Cụm Dự án giải tỏa công suất Nhà máy BOT Vân Phong 1 - Bài 2: Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng

07:52' - 20/06/2022
BNEWS Trong quá trình triển khai GPMB để xây dựng cụm Dự án trọng điểm Quốc gia giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, đại diện Chủ đầu tư vẫn gặp khó khăn ảnh hưởng đến mốc tiến độ chung.

Trong quá trình triển khai thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng cụm Dự án trọng điểm Quốc gia giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) BOT Vân Phong 1, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) và Ban QLDA các công trình điện miền Nam (SPMB) đại diện Chủ đầu tư quản lý các dự án này vẫn đang gặp những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến các mốc tiến độ chung.

Theo hợp đồng BOT NMNĐ Vân Phong 1 (Chủ đầu tư là Tập đoàn Sumitomo Corporation của Nhật Bản) đã ký kết, Dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân được xây dựng để giải tỏa công suất cho nhà máy phải hoàn thành trong tháng 12/2022. Nếu Dự án chậm tiến độ, mỗi ngày Việt Nam sẽ phải bồi thường khoảng 1 triệu USD. Do đó, những nút thắt vướng mắc về mặt bằng để triển khai Dự án cần phải tháo gỡ sớm.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT cho hay, cả 3 Dự án này nếu không hoàn thành đồng bộ sẽ không giải tỏa được công suất NMNĐ Vân Phong và các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực. Hiện các địa phương đang tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 6 này để nhà thầu kéo dây từ tháng 7 tới.

Báo cáo của EVNNPT cho thấy, Trạm biến áp (TBA) 500 kV Vân Phong đang được triển khai xây dưng. Tuyến đường dây 220 kV đấu nối gồm có 62 vị trí móng. Đến thời điểm giữa tháng 6 này, còn 8 vị trí móng chưa phê duyệt phương án đền bù. Hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sau khi hoàn thiện phương án đã niêm yết công khai ngày 4/6 vừa qua.

Phần hành lang còn 39 khoảng cột chưa phê duyệt phương án đền bù; trong đó 37 khoảng cột Trung tâm Phát triển quỹ đất đã niêm yết công khai phương án đền bù, còn 2 khoảng cột là 50 - 51 và 55 - 56, tương ứng với 8 hộ dân đã đồng ý kiểm đếm. Trung tâm Phát triển quỹ đất đang phối hợp với UBND xã xác minh nguồn gốc đất.

Tuyến Đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong – Nhiệt điện Vĩnh Tân đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa có chiều dài 88 km, bao gồm 172 vị trí móng trụ; trong đó, thị xã Ninh Hòa có 53 vị trí, huyện Diên Khánh 52 vị trí, huyện Cam Lâm 55 vị trí và thành phố Cam Ranh 12 vị trí.

Đường dây đi qua 38 nhà dân, vật kiến trúc và 63 vị trí móng trong đoạn tuyến đi qua rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng phòng hộ. Các vị trí này UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Quyết định phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng và phương án thiết kế tận thu lâm sản.

Cụ thể, đến giữa tháng 6 này, thị xã Ninh Hòa đã chi trả tiền toàn bộ 53 vị trí móng, phê duyệt phương án bồi thường phần hành lang toàn bộ 53 khoảng cột và trả tiền đền bù 51 khoảng cột. Hai vị trí còn lại đều vắng chủ.

Tại huyện Diên Khánh, đã phê duyệt phương án bồi thường 51/52 vị trí móng, trả tiền 51/52 vị trí và vận động bàn giao mặt bằng toàn bộ 52 vị trí. Phần hành lang tuyến đã phê duyệt phương án bồi thường 50/52 khoảng cột, trả tiền 42/52 khoảng cột. Còn 8 hộ chưa phê duyệt phương án bồi thường địa phương đã kết thúc niêm yết công khai phương án bồi thường (PABT) và dự kiến trả tiền trước ngày 21/6 tới. Với 4 trường hợp phải bố trí tái định cư (xã Diên Lâm), UBND huyện Diên Khánh đang thực hiện các thủ tục để bố trí cho các hộ dân.

Đối với huyện Cam Lâm, địa phương đã phê duyệt phương án bồi thường phần móng trụ, trả tiền và vận động bàn giao mặt bằng toàn bộ 55 vị trí móng.  Riêng vị trí 151 thuộc địa bàn xã Cam Phước Tây đã phê duyệt PABT do tranh chấp đất giữa hộ bà Trần Thị Thảo và các hộ dân người đồng bào. Hiện nay bà Thảo đã cho đơn vị thi công đúc móng và dựng cột nhưng không cho kéo dây với lý do yêu cầu nhận đủ tiền bồi thường, hỗ trợ đất phần móng trụ và hành lang tuyến. Phần hành lang địa phương đã phê duyệt phương án bồi thường toàn bộ 55 khoảng cột, trả tiền và bàn giao mặt bằng 53 khoảng cột.

Tại thành phố Cam Ranh, địa phương đã phê duyệt phương án bồi thường phần móng trụ, trả tiền và bàn giao mặt bằng toàn bộ 12 vị trí.  Phần hành lang cũng đã hoàn thành.

Tuyến đường dây 500 kV Vân Phong-Vĩnh Tân đi qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận với chiều dài  68,78 km, bao gồm 132 vị trí móng trụ; trong đó, huyện Bác Ái có 61 vị trí, Ninh Sơn 22 vị trí,  Ninh Phước 28 vị trí, Thuận Nam 21 vị trí. Hiện tỉnh đang tập trung kê kiểm, vận động bàn giao mặt bằng cuốn chiếu cùng nhà thầu để cơ bản xong từ tháng 9/2022.

Các hộ chưa bàn giao mặt bằng chủ yếu do chưa phê duyệt phương án bồi thường, đang hoàn thiện hồ sơ trình phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định nguồn gốc đất, chưa ký biên bản kiểm kê hiện trạng do không có mặt ở địa phương.... Các hộ có đất ở và nhà ở nằm trong hành lang tuyến chưa thống nhất với phương án bồi thường, hỗ trợ do đơn giá đất và nhà thấp. Tại huyện Hàm Thuận Nam có 41 vị trí qua rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng phòng hộ. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận chưa trình UBND tỉnh để có Quyết định chuyển mục đích sử dung đất rừng sang mục đích khác.

Đối với Dự án đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm, địa phương đã bàn giao mặt bằng 117/120 vị trí, 92/120 khoảng cột, 7 khoảng néo; trả tiền đền bù 103/120 vị trí móng, 92/120 khoảng cột. Khó khăn vướng mắc hiện nay là tại huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) còn 7/223 trường hợp chưa chi trả tiền đền bù vì có 2 hộ dân đã mời nhiều lần nhưng vẫn chưa liên hệ nhận tiền do kiến nghị giá bồi thường thấp và vắng chủ 5 trường hợp.

Tại huyện Cam Lâm, qua quá trình thi công và vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng, CPMB cho biết hiện nay tất cả các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án đang chờ UBND huyện phê duyệt PABT để các hộ dân nhận tiền và tiếp tục ổn định canh tác trên diện tích hành lang bị ảnh hưởng do kiểm đếm và thông báo thu hồi đất từ năm 2018.

Với Dự án đường dây 220 kV Krông Búk - Nha Trang (mạch 2), địa phương đã bàn giao mặt bằng 120/146 vị trí móng, 35/146 khoảng cột. Các vị trí còn lại chưa bàn giao được mặt bằng do một số vị trí hộ dân canh tác trên đất rừng đã nhận tiền theo PABT đã được phê duyệt nhưng vẫn không cho đơn vị thi công vào thực hiện, đồng thời yêu cầu làm rõ chủ quyền về đất và đòi đền bù về đất. Trong khi đó, việc kê kiểm, xác minh nguồn gốc đất còn chậm ảnh hưởng tiến độ dự án.

Dự án Trạm biến áp 220 kV Cam Ranh,  địa phương đã hoàn thành bàn giao mặt bằng trạm, tuy nhiên, phần đường vào trạm còn 2 hộ dân đã nhận tiền, ký biên bản bàn giao mặt bằng, nhưng hiện không đồng ý bàn giao mặt bằng do tranh chấp lấn ranh đất giữa 2 hộ này. Địa phương đã bàn giao 23/24 vị trí móng, nhưng vẫn còn 2 trường hợp tại vị trí 17 (xã Cam Hiệp Nam) đang nằm trên đường bê tông dân sinh khoảng 6m chưa bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công và vị trí 22 (thị trấn Cam Đức) đồng ý bàn giao mặt bằng nhưng chưa nhận tiền.

Tại buổi làm việc của đoàn công tác EVNNPT với UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cụm dự án đoạn qua địa bàn huyện vào ngày 15/6, ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, các hộ đã nhận tiền đền bù sẽ tiếp tục triển khai theo quy định, còn những hộ kiên quyết không nhận thì địa phương sẽ có biện pháp cưỡng chế, bảo vệ thi công. Song song với quá trình vận động thực hiện các bước kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế, bảo vệ thi công, đảm bảo đúng quy trình và thời gian. Đồng thời nếu vận động không được, người dân không chịu chấp nhận tiền đền bù, các bên cần ngồi lại để đàm thảo mốc thời gian cụ thể.

Bà Lê Phạm Thùy Ngân, Phó Chủ tịch UBND huyện cũng cho biết, với 2 trường hợp hộ ông Nguyễn Thanh Trà và Nguyễn Văn Thương đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng, Trung tâm phát triển quỹ đất chiều 16/6 đã vận động để hộ dân bàn giao mặt bằng, trong trường hợp không có kết quả sẽ xây dựng phương án bảo vệ thi công. Trường hợp bà Trần Thị Thảo đã nhận tiền bồi thường về cây trồng trên đất, tuần sau huyện sẽ vận động cùng với 4 hộ dân tộc khác chứ không đợi Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xử phúc thẩm.

“Đối với các trường hợp còn lại mời nhiều lần mà hộ dân không đến các đơn vị chức năng sẽ rà soát hồ sơ theo đúng Luật Đất đai, nếu đủ cơ sở thì bắt buộc kiểm đếm để có cơ sở thực hiện bồi thường hỗ trợ theo quy định. Trên tinh thần là huyện Cam Lâm tiếp tục đôn đốc các phòng ban liên quan bàn giao sớm mặt bằng cho Chủ đầu tư và đơn vị thi công”, bà Ngân nhấn mạnh.

Ninh Hòa (Khánh Hòa) là địa phương thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng trong cụm Dự án Vân Phong 1. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Ninh Hòa cho biết, trên địa bàn có tổng số 62 vị trí móng trụ.

Đến ngày 15/6, địa phương đã bàn giao 57 vị trí móng, phần hành lang tuyến 95% đã kiểm kê xong, trước ngày 30/6 sẽ hoàn thành theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Huyện còn 3 vị trí móng cần phải xác định lại nguồn gốc đất, phần hành lang tuyến còn lại của Dự án đường dây 220 kV Krông Búk - Nha Trang có hơn 200 trường hợp cần xác minh nguồn gốc đất. Trong hai ngày cuối tuần qua, trung tâm đã cử lực lượng tiếp tục triển khai.

Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh, Chủ tịch thị xã Ninh Hòa cũng cam kết thời hạn hoàn thành cuối cùng việc đền bù giải phóng mặt bằng trên địa bàn thị xã là 30/6. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo để sớm hoàn thành các hạng mục về giải phóng mặt bằng, phấn đấu đến cuối tháng 12 đóng  điện các dự án theo chỉ đạo của tỉnh Khánh Hòa và yêu cầu của EVNNPT.

Tại buổi làm việc của đoàn công tác EVNNPT với UBND huyện Diên Khánh vào cuối tuần qua, ông Võ Nam Thắng, Bí thư huyện ủy Diên Khánh nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm Quốc gia nên các địa phương đều tập trung ưu tiên chú trọng công tác giải phóng mặt bằng. Đến thời điểm này tại cụm Dự án còn vướng nhất ở khu vực Bình Lộc, huyện Diên Khánh đang cố gắng giải quyết dứt điểm các tồn tại để đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng đề ra và cuối năm nay đóng điện các Dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục