COP21 có nguy cơ thất bại do bất đồng tài chính

16:42' - 04/12/2015
BNEWS Các nước đang phát triển cảnh báo COP21 có thể thất bại nếu những bất đồng sâu sắc xung quanh hàng trăm tỷ USD không được giải quyết.
COP21 có nguy cơ thất bại do bất đồng tài chính. Ảnh: triplepundit.com

Các nhà đàm phán từ 195 quốc gia tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) đang bất đồng xung quanh việc soạn thảo một hiệp ước toàn cầu có hiệu lực kể từ năm 2020, nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hiệp ước này sẽ tập trung kiểm soát lượng khí thải phát sinh từ các nhiên liệu bị đốt cháy như than đá, dầu mỏ, khí đốt, cũng như từ nạn chặt phá rừng.

Theo nhà đàm phán Nam Phi Nozipho Mxakato-Diseko, người đại diện cho Nhóm G77 gồm 134 quốc gia đang phát triển và mới nổi cùng Trung Quốc, vấn đề tài trợ cho các nước phát triển giúp họ có thể tự xoay sở để có được nguồn năng lượng sạch hơn đang trở thành “vấn đề sống còn”. Bà Diseko cho rằng “vấn đề mấu chốt là cần phải hiểu rõ tài chính”.

Tuy nhiên, việc khởi động dòng tiền hàng trăm tỷ USD từ các quốc gia giàu tới các quốc gia đang phát triển từ năm 2020 có nguy cơ không thể thực hiện được, khi mà các nước phát triển vẫn chưa xác nhận đầy đủ việc tài trợ này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolene Royal bày tỏ tin tưởng từ nay đến khi kết thúc hội nghị vào ngày 11/12 tới, các bên xung đột sẽ tìm được sự đồng thuận.

Trong bối cảnh bầu không khí thất vọng đang bao trùm hội nghị, phát biểu trước báo giới tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi các nền kinh tế đầu tàu thế giới có trách nhiệm với những cam kết tài chính mà họ đã đưa ra tại hội nghị về khí hậu cách đây 6 năm ở Copenhagen (Đan Mạch).

Cho tới nay, các nước mới chỉ đóng góp được 62 tỷ USD trong tổng số 100 tỷ USD theo mục tiêu đề ra đến năm 2020.

Sau 3 ngày thảo luận về một bản dự thảo hiệp ước phức tạp 54 trang, các quan chức đã công bố một văn kiện ngắn hơn 4 trang, song vẫn còn rất nhiều đoạn chưa tìm được tiếng nói chung.

Các bộ trưởng từ các quốc gia trên thế giới sẽ tới Paris vào ngày 7/12 tới để cùng nỗ lực biến các bản dự thảo do các nhà ngoại giao chuẩn bị thành một hiệp ước chung nhằm ngăn chặn khí hậu toàn cầu nóng lên./.

TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục