Cử tri TP. HCM đề nghị đưa dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào diện giám sát đặc biệt

15:09' - 04/12/2019
BNEWS Sáng 4/12, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp Hồ Chí Minh, đơn vị 7 và đại biểu HĐND thành phố-Tổ 2, đã tiếp xúc cử tri Quận 2, sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và trước kỳ họp thứ 17,HĐND thành phố khóa IX
Trong ảnh (tư liệu): Quang cảnh một buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Vấn đề Thủ Thiêm, cử tri đề nghị các đại biểu thông tin rõ các về vấn đề từ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đến các sai phạm, xử lý sai phạm đến nay như thế nào; đồng thời đề nghị, đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố lắng nghe, cùng người dân giải quyết quyết các vướng mắc trong vấn đề Thủ Thiêm, tập trung giám sát, đôn đốc các cấp chính quyền thực hiện chính sách đền bù, giải quyết quyền lợi thỏa đáng cho người dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, cử tri đề nghị Trung ương đưa dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào diện giám sát đặc biệt.

Cử tri Đào Bé (phường Cát Lái) đề nghị đại biểu thông tin rõ hơn về quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tiến độ giải quyết vấn đề Thủ Thiêm theo chỉ đạo của Trung ương đã được thành phố thực hiện như thế nào; đặc biệt là về việc giải quyết kiến nghị của người dân 5 khu phố (thuộc 3 phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh) về việc nằm ngoài quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Mặt khác, băn khoăn về tỷ lệ ngân sách giữ lại của thành phố, cử tri Đào Bé cho rằng việc tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại liên tục bị cắt giảm đã ảnh hưởng lớn đến nguồn đầu tư cho phát triển của thành phố. Người dân mong muốn thành phố kiến nghị Trung ương xem xét lại để phù hợp.

Cử tri Bùi Thị Hường (phường Bình Khánh) cho biết, trước đây gia đình bà ở khu Thủ Thiêm và làm nghề buôn bán. Tuy nhiên, khi giải tỏa để thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gia đình bà đến sinh sống tại một chung cư, đồng nghĩa với việc điều kiện để buôn bán bị ảnh hưởng, khiến thu nhập bấp bênh, cuộc sống khó khăn.

Cử tri đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho người dân trong diện bị ảnh hưởng bởi dự án Thủ Thiêm, để người dân có cuộc sống ổn định.

Vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông cũng được nhiều cử tri quan tâm. Cử tri Nguyễn Xuân Tiên (phường Thạnh Mỹ Lợi) cho rằng, hiện các quy định xử phạt về vi phạm vệ sinh môi trường đã có đầy đủ, nhưng việc xử lý khó khăn do thiếu lực lượng xử lý.

Trong khi đó, tình trạng xả rác gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị diễn ra ngày càng nhiều. Cử tri kỳ vọng thời gian tới thành phố sẽ có giải pháp giải quyết hiệu quả vấn đề này, đảm bảo môi trường sống cho người dân.

Còn cử tri Bùi Anh Tuấn (phường An Phú) nêu ý kiến, nút giao thông đường Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định, đường dẫn Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây có lượng xe rất lớn, đặc biệt là các loại xe lớn dẫn đến tình trạng kẹt xe cũng như mất an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Được biết thành phố đã có chủ trương xây dựng, cải tại nút giao thông này, nhưng đến nay chưa thực hiện. Người dân mong muốn thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để đảm bảo an toàn giao thông khu vực này.

Một số cử tri cũng rất trăn trở trước tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ. Dù các hình thức xử phạt đã có nhưng thực tế không đủ sức răn đe.

Vì vậy, cử tri đề nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu điều chỉnh quy định pháp luật theo hướng tăng mức xử phạt đủ sức răn đe để giảm tình trạng xâm hại trẻ em, đảm bảo môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ.

Trả lời băn khoăn của cử tri về việc vấn đề Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa được đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau khi tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã có văn bản chính thức gửi đến Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Ban Dân nguyện Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về nhiều nội dung.

Trong đó có chuyển tải các ý kiến nghị của người dân về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm; cử tri tiếp tục đề nghị Thanh tra Chính phủ trực tiếp đối thoại với người dân; đồng thời, tổ chức đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra toàn diện đối với dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để giải quyết dứt điểm các khiếu nại, kiến nghị của người dân.

"Không phải Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố không đề đạt, mà do Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, trong kỳ họp qua, phần báo cáo của MTTQ Trung ương cũng đã có kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành quan tâm cùng thành phố giải quyết vấn đề Thủ Thiêm" - đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ, đồng thời cho biết thêm, sau kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Đoàn Ban dân nguyện Quốc hội sẽ sớm thành lập tổ công tác cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nắm vấn đề Thủ Thiêm để giải quyết các kiến nghị và bức xúc của người dân.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định, vấn đề Thủ Thiêm đang được thành phố đang trao đổi với Trung ương để giải quyết, trên tinh thần rất thận trọng không để tiếp tục xảy ra sai sót.

Riêng ý kiến của cử tri về vấn đề điều tiết tỷ lệ ngân sách cho thành phố, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đang chuẩn bị các nội dung báo cáo Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ ngành liên quan, trong chuẩn bị cho tài khóa ngân sách mới cần xem xét lại tỷ lệ điều tiết ngân sách để thành phố có đủ điều kiện chi đầu tư phát triển, chăm lo các công trình phúc lợi công cộng.

Còn kiến nghị của cử tri về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe báo cáo giám sát thực hiện quy định pháp luật về đất đai ở các địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị cho việc trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Ban soạn thảo đang tiếp tục nắm sát hơn các vấn đề từ thực tiễn, tránh tình trạng Luật chưa sửa đã không còn phù hợp thực tiễn. Khả năng trong kỳ họp thứ 9 tới sẽ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục