Cú "bẻ lái" bất ngờ của Thủ tướng Anh Theresa May
Hơn 30 giờ trước khi cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Quốc hội Anh, Thủ tướng Anh Theresa May thông báo hoãn trình thỏa thuận để Hạ viện xem xét bỏ phiếu như dự kiến vào ngày 11/12.
Vẫn biết chặng đường Brexit đầy chông gai và không ít những bất ngờ khiến cả các bên trong cuộc và các bên quan sát liên tục trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhưng quyết định vào phút chót này thực sự cho thấy việc Anh và EU đạt thỏa thuận chưa thể đảm bảo cho một tiến trình Brexit suôn sẻ.
Con đường thậm chí còn chông gai hơn khi bà May mang được thỏa thuận ấy "về nhà".
Còn nhớ, ngày 13/11, thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Anh về việc quốc gia này và EU đạt thỏa thuận sơ bộ về Brexit được chào đón như một tín hiệu tốt lành giải tỏa những quan ngại rằng hai bên sẽ không thể đạt được thỏa thuận trước hạn chót.
Niềm vui cũng từng xuất hiện trên khuôn mặt Thủ tướng Anh váo tối 14/11, khi thỏa thuận được Nội các Anh thông qua.
Nhưng khi ấy, nụ cười của "thuyền trưởng" May chỉ phảng phất nhẹ nhàng. Có lẽ bà cũng hiểu những khó khăn trong tiến trình đàm phán vừa qua không thấm vào đâu so với những trở ngại trước mắt khi bà công bố bản thỏa thuận này với Quốc hội.
Thậm chí, không loại trừ khả năng, “giông tố” sẽ nổi lên cuốn phăng chiếc ghế của bà do những bất đồng trong quan điểm về Brexit lâu nay vẫn chia rẽ sâu sắc nước Anh, từ nội bộ các phe phái cho tới các tầng lớp dân chúng.
Một trong những điều khoản gây tranh cãi nhất và khiến cho thỏa thuận khó được chấp nhận chính là điều khoản "rào chắn" liên quan vấn đề hải quan và biên giới, cụ thể là điều khoản giúp duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland.
Với điều khoản này, Anh sẽ ở lại Liên minh thuế quan EU còn vùng Bắc Ireland cũng tiếp tục nằm trong Thị trường chung châu Âu tới khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại song phương.
Có lẽ chính điều khoản này đã góp phần quan trọng giúp Anh và EU khơi thông thế bế tắc trong đàm phán và đi đến thỏa thuận. Nhưng đáng tiếc, đây lại là vấn đề đối nội lớn nhất mà bà May vấp phải khi mang thỏa thuận "về nhà".
Ngay nhiều nghị sĩ trong đảng Bảo thủ cầm quyền cũng như các đảng đối lập đã không ngần ngại công khai chống lại thỏa thuận này.
Họ lo ngại điều khoản này sẽ ràng buộc Anh mãi mãi trong các qui định thị trường của EU, không cho Anh cơ hội tự chủ về kinh tế như những gì người dân mong muốn khi bỏ phiếu lựa chọn Brexit hồi năm 2016.
Trong khi đó, Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) tại Bắc Ireland thì lo ngại thỏa thuận này sẽ chia rẽ vùng Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Liên hiệp Anh.
Quan điểm của DUP là rất quan trọng vì đảng này chính là đảng đối tác giúp chính phủ thiểu số do bà May đứng đầu có cơ hội đạt được thế đa số tại quốc hội khi triển khai các quyết sách của mình.
Ít nhất 8 Bộ trưởng và quan chức cấp cao trong chính phủ Anh đã từ chức để thể hiện phản đối thỏa thuận.
Bất chấp những lời khẳng định rằng đây là lựa chọn đúng đắn nhất và tốt nhất cho Anh vào thời điểm hiện tại, tâm lý phản đối ngày càng lớn lên khi vấn đề được đưa ra thảo luận tại Hạ viện, cùng với đó là những công bố tư vấn pháp lý về thỏa thuận được đưa ra có phần bất lợi cho kế hoạch của Thủ tướng May.
Đây cũng chính là cơ hội để đảng đối lập chĩa mũi nhọn chỉ trích vào chính phủ đương nhiệm. Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn đã phát động kiến nghị công bố các tư vấn pháp lý và kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm với bà May nếu thỏa thuận không được Quốc hội thông qua.
Trong bối cảnh như vậy, vị “thuyền trưởng” May nhận rõ “cơn sóng dữ” trước mặt là quá lớn, nếu lựa chọn trực tiếp đối đầu, con thuyền của bà sẽ bị nhấn chìm.
Lựa chọn khôn ngoan nhất lúc này là "bẻ lái" với mong muốn tìm kiếm thêm cơ hội. Trong lá thư khẩn cấp gửi tới Hạ viện, nhà lãnh đạo Anh thừa nhận bản "thỏa thuận ly hôn" đang phải đối mặt với nguy cơ lớn sẽ bị bác bỏ nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra như kế hoạch vào ngày 11/12.
Dù khẳng định đây là một bản thỏa thuận cần thiết, nhưng bà May bày tỏ muốn tìm kiếm thêm sự đảm bảo về điều khoản "rào chắn" liên quan tới vấn đề Bắc Ireland trong các cuộc đàm phán sau 2 ngày nữa với EU.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng quyết định này sẽ giúp thỏa thuận được thông qua, vì việc loại bỏ điều khoản liên quan Bắc Ireland là hầu như không thể.
Chưa biết việc đề nghị Hạ viện hoãn bỏ phiếu thỏa thuận Brexit có giúp bà May tìm thêm được sự đảm bảo nào hay không, nhưng nó đã khiến chính trường Anh thêm một phen dậy sóng.
Thị trường tài chính Anh phản ứng đầu tiên với sự lao dốc của đồng Bảng, mất 1,7% xuống mốc thấp nhất trong vòng 20 tháng qua.
Các chỉ số chứng khoán quan trọng cũng hòa vào xu thế giảm mà điển hình là FTSE 100 giảm 0,5%. Carolyn Fairbairn, Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Anh gọi đây là "cơn lốc" xoáy bay mọi hy vọng về một tương lai Brexit rõ ràng hơn.
Còn giới chính trị gọi đây là điểm đánh dấu "sự sụp đổ" trong nỗ lực gần 2 năm qua của chính phủ London nhằm duy trì mô hình quay quanh "quỹ đạo" của EU kể cả sau khi rời khỏi liên minh này.
Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn cho rằng chính phủ đã không thể kiểm soát được tình hình và đang đi chệch hướng, đồng thời kêu gọi "nhường đường" cho Công đảng.
Nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền cũng chia rẽ. Nghị sĩ Jacob Rees-Mogg, người đi đầu trong nỗ lực nhằm thay đổi lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, tiếp tục lên tiếng yêu cầu "Thủ tướng phải lựa chọn đương đầu để lãnh đạo hoặc từ chức".
Trong khi đó, EU cũng phát tín hiệu cứng rắn khi Chủ tịch EU Donald Tusk cảnh báo sẽ không tái đàm phán thỏa thuận mà chỉ thảo luận để tìm cách giúp văn kiện được thông qua tại Anh. Các nhà lãnh đạo EU cũng từng nhiều lần thể hiện lập trường này.
Thủ tướng CH Ireland Leo Varadkar cho rằng phải mất hơn 1 năm để Anh và EU nhất trí được một thỏa thuận có sự ủng hộ của 28 chính phủ thành viên nên việc đàm phán lại dù ở bất kỳ hạng mục nào cũng là điều không thể.
Cả chủ tịch EU và Thủ tướng Ireland đều cùng nhất trí đây là lựa chọn tốt nhất và đẩy mạnh chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Chuyên gia Charles Grant của Trung tâm Cải cách châu ÂU (CER) cho rằng nếu có điều chỉnh thì chỉ là những chi tiết rất nhỏ, còn liên quan điều khoản "rào chắn" về Bắc Ireland là không thể đảo ngược. Chính vì vậy, dù trì hoãn thì khả năng thỏa thuận được Hạ viện Anh thông qua là rất thấp.
Tương lai Brexit lại một lần nữa rơi vào điểm giao thoa rối rắm, khiến giới phân tích đưa ra rất nhiều kịch bản, hầu hết là không mấy tươi sáng.
Tồi tệ nhất là một Brexit không thỏa thuận, gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề cho nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới. Bộ trưởng phụ trách các vấn đê châu Âu của Pháp Nathalie Loiseau nhận định khả năng một Brexit không thỏa thuận "hao tài tốn của" đang cao hơn bao giờ hết.
Còn Ngân hàng Trung ương Anh dự đoán kịch bản này sẽ tạo ra cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ qua và chứng kiến đồng bảng Anh rơi xuống vực thẳm chưa lường được đáy.
Một khả năng khác không sáng sủa hơn là sự “thay ngựa giữa dòng” khi bà May bị mất uy tín và như thế tiến trình đàm phán phải tiến hành lại khi thời gian không còn nhiều.
Khả năng nữa mới được đề cập nhất là hủy bỏ Brexit, khởi nguồn từ đề xuất của vùng Scotland về việc hủy bỏ điều 50 của Hiệp ước Lisbon để Anh lại trở về "vòng tay" EU.
Con đường này có vẻ rõ dần lên sau khi Tòa án công lý châu Âu ra phán quyết công nhận đây là con đường hợp pháp. Đức - "anh cả của châu Âu" - đã lập tức lên tiếng ủng hộ điều này.
Nhưng dù có là phương án nào nào đi nữa thì việc thay đổi vào thời điểm này, khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là tới hạn chót Anh chính thức rời EU sẽ khiến Anh phải trả một cái giá nhất định.
Như Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond từng cảnh báo rằng bất kỳ giải pháp nào gây chia rẽ nội bộ, khiến phần đông dân số cảm thấy bị phản bội, sẽ gây ra những tác động chính trị và xã hội tiêu cực, và gây thiệt hại gấp nhiều lần những tác động kinh tế có thể gặp phải nếu ủng hộ thỏa thuận hiện tại.
Chính quyền của Thủ tướng May cũng như cả nước Anh đang đứng trước quá nhiều sức ép, nhưng lại thiếu đi sức mạnh quan trọng hàng đầu, đó là sự thống nhất.
Trong bối cảnh ngày 29/3/2019 – thời hạn nước Anh phải rời khỏi EU – đang ngày càng tới gần, sự tỉnh táo và trách nhiệm của tất cả các lực lượng chính trị mới có thể giúp nền kinh tế thứ 5 thế giới tránh được “tình thế nguy hiểm”, lựa chọn được con đường phù hợp nhất trong thời khắc vô cùng quan trọng hiện nay./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Đồng bảng Anh "chật vật" trước diễn biến bất lợi của Brexit
12:45' - 11/12/2018
Đồng bảng Anh đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong 20 tháng so với đồng USD trong phiên 11/12 sau khi Thủ tướng Anh Theresa May hoãn một cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit của bà.
-
Kinh tế Thế giới
Hạ viện Anh tiếp tục thảo luận thỏa thuận Brexit
07:07' - 11/12/2018
Hạ viện Anh vẫn tiếp tục thảo luận về thỏa thuận này cho đến hết ngày 11/12 sau khi Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố Chính phủ tạm hoãn đưa thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu theo kế hoạch,
-
Kinh tế Thế giới
Chính phủ Anh hoãn cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội về thỏa thuận Brexit
20:35' - 10/12/2018
Thủ tướng Anh Theresa May đã quyết định tạm hoãn việc đưa thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, ra bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc: Phát hiện mỏ vàng trữ lượng siêu lớn ở tỉnh Hồ Nam
20:39'
Mỏ mới ở độ sâu 2.000m bên dưới mỏ vàng Wangu ở huyện Bình Giang.
-
Kinh tế Thế giới
Các nhà điều hành kinh tế trong chính phủ của Tổng thống đắc cử Donald Trump
15:46'
Ngày 22/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử nhà đầu tư Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ mới.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống đắc cử Mỹ công bố loạt đề cử nhân sự mới
10:55'
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 22/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã công bố một loạt đề cử nhân sự trong chính phủ mới.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc thiết lập cơ chế liên ngành kinh tế đối ngoại để ứng phó thay đổi chính sách từ Mỹ
08:46'
Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực nhằm ổn định nền kinh tế và đảm bảo sinh kế cho người dân.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc gia tăng biện pháp trả đũa EU
19:36' - 22/11/2024
Ngày 22/11, Trung Quốc mở rộng cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU, bao gồm các chương trình trợ cấp của EU và của các quốc gia như Đan Mạch, Pháp, Italy và Hà Lan.
-
Kinh tế Thế giới
Chính phủ Thái Lan phê duyệt kế hoạch kích thích kinh tế
18:26' - 22/11/2024
Ủy ban chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ Thái Lan do Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra làm Chủ tịch đã phê duyệt kế hoạch 5 điểm nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước trong cả ngắn và dài hạn.
-
Kinh tế Thế giới
Sạc xe điện - cú hích tỷ USD cho kinh tế châu Âu
17:24' - 22/11/2024
Mặc dù doanh số xe điện (EV) đang chậm lại ở châu Âu, ngành công nghiệp sạc xe điện vẫn kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ tỷ lệ xe điện ở châu Âu tăng đều đặn.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc thực hiện chính sách miễn thị thực đơn phương cho 29 nước
16:03' - 22/11/2024
Nước này đã thực hiện chính sách miễn thị thực cho 29 nước, trong đó có Đức và Pháp, nhằm thúc đẩy du lịch quốc tế.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc kỳ vọng thu lợi 42 tỷ USD từ năng lượng sạch
15:01' - 22/11/2024
Hàn Quốc đang kỳ vọng sẽ thu được 59.000 tỷ won (42 tỷ USD) bằng cách thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các nguồn năng lượng không carbon đến năm 2033.