Cục Đường thủy nội địa thông tin về khai thác cát tại Cửa Đại

18:57' - 24/03/2017
BNEWS Tại khu vực Cửa Đại hiện có hai dự án nạo vét tiến hành song song, trong đó có một dự án do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư.
Cục Đường thủy nội địa thông tin về khai thác cát tại Cửa Đại. Ảnh minh họa: Báo Nhân dân

Trước nghi vấn cho rằng lượng cát trộm tại Cửa Đại (tỉnh Quảng Nam) có thể lấy từ dự án do Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa (thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ) đang triển khai, Ban Quản lý dự án Đường thủy nội địa đã có báo cáo về tình hình triển khai dự án này.

Báo cáo do ông Phạm Văn Thông, Giám đốc Ban ký cho hay, dự án có tên là “Công trình: nạo vét đảm bảo giao thông khu vực Cửa Đại trên tuyến Hội An – Cù Lao Chàm” với mục tiêu nạo vét đảm bảo giao thông khu vực Cửa Đại trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia Hội An – Cù Lao Chàm với bề rộng luồng 40m, độ sâu - 4m, khối lượng nạo vét 82.775,5m3, chi phí thực hiện dự án hơn 12 tỷ đồng bằng vốn ngân sách Nhà nước.

Đơn vị thi công là liên danh Công ty TNHH MTV Phạm Văn – Công ty cổ phần xây dựng công trình đường thủy Thuận Lưu – Đoạn Quản lý đường thủy nội địa Quảng Nam.

Tư vấn giám sát dự án là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Văn Lang. Dự án được bàn giao mặt bằng từ ngày 19/1/2017, bắt đầu thi công từ 20/2/2017.

“Việc thi công chậm được lý giải là sau khi nhận mặt bằng là Tết Nguyên đán và có gió mùa nên không thi công được. Đến ngày 17/3/2017, nhà thầu thi công được 41.107m3 trong tổng số 82.775,5m3 (đạt 46,30%), dự kiến hoàn thành vào 15/4/2017”.

Báo cáo cũng kèm biên bản xác định vị trí đổ giữa Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa, địa phương và các nhà thầu.

Cụ thể, vị trí đổ bùn, cát dọc theo bờ biển bị sạt lở, đoạn từ khách sạn Vinpearl đến khách sạn Palm Garden (khoảng 4km), chiều rộng tạo bãi từ bờ ra 100m đến đê chắn sóng ngầm đã thi công.

Trả lời về khả năng cát từ dự án này có thể bị trộm, đưa sang Đà Nẵng, ông Phạm Văn Thông cho hay, khả năng này cũng đã được lường trước nên Ban đã phòng ngừa bằng cách chọn nhà thầu lâu năm trong ngành như Đoạn Quản lý đường thủy nội địa Quảng Nam (thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam), thuê tư vấn giám sát, tàu vào thi công đều phải đăng ký, kiểm soát...

“Báo chí phản ánh tàu chở cát sang Đà Nẵng có tải trọng 800 tấn, còn tàu của dự án lớn nhất chỉ 300 tấn. Qua rà soát các biện pháp quản lý, đánh giá chủ quan là không có việc trộm cát nhưng vẫn cần kiểm tra thực địa và chờ kết luận của cơ quan chức năng. Theo hợp đồng không cho phép đưa bùn cát đi nơi khác. Nếu có việc trộm cát, các bên liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Thông nói.

Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, dự án được triển khai do luồng bị cạn, tàu cá của ngư dân Hội An và các vùng lân cận của tỉnh Quảng Nam không thể ra khơi. Vì dự án cấp bách, Thủ tướng Chính phủ đã cấp bổ sung vốn cho Bộ Giao thông Vận tải triển khai.

Về khả năng cát trộm lấy từ luồng này, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam yêu cầu Ban Quản lý dự án báo cáo và hiện đích thân Giám đốc Ban này đã cấp tốc vào Cửa Đại để kiểm tra thông tin phản ánh.

Về lực lượng giám sát nhà nước chuyên ngành đường thủy tại khu vực này, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt nam cho biết đã được Cục ủy thác cho Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết ngay khi nắm được thông tin báo chí phản ánh, Bộ đã chỉ đạo cho Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam báo cáo chính thức về vấn đề này.

Trước đó, ngày 23/3, vừa qua, Thông tấn xã Việt Nam có bài “Cần làm rõ hợp đồng 'khủng' hút hàng triệu m3 cát tại biển Cửa Đại". Theo đó, trong những ngày qua đã xuất hiện thông tin có một hợp đồng “khủng” về việc bơm hút 1 triệu m3 cát từ khu vực biển Cửa Đại để đưa ra Đà Nẵng san lấp mặt bằng.

Trong khi bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đang sạt lở nghiêm trọng, chính quyền địa phương phải chi hàng chục tỷ đồng để bơm cát vào chống sạt lở, đồng thời “kêu cứu” Trung ương trợ giúp về vốn và kỹ thuật.

Hiện tượng xói lở bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An bắt đầu xảy ra từ năm 2004, xuất phát từ khu vực cửa sông Thu Bồn dịch chuyển dần lên phía bắc biển Cửa Đại. Một số nơi nước biển đã khoét sâu vào đất liền tới 200m, nhiều công trình du lịch, cơ sở hạ tầng bị cuốn trôi xuống biển.

>>>Cần làm rõ hợp đồng "khủng" hút triệu m3 cát tại biển Cửa Đại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục