Cuộc đua căng thẳng trên thị trường bán lẻ Việt Nam

10:52' - 22/12/2023
BNEWS Với tiềm năng tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất trong khu vực, thị trường bán lẻ Việt Nam là “miếng bánh” hấp dẫn tạo ra cuộc đua “căng thẳng” giữa những nhà bán lẻ.

Mặc dù kết quả kinh doanh 3 quý năm 2023 của doanh nghiệp bán lẻ giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giới phân tích kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng cuối năm  tăng sẽ thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận các doanh nghiệp ngành này đi lên. Cùng đó, với tiềm năng tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất trong khu vực, thị trường bán lẻ Việt Nam là “miếng bánh” hấp dẫn tạo ra cuộc đua “căng thẳng” giữa những nhà bán lẻ.

Có tiềm năng tăng trưởng lớn, nhưng ngành bán lẻ cũng không nằm ngoài xu hướng chung của nền kinh tế. Thực tế, suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua yếu, biến động tỷ giá, lạm phát, cạnh tranh gay gắt, tồn kho lớn… Đây là các khó khăn của nhóm doanh nghiệp ngành bán lẻ kể từ đầu năm 2023 đến nay, nhất là trong nửa đầu năm.

Do đó, một loạt doanh nghiệp lớn ngành bán lẻ như Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) có doanh thu thuần 9 tháng năm 2023 đạt 57.470 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp giảm 62% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 1.615 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) có lãi trước thuế 9 tháng năm 2023 giảm 72% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 1.418 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thế giới số (mã chứng khoán: DGW) có lợi nhuận trước thuế đạt 352 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã chứng khoán: FRT) còn lỗ trước thuế gần 197 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp này lãi hơn 368 tỷ đồng.

Có kết quả kinh doanh tích hơn các doanh nghiệp cùng ngành bán lẻ là Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) khi lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2023 chỉ giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 693 tỷ đồng.

Theo phân tích của các chuyên gia, diễn biến thị trường bán lẻ thời gian qua khá ảm đạm, đặc biệt là từ quý IV/2022 đến giữa năm 2023 khi đà tăng trưởng kinh tế vĩ mô chậm lại.

Tuy nhiên, giới phân tích kỳ vọng, mùa mua sắm cuối năm có thể sẽ giúp thị trường bán lẻ khởi sắc. Các chuyên gia từ Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (VNDirect) nhận định, thời điểm ảm đạm của ngành bán lẻ đã qua đi, doanh nghiệp bán lẻ đang hướng tới giai đoạn phục hồi với nhiều dấu hiệu tích cực.

Theo VNDirect, sau khi chạm đáy từ giai đoạn tiêu thụ yếu, các công ty phân phối và bán lẻ điện tử tiêu dùng có thể sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh nhất kể từ quý IV trở đi nhờ triển vọng phục hồi vẫn tương đối lạc quan.

Lạm phát ổn định và mặt bằng lãi suất thấp đủ lâu có thể sẽ kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vào mùa cao điểm cuối năm.

Công ty cổ phần Chứng khoán DSC (DSC) cũng cho rằng, những yếu tố xấu nhất của ngành bán lẻ đã qua và cuối quý III/2023 thời điểm các doanh nghiệp bán lẻ bứt phá sau khi có đủ thời gian thẩm thấu các chính sách.

Cùng đó, giai đoạn người dân mạnh tay chi tiêu hơn vào cuối năm được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động mua sắm, bán lẻ “ấm” dần trở lại.

Về dài hạn, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết của Quốc hội, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện áp dụng mức thuế suất 10% (đồng nghĩa với việc sẽ giảm còn 8%) trong 6 tháng đầu năm 2024. Nếu áp dụng, chính sách này sẽ hỗ trợ sức mua cho khối bán lẻ.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 16 trên thế giới. Dân số Việt Nam hiện nay ước đạt 98,9 triệu người và dự kiến sẽ vượt mốc 100 triệu người vào năm 2025. Đồng thời, Việt Nam cũng chứng kiến tốc độ người dân thuộc tầng lớp trung lưu và tỷ lệ dân cư thành thị gia tăng nhanh chóng. Những yếu tố trên đã khiến cho Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà bán lẻ.

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2017-2022 đạt 8,5%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và gần gấp đôi mức bình quân của thế giới. Thu nhập tăng trưởng nhanh khiến cho giá trị giỏ hàng tiêu dùng của người Việt nâng lên nhanh chóng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam đã tăng 44,4% trong cùng giai đoạn.

World Data Lab's (tổ chức phân tích dữ liệu uy tín toàn cầu) dự báo Việt Nam sẽ tăng 8 bậc trong Top 30 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới trong thập kỷ này và chiếm 1,1% dân số thuộc tầng lớp tiêu dùng thế giới vào năm 2030.

Theo Mordor Intelligence – tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phân tích thị trường, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) giai đoạn 2023-2028 đạt 12,05%, gấp khoảng 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP ước tính trong cùng giai đoạn. Tốc độ tăng trưởng dự báo của ngành bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới, vượt xa so với các thị trường Đông Á, Đông Nam Á và mức tăng trưởng bình quân của thế giới.

Với tiềm năng tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất trong khu vực, thị trường bán lẻ Việt Nam là miếng bánh hấp dẫn và tạo ra cuộc đua căng thẳng giữa những nhà bán lẻ lớn cả trong nước và trên thế giới như Winmart, Bách hoá xanh, Saigon Co.op, Vincom, Aeon (Nhật Bản), Mega Mart, Lotte Retail (Hàn Quốc), Central Retail (Thái Lan)...

Đầu tư mạnh để tăng độ phủ là chiến lược chung trong nỗ lực gia tăng thị phần của những nhà bán lẻ này; trong đó, Vincom Retail và Aeon là những nhà bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ nhất về tổng diện tích sàn cho thuê bán lẻ.

Cuộc đua ngành bán lẻ tại Việt Nam được dự báo là sẽ tiếp tục gay cấn khi Centrail Retail, nhà bán lẻ lớn của Thái Lan có kế hoạch đầu tư thêm 1,45 tỷ USD vào thị trường Việt Nam trong 5 năm tới và đặt mục tiêu tăng quy mô số cửa hàng lên gấp đôi, đạt 600 cửa hàng vào năm 2027.  Aeon Mall cũng đang xây dựng 2 trung tâm mua sắm lớn tại Huế và Hà Nội, đồng thời có kế hoạch triển khai mô hình siêu thị quy mô vừa.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí, thị trường bán lẻ Việt Nam thay đổi nhanh chóng trong xu hướng tiêu dùng của người dân. Trong khi các cửa hàng tạp hoá, chợ truyền thống dần mất đi vị thế thì các hình thức bán lẻ hiện đại đã tăng thị phần từ 15% năm 2015 lên 26% vào năm 2022.

Thêm vào đó, sự phổ biến của Internet và các thiết bị thông minh, cùng với tác động của dịch COVID-19 đã khiến cho mua sắm trực tuyến bùng nổ.

Việt Nam được Công ty Dữ liệu thương mại điện tử (ecommerceDB) dự báo là một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới với CAGR giai đoạn 2023-2027 là 12,3%. Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn tăng trưởng của thương mại hiện đại và các công ty thuộc ngành hàng tiêu dùng sẽ gia tăng được giá trị doanh nghiệp trong nhiều năm tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục