Đa dạng các mô hình giúp các hộ dân tiếp cận với nước sạch

17:33' - 29/07/2019
BNEWS Các công trình nước sạch tập trung hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 99%.
Nhân viên bảo dưỡng định kỳ máy bơm của trạm bơm cấp 1, trạm bơm cấp 2, tại Trạm cấp nước tập trung xã Đại Lai - Xuân Lai, thuộc huyện Gia Bình. Ảnh: Diệp Trương - TTXVN

Trong những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, tỉnh Bắc Ninh đã chú trọng xây dựng và đưa vào vận hành nhiều nhà máy nước sạch, đa dạng các mô hình giúp các hộ dân tiếp cận với nước sạch, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020, 100% các hộ dân ở các vùng nông thôn có nước sạch tập trung.

Nhiều mô hình hiệu quả

Tính đến tháng 6 năm 2019, khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 57 công trình nước sạch đang vận hành với công suất hơn 153.000 m3/ngày đêm, cấp nước cho 84 xã với gần 156.000 hộ dân. Bước đầu, các dự án cấp nước sạch nông thôn đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với đô thị.

Các công trình nước sạch tập trung hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 99%; trong đó số dân sử dụng nước sạch theo QCVN 02: 2009/BYT đạt khoảng 55%.

Điển hình, Trạm cấp nước tập trung xã Đại Lai – Xuân Lai, thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh được thành lập từ năm 2016 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 62 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Công trình gồm các hạng mục công trình thu trạm bơm cấp 1, hồ sơ lắng, cụm xử lý nước, bể chứa nước sạch, nhà điều hành, nhà hóa chất, nhà trục bơm.

Sau khi khánh thành, trạm cấp nước đã đấu nối đến 12.000 hộ dân, đạt 100% tổng số đồng hồ nước lắp đặt và sử dụng. Với công suất tối đa 8.500 m3/ngày đêm, Trạm cấp nước tập trung xã Đại Lai – Xuân Lai thi công trong 2 giai đoạn, đến nay cấp nước cho 5 xã Xuân Lai, Đại Lai, Vạn Ninh, Thái Bảo, Nhân Thắng (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sạch địa phương.

Theo anh Trần Danh Thuần, Trạm trưởng Trạm cấp nước tập trung xã Đại Lai – Xuân Lai, nguồn nước mặt cung cấp cho trạm từ sông Cầu, với lưu lượng và chất lượng nước ổn định, xử lý không phức tạp, theo quy trình khép kín, lắp đặt hơn 10 km đường ống truyền tải trục chính; hơn 95 km đường ống mạng, ống dịch vụ đưa nước về từng hộ dân.

Bên cạnh đó, hiện nay trạm còn sử dụng phần mềm Cityword để quản lý, kiểm soát và theo dõi mạng lưới cấp nước, máy móc, đo đếm chỉ số sử dụng nước của khách hàng. Đặc biệt, trong mùa hè, lượng khách hàng sử dụng nước liên tục, hệ thống hỗ trợ báo sự cố và định vị qua hệ thống GPS đồng hồ và van điều tiết để kịp thời hỗ trợ khách hàng, đảm bảo cấp nước liên tục.

Bà Nguyễn Thị Huyền, người dân xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho biết, trước đây, gia đình bà chủ yếu sử dụng nước mưa và nước giếng khoan sinh hoạt hàng ngày. Do mạch nước ngầm bị ô nhiễm, nước ố vàng, nhiều bọ gậy nên gia đình bà phải xây hệ thống bể lọc bằng cát và sỏi rất tốn kém nhưng chất lượng nước không đảm bảo. Kể từ khi Trạm cấp nước tập trung xã Đại Lai - Xuân Lai đi vào hoạt động, gia đình bà Huyền là một trong số những người dân đầu tiên lắp đặt, sử dụng nguồn nước sạch từ trung tâm.

Nhân viên điều chỉnh, kiểm tra hệ thống máy móc tại Trạm cấp nước tập trung xã Đại Lai - Xuân Lai, thuộc huyện Gia Bình. Ảnh: Diệp Trương - TTXVN

“Bây giờ chúng tôi không cần lo thiếu nước, nước bẩn như trước đây. Chất lượng nước dùng hàng ngày được bảo đảm sạch sẽ, giảm rất nhiều chi phí và công sức so với dùng nước giếng khoan trước đây nên gia đình tôi rất yên tâm và phấn khởi”, bà Huyền nói.

Bên cạnh nhà máy xử lý nước sạch từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh chú trọng huy động các doanh nghiệp tham gia xây dựng, quản lý và khai thác, nhằm giảm gánh nặng đầu tư của nhà nước đối với các công trình cung cấp nước sạch tập trung cho người dân khu vực nông thôn.

Theo đó, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Phú Quang đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa 2 nhà máy nước sạch, Nhà máy nước sạch An Thịnh, thuộc xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh có mức đầu tư 160 tỷ đồng, cung cấp nước cho 6 xã, với 6.000 hộ dân.

Bên cạnh đó, Nhà máy nước sạch nông thôn cụm xã Quảng Phú (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) có công suất thiết kế 14.000 m3/ngày đêm đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 130 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn nhà nước đầu tư 60%, doanh nghiệp 40%, cung cấp nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân các 3 xã huyện Lương Tài và 3 xã huyện Thuận Thành.

Khắc phục khó khăn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, ngoài 84 công trình nước sạch đang vận hành, tỉnh Bắc Ninh còn có 5 công trình đang thi công, công suất gần 14.000 m3/ngày đêm, dự kiến cấp nước cho 11 xã với gần 24.000 hộ dân và hoàn thành vào quý 4 năm 2019 và 1 công trình khởi công mới với công suất 2.500 m3/ngày đêm, cấp nước cho 2 xã với khoảng gần 3.000 hộ dân, dự kiến hoàn thành vào quý 1 năm 2020. Mục tiêu đến năm 2020 đạt 100% các xã trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sử dụng nước sạch tập trung.

Theo Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bắc Ninh Nguyễn Đông Tháp, các công trình cấp nước tại các địa phương đang được khai thác khá hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần giúp người dân nông thôn tiếp cận nguồn nước sạch, nâng cao chất lượng đời sống và sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay vẫn còn một số khó khăn, vào mùa lũ và mùa nắng có biến động về độ đục tại các dòng sông cung cấp nước mặt nên cần kéo dài thêm thời gian và chi phí để sơ lắng, châm thêm hóa chất vào bể phản ứng để tăng hiệu quả phản ứng và lắng đọng, đảm bảo chất lượng đầu ra nguồn nước.

Ngoài ra, một số xã, địa phương đang trong quá trình xây dựng, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, mở rộng đường đi ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp nước. Trong khi đó, lực lượng nhân lực hạn chế, việc sửa chữa, khắc phục phải thực hiện trong thời gian nhanh nhất để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân.

Nhân viên điều chỉnh, kiểm tra hệ thống máy móc tại Trạm cấp nước sạch Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Diệp Trương - TTXVN

Liên quan đến giá bán nước, hiện nay mỗi đơn vị bán 1 giá khác nhau, từ mức 3.300 đến 5.000 đồng/m3, do đó, đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh phê duyệt thống nhất giá bán nước trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Ninh.

Để đảm bảo nguồn nước, đặc biệt trong những đợt cao điểm mùa hè, Trung tâm tăng cường phối hợp cùng các trạm đầu mối tiến hành kiểm tra, theo dõi mực nước đầu nguồn và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước, tăng áp… đảm bảo cung cấp đầy đủ lưu lượng và chất lượng nước cho các trạm bơm tăng áp.

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng các hệ thống máy móc, thiết bị, bảo dưỡng định kỳ máy bơm của trạm bơm cấp 1, trạm bơm cấp 2, van đóng mở, vệ sinh bể chứa nước đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong vận hành đáp ứng yêu cầu cấp nước cho nhân dân mọi lúc mọi nơi.

“Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh Bắc Ninh có 100% dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành nhằm tăng cường quản lý, khai thác các công trình; đa dạng hóa các loại hình đầu tư, khuyến khích sự tham gia của người dân và các thành phần kinh tế vào việc phát triển nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn", ông Nguyễn Đông Tháp nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục