“Cú huých” hỗ trợ doanh nghiệp

07:19' - 08/11/2016
BNEWS Nhiều sản phẩm dịch vụ hiện đại được ứng dụng mang lại sự thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người dân…

Ngay sau khi Nghị quyết 35/NQ-CP (Nghị quyết 35) về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu đề xuất những mục tiêu lượng hóa, giải pháp thực hiện có tính khả thi nhằm xóa bỏ các yếu tố gây cản trở về thủ tục hành chính trong hoạt động của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, đồng thời giảm chi phí hoạt động, chi phí đầu vào, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng đối với doanh nghiệp. 

Cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm 

Chỉ hơn 1 tháng sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35, ngày 28/6/2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: Mai Công Luật-TTXVN

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, đến nay việc thực hiện Kế hoạch hành động đã có những kết quả bước đầu, thể hiện rõ nét qua việc các ngân hàng cắt giảm, cải tiến thủ tục hành chính trong các giao dịch với người dân và doanh nghiệp; giảm lãi suất cho vay để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhiều sản phẩm dịch vụ hiện đại được ứng dụng mang lại sự thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người dân…

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, công tác cải cách hành chính gắn với nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ Chính phủ giao trong giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết 35 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Nhiệm vụ này được thực hiện trên các lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, phát triển hệ thống ngân hàng theo hướng ổn định, bền vững, tạo nền tảng vững chắc để ổn định tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho sự phát triển của doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, đây được coi là trách nhiệm lớn vì các ngân hàng này có vị trí quan trọng trong hoạt động của hệ thống doanh nghiệp. Nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các mục tiêu, giải pháp trong kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng nâng cao tính cạnh tranh, quản trị điều hành và hiệu quả kinh doanh.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng cần hoàn thành việc công bố công khai, minh bạch các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục cung cấp sản phẩm, dịch vụ, biểu phí, lãi suất... tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có cơ sở lựa chọn các loại hình dịch vụ, chi phí phù hợp, đồng thời có cơ sở để giám sát chất lượng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi của cả ngân hàng và khách hàng. 

Cùng với đó, các ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu vốn các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng đặc thù, chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giải pháp bảo mật... để hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích hiện có. Đồng thời phát triển sản phẩm mới nhằm giảm chi phí giao dịch, minh bạch trong việc cung cấp dịch vụ và đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Giảm áp lực lên lãi suất cho vay

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, để thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu trước hết là ổn định được mặt bằng lãi suất huy động, qua đó giảm áp lực đối với lãi suất cho vay.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trong điều hành hàng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng dư thừa và để lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý.Việc này tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận vốn trên thị trường liên ngân hàng một cách dễ dàng và với lãi suất hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.

Cụ thể, từ cuối tháng 5/2016, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư sửa đổi quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng; trong đó điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình nhằm hạn chế rủi ro thanh khoản, góp phần hỗ trợ giảm áp lực lãi suất cho các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm. 

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, từ cuối tháng Chín, một số ngân hàng thương mại như Vietcombank, Vietinbank, BIDV đã đồng loạt điều chỉnh giảm các mức lãi suất kỳ hạn dưới 1 năm. Tiếp theo đó, các ngân hàng này lại tiếp tục hạ lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực ưu tiên. Đây được xem là tín hiệu vui, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tín hiệu  này kỳ vọng góp phần tạo ra một cú huých cho doanh nghiệp trong những quý tiếp theo, bên cạnh các nỗ lực hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay.

Đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thương mại có thể cắt giảm từng bước lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như những quý trước.

Tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội diễn ra mới đây, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, tại Việt Nam hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn đang ở mức khá thấp, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9-10%/năm và không có sự khác biệt lớn so với các nước trong khu vực.

Bà Hồng cũng cho rằng trong điều hành phải bám sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước để điều hành phù hợp, như vậy mới có cơ hội giảm được lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục