Cuba công bố 75 biện pháp phục hồi kinh tế

15:08' - 22/07/2022
BNEWS Ngày 21/7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Cuba Alejandro Gil đã công bố 75 biện pháp nhằm thúc đẩy phục hồi nền kinh tế thông qua tăng thu ngoại tệ và đa dạng hóa xuất khẩu.

Ngày 21/7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Cuba Alejandro Gil đã công bố một gói gồm 75 biện pháp nhằm thúc đẩy phục hồi nền kinh tế thông qua tăng thu ngoại tệ và đa dạng hóa xuất khẩu.

Trình bày trước Quốc hội Quyền lực Nhân dân Cuba, Phó Thủ tướng Alejandro Gil cho biết các biện pháp chính là xác định tất cả các khả năng để tăng thu nhập bằng ngoại tệ và thực hiện các hành động tương ứng thúc đẩy sản xuất công nghiệp và nông nghiệp nhằm mục tiêu thay thế nhập khẩu trong du lịch, đồng thời thực hiện chương trình giảm dần thâm hụt ngân sách và đạt được cân bằng tài chính quốc gia.

Cụ thể, Cuba dự kiến thực hiện các biện pháp để tăng thu nhập ở các địa phương; thay đổi quy mô khu vực ngân sách; cải thiện việc xác định, lựa chọn và ưu tiên quan tâm đến người dân, gia đình, hộ gia đình và cộng đồng dễ bị tổn thương; tiếp tục củng cố việc làm tại địa phương và đánh giá hệ thống trợ cấp cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Cuba kêu gọi khuyến khích thương mại điện tử và ủy quyền cho Tập đoàn kinh doanh bưu chính Cuba thực hiện thương mại điện tử xuyên biên giới theo phương thức xuất nhập khẩu.

Trong gói biện pháp vừa công bố, đáng chú ý là biện pháp kinh doanh các sản phẩm do nhà phân phối trong và ngoài nước cung cấp theo phương thức bán hàng ký gửi, một kế hoạch mới để tiếp cận và phân bổ ngoại tệ cho các đơn vị quốc doanh và hỗn hợp, và việc tiếp tục mở rộng đề án phân bổ ngoại hối thứ cấp cho các thành phần kinh tế nhà nước và ngoài quốc doanh.

Chính phủ Cuba cũng khuyến khích việc thành lập các doanh nghiệp nhà nước siêu nhỏ, nhỏ và vừa định hướng xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp quốc doanh dành một phần tài chính từ lợi nhuận của mình để xây dựng nhà ở cho người lao động, thúc đẩy thành lập các công ty hỗn hợp nhà nước và tư nhân, đồng thời thiết lập khuôn khổ pháp lý cho đầu tư nước ngoài với khu vực ngoài nhà nước.

Phó thủ tướng Alejandro Gil gợi ý phát triển ở khu vực ngoài quốc doanh các hình thức kinh doanh mới như dịch vụ giặt hấp, dịch vụ đồ ăn nhẹ mang đi và các dịch vụ hỗ trợ gia đình khác.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Cuba thông báo quyết định nới lỏng nhập khẩu của các thể nhân với bản chất phi thương mại. Cụ thể, bản chất phi thương mại của các mặt hàng nhập khẩu sẽ được xác định theo giá trị, trọng lượng và tính đa dạng của các mặt hàng thay vì theo số lượng. Tương tự như vậy, số lượng được phép nhập khẩu của một số mặt hàng sẽ tăng lên, bao gồm điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng, săm lốp, vành xe,…

Hạn mức nhập khẩu đối với các lô hàng tăng từ 10 kg lên 20 kg, trong khi giá trị nhập khẩu mỗi kg hàng hóa giảm từ 20 USD xuống còn 10 USD, mức miễn thuế đối với các mặt hàng áp dụng giá trị theo trọng lượng tăng từ 1,5 kg lên 3 kg, và thuế hải quan giảm 70% so với mức hiện tại.

Chính phủ Cuba cũng sẽ tái khởi động thị trường ngoại hối, bao gồm cả đồng USD, cho người dân và du khách quốc tế với tỷ giá dự kiến cao hơn so với tỷ giá chính thức được thiết lập cho đến nay (1 USD= 24 peso Cuba). Tỷ giá các loại ngoại tệ như USD, Euro và tiền tệ tự do chuyển đổi (MLC) tại thị trường phi chính thức đang dao động từ 115-120 peso Cuba.

MLC là một loại tài khoản ngân hàng cụ thể với các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ như USD, Đôla Canada (CAD), đồng euro, bảng Anh, peso Mexico, Franc Thụy Sỹ, và nhiều loại ngoại tệ khác, sử dụng đồng USD làm giá trị tham chiếu. MLC được lưu hành tại Cuba từ năm 2019 và được sử dụng để thanh toán tại một số cửa hàng và cơ sở thương mại của đảo quốc Caribe này.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Alejandro Gil cho biết Chính phủ Cuba vẫn đang đánh giá các chi tiết để áp dụng các biện pháp nói trên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục