COP21: Khả năng đạt được thỏa thuận chung vẫn còn để ngỏ

18:34' - 11/12/2015
BNEWS Các cuộc thảo luận để đi đến một hiệp ước mang tính toàn cầu trong khuôn khổ Hội nghị COP21 đã bước sang "phút thứ 90+" mà không có một thỏa thuận nào được đưa ra.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đại diện nước chủ nhà đã kéo dài hội nghị thêm một ngày. Ảnh: THX/TTXVN

Nước chủ trì là Pháp đã phải quyết định kéo dài hội nghị thêm một ngày để khắc phục bất đồng.

Như vậy là COP21 đã không thể kết thúc vào ngày 11/12 theo dự kiến do vẫn nhiều khoảng cách giữa các quốc gia tham gia xung quanh những vấn đề như làm thế nào để các nước giàu và nước nghèo hòa hợp trong cam kết hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính và những mục tiêu dài hạn trong các thỏa thuận nhằm hạn chế khí thải khiến Trái Đất ấm lên.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có buổi nói chuyện qua điện thoại và cam kết Bắc Kinh cùng Washington sẽ duy trì hợp tác trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Trung Quốc khẳng định hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cần tăng cường phối hợp song phương và đa phương để đảm bảo Hội nghị thượng đỉnh tại Paris sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng như dự kiến.

Một trong những mục tiêu chính của thỏa thuận là thúc đẩy các quốc gia dần thay thế tiến đến loại bỏ việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt, nguồn xả thải chính dẫn tới hiệu ứng nhà kính và hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo trên thế giới xác định hội nghị lần này là "cơ hội hành động cuối cùng" để hạn chế những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu như hạn hán, bão lũ và nước biển dâng đe dọa sự tồn vong của các đảo và vùng ven biển.

Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius - Chủ tịch COP21 - đã công bố một bản dự thảo áp chót cho thỏa thuận toàn cầu về khí hậu gồm 27 trang vào đêm 10/12.

Theo đó, bản dự thảo lần thứ ba này chỉ còn 48 ghi chú về mức độ giải pháp cần lựa chọn thay vì 350 lựa chọn như trước đây và chỉ ra một số thỏa hiệp trong những vấn đề vốn bị chia rẽ sâu sắc, và đưa ra hai lựa chọn như kiểm soát mức tăng nhiệt thấp hơn 2°C và tiếp tục nỗ lực để hạ thấp mức tăng nhiệt xuống còn 1,5°C; hạn chế mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 1,5°C./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục