốt nhất để các quốc gia tham gia CBD có thể hợp tác nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học, cũng như tạo ra một thế giới thân thiện hơn với thiên nhiên và tìm kiếm các biện pháp để đạt được các mục tiêu về khí hậu được đề ra tại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Chia sẻ về tầm quan trọng của COP15, Thư ký điều hành CBD, bà Elizabeth Maruma Mrema cho biết để các nước có thể đi đến thống nhất về các vấn đề còn tranh cãi, một tổ công tác đã nhóm họp trước để thảo luận về các nội dung đưa ra trong dự thảo trước khi hội nghị chính thức diễn ra. Mặc dù đã đạt được những tiến bộ về một số nội dung trong dự thảo song không nhiều như kỳ vọng. Đây sẽ là một thách thức đối với COP15.

Trong khi đó, trưởng bộ phận nghiên cứu và phát triển chính sách của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) International Guido Broekhoven cho biết một số mục tiêu vẫn chưa được nêu cụ thể trong dự thảo, chẳng hạn như bao nhiêu đất và vùng biển mà các quốc gia sẽ đồng ý dành vĩnh viễn cho việc bảo vệ thiên nhiên.

Ngoài ra, một điểm gây tranh cãi khác có khả năng "gây khó" cho các nhà đàm phán thuộc danh mục “huy động nguồn lực”, bao gồm số tiền mà các tổ chức công và tư nhân sẽ cần đầu tư để đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận nào đạt được tại COP15 đều có thể được thực hiện.

Trước đó, trong một báo cáo của Nature Conservancy (tổ chức môi trường có trụ sở tại Mỹ) được công bố vào năm 2020, khoảng cách tài chính giữa số tiền cần thiết để bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu và số tiền thực sự chi tiêu lên tới khoảng 700 tỷ USD mỗi năm. Là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về bảo tồn, Canada đang kêu gọi các hành động đầy tham vọng nhằm bảo vệ thiên nhiên.

Hội nghị lần này có nhiều sự kiện bên lề nhằm thu hút sự chú ý của công chúng đối với các vấn đề liên quan đến bảo tồn, bao gồm quyền của người bản địa cũng như việc chia sẻ bền vững và công bằng các lợi ích có được từ thiên nhiên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục