Cuộc chiến chống nạn trốn thuế ngày càng cam go (Phần 2)

06:30' - 13/08/2018
BNEWS Các nhà kinh tế ước tính, trong năm 2015, khoảng 40% lợi nhuận của các công ty đa quốc gia đã được chuyển sang những thiên đường thuế.
Cuộc chiến chống nạn trốn thuế ngày càng cam go. Ảnh minh họa: TTXVN

Trang Bloomberg mới đây đăng nhận định của nhà phân tích Leonid Bershidsky cho rằng việc tìm ra biện pháp ngăn chặn tình trạng các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang những thiên đường thuế, mà không gây tác động ngược lại đến nền kinh tế, là điều không dễ dàng.

Trên thực tế, việc mất những cơ hội tránh thuế khiến các công ty này chuyển hoạt động kinh doanh, chứ không chỉ lợi nhuận trên sổ sách, ra nước ngoài.

Ông Bershidsky dẫn một kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các chính phủ trên toàn thế giới đều đang cắt giảm thuế doanh nghiệp (từ 49% năm 1985 xuống mức trung bình 24% hiện nay) đơn giản chỉ vì các nỗ lực kiềm chế việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài không thực sự đem lại kết quả.

Để làm rõ hơn những tác động thực sự một khi giới chức mạnh tay trấn áp nạn chuyển dịch lợi nhuận để né thuế, nhà phân tích này đưa ra một nghiên cứu về Puerto Rico – vùng lãnh thổ thuộc Mỹ.

Từ năm 1921 đến năm 2006, các công ty đa quốc gia của Mỹ được miễn thuế đối với phần thu nhập tại các chi nhánh ở Puerto Rico theo quy định của Mục 936 thuộc Luật Thu nhập nội địa (IRC).

Tuy nhiên, đến năm 1996, việc miễn trừ này đã bị tạm ngừng trong vòng 10 năm tiếp theo bởi các nhà lập pháp cho rằng ưu đãi thuế đã tác động tiêu cực đến nước Mỹ nhiều hơn so với những lợi ích mà Puerto Rico có được.

Việc bãi bỏ Mục 936 được cho là đã “thêm dầu vào lửa” trong cuộc khủng hoảng tài chính mà Puerto Rico phải đối mặt. Đây cũng là một kết cục mà những quốc gia như Ireland và Luxembourg đang tìm mọi cách để tránh, khi Pháp, Đức và Mỹ liên tục chỉ trích những nước này cố tình tạo thuận lợi để giúp doanh nghiệp dịch chuyển lợi nhuận.

Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách thuế bất ngờ của Mỹ thời điểm đó cũng đã gây ra những tác động ngược. 682 công ty Mỹ, trong đó có các tập đoàn lớn như General Electric và hầu hết các “ông lớn” trong ngành công nghiệp dược phẩm Mỹ, vốn đang tận dụng “lỗ hổng” về luật thuế trong năm 1995 sau đó đã chứng kiến lợi nhuận lao dốc vào năm tiếp theo. Một số tính toán đã so sánh phần thu nhập giảm sút của các công ty này tương đương với mức thua lỗ 232 tỷ USD trong tổng doanh thu.

Theo nghiên cứu, diễn biến trên cũng đã đóng một vai trò nhất định dẫn tới tình trạng suy giảm đầu tư tại Mỹ cũng như xu hướng chuyển dịch sản xuất sang các nước có chi phí rẻ hơn. Như vậy, có thể nói, việc hủy bỏ Mục 936 khiến nền kinh tế Mỹ mất một triệu việc làm. Những công ty không hưởng lợi từ ưu đãi thuế này thì sau đó cũng không bị thiệt hại đáng kể.

Ông Bershidsky cho rằng cách tiếp cận tốt nhất vào lúc này là thúc đẩy hợp tác quốc tế trong vấn đề thuế, với trọng tâm là chống Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Đây là một cơ chế mà OECD đã và đang thúc đẩy với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và các định chế tài chính quốc tế.

OECD xây dựng một diễn đàn toàn cầu về tăng cường tính minh bạch và trao đổi thông tin thuế nhằm kiềm chế các bí mật ngân hàng, đồng thời khuyến khích tất cả các nước vận hành theo cùng một nguyên tắc.

Điều tối quan trọng là các quốc gia cần phải tuân theo các nguyên tắc thuế đồng nhất để huy động nguồn lực trong nước, trong đó có việc loại bỏ tranh chấp giữa các quốc gia khi xảy ra trường hợp đánh thuế hai lần. Việc có một nguyên tắc thống nhất cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tạo hiệu quả kiểm soát của giới chức quản lý thuế vụ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục