​ COVAX khẳng định nhu cầu vaccine của AstraZeneca sản xuất tại Ấn Độ vẫn cao

19:01' - 09/12/2021
BNEWS Mạng lưới chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX vẫn có nhu cầu cao đối với vaccine của hãng AstraZeneca ngừa bệnh COVID-19 sản xuất tại Ấn Độ với nhãn hiệu Covishield.

Liên minh vaccine và tiêm chủng toàn cầu GAVI - cơ quan đồng lãnh đạo COVAX - đưa ra tuyên bố này sau khi Viện huyết thanh Ấn Độ (SII) cho rằng việc tiếp nhận vaccine từ cơ chế này đang giảm mạnh.

GAVI khẳng định nhu cầu đối với vaccine Covishield do SII sản xuất vẫn cao và vaccine này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong danh mục các loại vaccine ngừa COVID-19 của COVAX để đạt tỉ lệ bao phủ vaccine cao hơn tại các nước thu nhập thấp.

Về tốc độ đặt mua và tốc độ tiếp nhận vaccine, GAVI cho biết tiến trình này đòi hỏi thời gian vì cần phân bổ vaccine, kế hoạch triển khai tiêm, phê duyệt và chuyển giao.

GAVI nhấn mạnh mục tiêu của COVAX là bảo vệ người dân nhanh nhất có thể, tuy nhiên cần thận trọng để đảm bảo các nước tiếp nhận có thể triển khai tiêm. Vì vậy, tất cả các nhà sản xuất cần minh bạch về thời gian và lượng vaccine cung cấp.

GAVI cho biết COVAX đã phân bổ 40 triệu liều vaccine Covishield cho các nước sau khi New Delhi tháng 11 cho phép SII nối lại việc cung cấp vaccine lần đầu tiên kể từ tháng 4/2021.

SII có hợp đồng cung cấp 550 triệu liều Covishield cho COVAX tuy nhiên mới chỉ gửi được khoảng 37 triệu liều.

Vài ngày trước đây, SII thông báo giảm một nửa sản lượng vaccine do không có đơn đặt hàng mới từ Chính phủ Ấn Độ và COVAX tiếp nhận vaccine ít hơn số lượng nhà sản xuất này có thể cung cấp. Sản lượng Covishield hiện là 250 triệu liều/1 tháng.

Liên quan vaccine ngừa COVID-19, một nghiên cứu do hai trường đại học của Israel - Ben-Gurion University of the Negev và Sapir Academic College - phối hợp thực hiện cho thấy việc tiêm bổ sung vaccine mũi 3 đã giúp giảm nguy cơ tử vong tới 90% đối với các bệnh nhân COVID-19 trên 50 tuổi.

Theo phóng viên TTXVN tại Israel, dựa trên phân tích các dữ liệu của tập đoàn y tế Clalit, nhóm nghiên cứu đã phát hiện trong số những người được tiêm bổ sung, nguy cơ tử vong giảm 88% ở nam giới và 94% ở phụ nữ trên 50 tuổi. Tiến sĩ Doron Netzer, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết: “Có rất ít biện pháp trong y học có thể giúp giảm 10 lần nguy cơ tử vong. Và chúng tôi đã phát hiện điều này ở vaccine ngừa COVID-19”.

Đợt lây nhiễm COVID-19 lần thứ 4 vừa qua tại Israel do biến thể Delta gây ra khiến tỷ lệ tử vong tăng cao, chủ yếu do sự suy giảm kháng thể trong nhóm bệnh nhân được tiêm vaccine ít nhất 6 tháng trước đó.

Vì vậy, kể từ tháng 8/2021, Chính phủ Israel đã quyết định tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 3 cho những người cao tuổi có hệ miễn dịch kém, sau đó mở rộng ra mọi đối tượng đã tiêm mũi 2 trước đó ít nhất 5 tháng. Đến nay tại Israel đã có khoảng 4,1 triệu người được tiêm mũi vaccine bổ sung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục