CPTPP: Nhiều cơ hội cho ngành gỗ phát triển

17:52' - 14/03/2018
BNEWS Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), CPTPP mang lại cơ hội đối với ngành gỗ nhiều hơn là thách thức.
CPTPP: Nhiều cơ hội cho ngành gỗ phát triển. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Liên quan đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bao gồm 11 nước tham gia; trong đó, có Việt Nam đã được ký, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) đánh giá, với CPTPP cơ hội đối với ngành gỗ nhiều hơn là thách thức.

Trong số 10 nước còn lại trong CPTPP, ngành gỗ Việt Nam đã có quan hệ lâu đời và có thị trường mạnh như Nhật Bản, New Zealand, Australia, Singapore… Những năm gần đây, ngành gỗ Việt Nam cũng đã có quan hệ tốt với Canada, Peru, Chile…Kim ngạch xuất khẩu gỗ vào các nước này cũng rất lớn. Chẳng hạn như Nhật Bản với hơn 1 tỷ USD; Australia, New Zealand với vài trăm triệu đô la Mỹ… Đối với Malaysia, việc nhập khẩu gỗ từ thị trường này rất mạnh.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, cơ hội để ngành gỗ phát triển khi có CPTPP là rất là lớn, vì sau khi hiệp định có hiệu lực thì rất nhiều dòng thuế về ngay bằng 0. Bên cạnh đó, gỗ của các nước trên nhập khẩu rồi bán cho các nước thành viên cũng sẽ có thuế bằng 0. Đây là lợi thế để giảm thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam.

“Nhưng thuế với sản phẩm gỗ không quan trọng bằng các thiết bị chế biến gỗ cũng bằng 0. Đây chính là kỳ vọng lớn của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ với hiệp định này”, ông Quyền cho biết.

Ngoài ra, với CPTPP dòng vốn FDI sẽ được mở ra mạnh hơn. Trước đây, thường thì các ngồn vốn đến với ngành gỗ từ Trung Quốc nhưng nay Nhật Bản đã bắt đầu tìm đến Việt Nam để đầu tư.

Với cơ hội lớn như vậy, nhưng theo ông Nguyễn Tôn Quyền, trình độ của doanh nghiệp Việt Nam so với 10 nước còn lại vẫn hơi thấp. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải tìm mọi cách đầu tư nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp. Đây là vấn đề số một đối với doanh nghiệp phải làm.

Đó là, quy trình kỹ thuật, cách quản lý, các tiếp cận, quảng bá, maketting… Doanh nghiệp phải bắt tay ngay vào đào tạo, học tập… để nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp; trong đó, quan trọng là trình độ quản trị công nghệ, để khi nhập thiết bị mới là có thể thích ứng ngay, phát huy ngay được hiệu quả sử dụng. Nhưng bên cạnh đó, phải nội hóa rất nhanh những văn bản pháp quy như: tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực… để có thể hỗ trợ doanh nghiệp tối đa, giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội kịp thời.

Ngoài những tín hiệu về thuế suất giảm sẽ giúp sản phẩm gỗ của doanh nghiệp Việt nâng cao khả năng cạnh tranh, ông Hà Văn Kim, Công ty cổ phần Yên Sơn rằng, để tận dụng tốt cơ hội này, doanh nghiệp cần tăng quy mô sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc mới. Nhưng để làm được điều này, hầu hết các doanh nghiệp đều có nhu cầu nguồn vốn vay lớn.

Lãi suất vay hiện vẫn ở mức khoảng 8% là khá cao với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Hy vọng, thời gian tới, nhà nước sẽ có thêm các chính sách giúp lãi suất cho vay sản xuất giảm thêm từ 1-2%. Như vậy, doanh nghiệp cũng có thể giảm bớt chi phí sản xuất, sản phẩm sẽ có thêm khả năng cạnh tranh, đặc biệt là đầu tư cho quy mô sản xuất sẽ cao hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục