Cử tri có nhiều đề xuất về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

21:08' - 28/05/2018
BNEWS Phóng viên TTXVN tại một số địa phương ghi nhận ý kiến của cử tri về phiên thảo luận về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011- 2016.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011- 2016.

Phiên thảo luận được tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình, thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri.

Cử tri hoan nghênh tinh thần làm việc cởi mở, thẳng thắn và hiệu quả và cho rằng cơ chế, chính sách đã liên tục được hoàn thiện để tạo môi trường pháp lý cho hoạt động quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, từng bước tách bạch chức năng quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước với chức năng điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Phóng viên TTXVN tại một số địa phương ghi nhận ý kiến của cử tri về phiên thảo luận này.

* Quản lý hiệu quả vốn, tài sản nhà nước
Cử tri Đỗ Thị Thủy, Phó trưởng Khoa Kinh tế Kỹ thuật, Trường Đại học Hoa Lư (Ninh Bình) nêu quan điểm về các biện pháp quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp hiệu quả.

Trong đó nhấn mạnh phải có đại diện quyền sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước và phát huy vai trò của cổ đông nhà nước; giải quyết dứt điểm tình trạng trong một số doanh nghiệp cổ phần để một nhóm cổ đông thao túng.

Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình, tổ chức bán phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước xây dựng phương án tái cơ cấu mà trọng tâm là công tác sắp xếp lại doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tiến sĩ, Luật sư Bùi Quang Tín, Giám đốc điều hành Trường doanh nhân BizLight cho biết: Trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước là nội dung quan trọng, quyết định sự thay đổi căn bản về quản lý Nhà nước đối với vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đồng thời, là cơ sở cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thúc đẩy có kết quả tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Ngoài ra, cần xây dựng và áp dụng khung quản trị doanh nghiệp với các nguyên tắc phù hợp với chuẩn mực quốc tế tại các doanh nghiệp Nhà nước.
Để thúc đẩy tăng tốc thời gian, lộ trình và tỷ lệ nắm giữ vốn Nhà nước theo phân loại doanh nghiệp đã đề ra, ông Văn Đức Mười, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản - VISSAN cho rằng: Xác định giá trị doanh nghiệp cần phải linh hoạt phù hợp với giá trị thị trường của doanh nghiệp, không nhất thiết phải thiên hướng về xác định bằng phương pháp tài sản.

Song song đó, quản trị cổ phần bằng tính chất cổ đông của doanh nghiệp cổ phần, không nên quản trị bằng sở hữu Nhà nước qua nhiều tầng nấc, làm hạn chế tính linh hoạt và kém năng động.
Theo ông Văn Đức Mười, quản lý vốn phải hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính, nên tuân thủ quy luật và tư duy mới trong quản trị vốn. Nhà nước cần giữ vai trò giải quyết bài toán "vốn Nhà nước hiện ở đâu, có bao nhiêu và trong ngành nghề, lĩnh vực đầu tư nào có hiệu quả hay không?".

Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước không nên đi vào chi tiết của quản trị, có như vậy thì vốn Nhà nước mới phát huy được hiệu quả về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Luật sư Phạm Ngọc Lương, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai cho biết: Những năm qua, chính sách pháp luật về quản lý sử dụng vốn tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 đạt được những kết quả hết sức quan trọng bảo toàn và phát triển vốn.

Tuy nhiên, do chính sách pháp luật thiếu đồng bộ, đặc biệt là các thông tư hướng dẫn giữa các bộ còn có điểm chưa thống nhất làm cho quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn dẫn đến sự thất thoát lãng phí và chưa thực sự quan tâm đúng mức với người lao động, chậm trễ thời gian thực hiện cổ phần hóa.

Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật nhất là văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng và người đứng đầu cấp ủy chính quyền các đoàn thể trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, công khai minh bạch để mọi thành viên trong doanh nghiệp được tham gia vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.
* Công khai, minh bạch
Cử tri Đỗ Thị Thủy, Trường Đại học Hoa Lư cho rằng: Cần nêu cao hiệu quả quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước; minh bạch, công khai các thông tin doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là hiệu quả sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp này; tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, thanh tra định kỳ việc chấp hành pháp luật thực hiện mục tiêu, chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ được giao, đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty con, cán bộ quản lý doanh nghiệp nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm.
Tiến sĩ, Luật sư Bùi Quang Tín, Giám đốc điều hành Trường doanh nhân BizLight (Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật và Nhà nước về toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, bảo đảm tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp Nhà nước, nhất là về tài chính, đầu tư, mua sắm, sử dụng vốn của Nhà nước.

Mặt khác, một trong những giải pháp để đạt được mục tiêu và hiệu quả của cổ phần hóa nói chung và nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp cổ phần hóa nói riêng chính là việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào cổ phần hóa, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược quốc tế.
Ông Hoàng Ngọc Minh, Giám đốc Chi nhánh luyện đồng Lào Cai – Vimico, thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nhất trí với ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong việc phải xử lý dứt điểm các Tập đoàn, tổng công ty, công ty, dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.

Đặc biệt, cần xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân sai phạm trong quá trình cổ phần hóa nhằm ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước; quản lý chặt vấn đề sử dụng đất trước, trong và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Khi tiến hành cổ phần hóa, các cơ quan chức năng cần định giá đúng tài sản doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch việc mua bán tài sản, thoái vốn nhà nước.

Cùng với đó tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình thoái vốn, tài sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đảm bảo các lợi ích của người lao động khi tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ông Hoàng Ngọc Minh đánh giá giải trình của các Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công thương tương đối rõ ràng, thể hiện sự minh bạch trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hành lang pháp lý vẫn còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện để đảm bảo quá trình quản lý vốn, tài sản nhà nước và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đạt hiệu quả tốt hơn.
* Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp
Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cử tri Đỗ Thị Thủy cho rằng: Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại; đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu khác nhau; hoàn thiện khung pháp luật và mô hình quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; hoàn thiện quy định liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tạo điều kiện cho quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cần nhanh chóng hướng dẫn thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế do bên nước ngoài nắm quyền chi phối để hình thành khung quy định cụ thể, rõ ràng.

Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước cần quán triệt, thực hiện kế hoạch, lộ trình tái cơ cấu, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và xử lý nghiêm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện đúng hoặc thực hiện không hiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành...
Cùng quan điểm, cử tri Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) cho rằng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là chủ trương đúng và cần tiến hành nhanh để phát huy hiệu quả của doanh nghiệp.

Khi cổ phần hóa cần thực hiện nguyên tắc bán ra ít nhất 65% vốn nhà nước để kêu gọi đầu tư và trao quyền cho nhà đầu tư, bởi khi sở hữu cổ phiếu ở mức độ nhất định mới có quyền tham gia vào việc điều hành, lãnh đạo doanh nghiệp.

Khi cổ phần hóa cần có chính sách ưu tiên đặc biệt với những người gắn bó lâu năm, có nhiều đóng góp cho quá trình hình thành, phát triển của doanh nghiệp, công ty; thực hiện công khai hóa, minh bạch hóa thông tin liên quan đến quá trình cổ phần hóa, bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước...
Theo đánh giá chung của các cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, việc cổ phần hóa, các bộ, ngành, doanh nghiệp Nhà nước đã chú trọng bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sau cổ phần hóa và khi trở thành công ty cổ phần, công tác quản trị điều hành quản lý sau cổ phần hóa đã có chuyển biến đáng kể, tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Đồng thời, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động, hầu hết hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước được nâng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và nợ quá hạn của doanh nghiệp Nhà nước còn cao, nhiều khoản đầu tư chưa mang lại hiệu quả./.

Gỡ khó để doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018
Gỡ khó để doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục