Cường quốc G7 tạm dừng chuỗi cắt giảm lãi suất 7 lần liên tiếp

09:35' - 17/04/2025
BNEWS Ngân hàng trung ương Canada (BoC) phải tạm dừng chuỗi cắt giảm lãi suất 7 lần liên tiếp trong bối cảnh bất ổn do cuộc chiến thương mại mà Mỹ gây ra.

Ngày 16/4, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất 2,75%, tạm dừng chiến dịch nới lỏng tiền tệ của nước này kể từ tháng 6 năm ngoái trong bối cảnh bất ổn do cuộc chiến thương mại mà Mỹ gây ra.

Thống đốc BoC Tiff Macklem cho biết BoC phải tạm dừng chuỗi cắt giảm lãi suất 7 lần liên tiếp để có thời gian đánh giá hậu quả từ những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm tái thiết nền kinh tế Bắc Mỹ và hệ thống thương mại toàn cầu.

Sau khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, ông Trump đã áp đặt thuế quan mang tính "tàn phá" đối với nền kinh tế Canada và các đối tác thương mại khác bằng cách tuyên bố thực thi, tạm dừng rồi lại thực thi, khiến chuỗi cung ứng bị đảo lộn và thị trường tài chính thì xáo trộn.

Ông Macklem giải thích việc BoC quyết định giữ nguyên lãi suất là để chờ có thêm thông tin về cả lộ trình áp thuế của Mỹ và những tác động của chúng. Hiện tại, Canada vẫn chưa biết mức thuế nào sẽ được áp dụng, liệu chúng sẽ được giảm hay tăng và tất cả những điều này sẽ kéo dài trong bao lâu.

BoC hiện đang ở trong tình thế khó khăn. Chiến tranh thương mại hạn chế hoạt động kinh tế, nhưng cũng làm tăng giá tiêu dùng, vì các công ty sẽ chuyển chi phí cao hơn cho khách hàng. Điều đó có nghĩa là BoC phải đánh đổi giữa việc hỗ trợ nền kinh tế bằng cách cắt giảm lãi suất và kiểm soát lạm phát bằng cách giữ nguyên hoặc tăng lãi suất.

BoC cũng đang phải đối mặt với tình hình bất ổn nghiêm trọng liên quan đến tương lai của chính sách thương mại từ Mỹ cũng như việc thuế quan và các gián đoạn thương mại khác sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế Canada, đến chi tiêu của người tiêu dùng, việc làm, đầu tư kinh doanh và giá cả.

Canada đã tránh được đợt thuế quan hôm 2/4, nhưng bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa không tuân thủ hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ hay còn gọi là USMCA, cũng như thuế quan theo ngành đối với ô tô, thép và nhôm. Ông Trump cảnh báo sẽ áp thêm thuế đối với gỗ xẻ, đồng, chất bán dẫn và các sản phẩm dược phẩm của Canada.

Ông Macklem đã đưa ra hai kịch bản. Trong kịch bản đầu tiên, “hầu hết các mức thuế mới đều được đàm phán loại bỏ”, nhưng tăng trưởng sẽ đình trệ và sau đó mở rộng một cách vừa phải trong nền kinh tế vẫn còn yếu.

Trong kịch bản thứ hai, BoC giả định một cuộc chiến thương mại kéo dài, hậu quả kinh tế rất nghiêm trọng… và nền kinh tế suy thoái trong một năm. Tăng trưởng dần trở lại vào năm 2026 nhưng vẫn yếu cho đến năm 2027 vì thuế quan của Mỹ làm giảm vĩnh viễn sản lượng tiềm năng của Canada và hạ thấp mức sống của người dân nước này.

Theo một số chuyên gia kinh tế, lãi suất ở Canada có thể sẽ cần cắt giảm thêm nữa. Chuyên gia kinh tế chính Douglas Porter của Ngân hàng Montreal nhận xét áp lực giảm tăng trưởng do thuế quan và bất ổn thương mại sẽ lấn át áp lực tăng chi phí, đặc biệt là khi giá dầu yếu và đồng đôla Canada đang trên đà phục hồi. Ông này kỳ vọng rằng sẽ có thêm ba đợt cắt giảm lãi suất nữa trong năm nay xuống còn 2% khi BoC cảm thấy thoải mái hơn với triển vọng lạm phát.

Nền kinh tế Canada bước vào năm 2025 với nền tảng vững chắc. Lạm phát đã được duy trì ở mức khoảng 2% kể từ mùa Hè năm ngoái và hoạt động kinh tế đã tăng cường trong nửa cuối năm ngoái để ứng phó với chuỗi cắt giảm lãi suất của Ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, tình hình đã xấu đi đáng kể. Các mối đe dọa về thuế quan của Mỹ đang gây ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng Canada và làm đình trệ thị trường nhà ở, trong khi các doanh nghiệp Canada đang trì hoãn việc tuyển dụng và tạm dừng những khoản đầu tư mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục