Đã cấp trên 3.600 mã số vùng trồng đảm bảo cho xuất khẩu

15:31' - 16/03/2022
BNEWS Cả nước đã cấp 3.646 mã số vùng trồng với diện tích 197.000 ha và 1.798 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi xuất khẩu.

Nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc đối với hoa quả thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh chỉ đạo các địa phương và tăng cường triển khai việc cấp mã số vùng trồng. Đến nay, cả nước đã cấp 3.646 mã số vùng trồng với diện tích 197.000 ha tại 50/63 tỉnh, thành phố và 1.798 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi xuất khẩu.

iêng đối với thị trường Trung Quốc, cả nước đã cấp mã số cho gần 2.000 vùng trồng. Một số loại sản phẩm như thanh long, số lượng vùng trồng là 247 mã số, chiếm 85,61% tổng diện tích gieo trồng, tương tự xoài là 272 mã số chiếm 36,11% tổng diện tích, mít là 174 mã số chiếm 36,45% tổng diện tích, vải là 225 mã số chiếm 36,81% tổng diện tích...

Sản lượng các sản phẩm từ các mã số vùng trồng hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường hiện nay.

Việc xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc hiện nay đều phải đảm bảo an toàn chất lượng, đảm bảo quy định về truy xuất nguồn gốc, nhãn mác. Trên bao bì phải ghi rõ mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói mới được phép làm thủ tục thông quan khi hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, số lượng mã số vùng trồng các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quản lý hiện rất lớn. Trên quan điểm giúp người dân nâng cao hơn nữa nhận thức về mã số vùng trồng, cũng như các kỹ thuật canh tác "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng"..., Cục Bảo vệ thực vật có chủ trương bàn giao dần những mã số đã được cấp từ chi cục về huyện như: Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện.

Trong quá trình chuyển giao, các chi cục cần phối hợp với các đơn vị cấp huyện giám sát mã số vùng trồng theo quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu. Hàng năm, chi cục cấp tỉnh, thành phố sẽ kiểm tra, rà soát lại mã số vùng trồng đã cấp.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, định hướng mới này sẽ giúp bà con nông dân hiểu rõ và nắm chắc hơn những yêu cầu xuất khẩu. Trong bối cảnh các nước đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói, bao bì, truy xuất nguồn gốc… cách làm này sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bài bản, bền vững hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục