Cử tri đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ trong điều kiện dịch bệnh

19:19' - 25/07/2021
BNEWS Các đại biểu đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội vẫn duy trì ổn định, kinh tế tăng trưởng mức khá cao.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN 
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 25/7, các đại biểu thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, theo dõi phiên thảo luận của các đại biểu tại Hội trường, chiều 25/7, cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thời gian qua, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội vẫn duy trì ổn định, kinh tế tăng trưởng mức khá cao và nhiều lĩnh vực khác cũng đạt được những kết quả tích cực.

Các cử tri cũng đánh giá cao việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét đưa một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Theo cử tri Nguyễn Thị Quỳ (thành phố Thủ Đức), trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác phòng, chống dịch.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trước diễn biến dịch ngày càng phức tạp, tác động trực tiếp, sâu sắc tới đời sống nhân dân, có địa phương hệ thống y tế quá tải, công tác phòng chống dịch nhiều khó khăn đã khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Đánh giá cao chủ trương thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng cử tri cũng mong muốn các cấp từ Trung ương đến địa phương tăng cường, ưu tiên hơn nữa nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Cử tri Nguyễn Thị Quỳ cho rằng, thực tế dịch COVID-19 đã tác động lớn đến đời sống người dân, nhất là các nhóm yếu thế trong xã hội. Do vậy, cử tri mong muốn các cấp ngành có thêm chính sách chăm lo đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội, không để khoảng cách giàu nghèo quá lớn.

Đồng thời, có giải pháp ổn định tình hình cung ứng lưu thông phân phối hàng hóa, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu người dân trong thời gian thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch.

Cùng với đó, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhất là tiếp cận tín dụng ưu đãi để doanh nghiệp có nguồn lực phục hồi sau khi dịch được ngăn chặn.
Ở góc độ làm công tác giáo dục và nghiên cứu thị trường lao động, cử tri Trần Anh Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Giáo duc nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, công tác giáo dục đào tạo thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, cơ cấu đào tạo về mặt trình độ và lĩnh vực đào tạo còn chưa phù hợp với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực. Tính tổng thể, quy mô đào tạo lao động kỹ thuật và trình độ trung cấp, cao đẳng chưa phù hợp yêu cầu, trong khi quy mô đào tạo trình độ đại học nhiều và đang có xu hướng gia tăng. 

Nội dung đào tạo của nhiều cơ sở đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển thị trường lao động và mức độ phát triển khoa học công nghệ. Trong quá trình hội nhập và phát triển, nhu cầu nhân lực của Việt Nam vốn tăng trưởng mạnh trong vài năm gần đây được dự báo sẽ tăng mạnh thời gian tới.

Do đó, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong đó, ưu tiên tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật.
Cử tri Trần Anh Tuấn kiến nghị một số giải pháp cần được cụ thể hóa trong chiến lược chung phát triển giáo dục đào tạo trong thời gian tới. Cụ thể, nâng cao vai trò công tác quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động.

Khung chương trình đào tạo cần được xây dựng phù hợp với nhu cầu công việc xã hội và các doanh nghiệp; gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.

Xác định và cân đối chỉ tiêu đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội theo ngành nghề và cấp trình độ đào tạo. Để làm được điều đó, giải pháp quan trọng là hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực hoạt động phân tích và dự báo cung – cầu nhân lực một cách toàn diện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục