Đa dạng thị trường để giải bài toán tiêu thụ thanh long

16:57' - 06/01/2022
BNEWS Các chuyên gia cho rằng, sản xuất, tiêu thụ thanh long không chỉ là vấn đề trước mắt mà cần có kế hoạch và chiến lược lâu dài; trong đó, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ là cần thiết.

Một lượng lớn thanh long vào vụ thu hoạch nhưng không có đầu ra do các cửa khẩu sang Trung Quốc đang bị đóng khiến nhiều địa phương như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang chưa biết xoay sở ra sao.

Các chuyên gia cho rằng, sản xuất, tiêu thụ thanh long không chỉ là vấn đề trước mắt mà cần có kế hoạch và chiến lược lâu dài; trong đó, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ là cần thiết.

* 300.000 tấn thanh long chưa có đầu ra

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, sản lượng thanh long của Việt Nam đạt gần 1,4 triệu tấn/năm nhưng phân bố không đều. Cụ thể, quý I khoảng 300.000 tấn, quý II khoảng 150.000 tấn, quý III khoảng 400.000 tấn và quý IV khoảng 500.000 tấn. Như vậy, quý IV và quý I hàng năm tập trung khoảng 60% sản lượng cả năm.

Thanh long được trồng chủ yếu ở Bình Thuận với 34.000 ha, Long An khoảng 12.000 ha và Tiền Giang xấp xỉ 10.000 ha. Sản lượng của 3 tỉnh này chiếm hơn 80% tổng sản lượng thanh long cả nước. Theo thống kê của các tỉnh, hiện có đến 300.000 tấn thanh long đang vào vụ và chưa có nơi tiêu thụ cụ thể.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, 3 tháng đầu năm luôn là lúc tỉnh tập trung nhân lực, nguồn lực để sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển, chế biến thanh long. Dự kiến, trong quý I/2022, tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ.

Tuy nhiên, hiện các thương lái đang thu mua rất chậm, thậm chí một số nơi ngừng thu mua thanh long. Khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, giá thanh long giảm khá sâu, có nơi chỉ còn 2.000-4.000 đồng/kg.

“Sở Nông nghiệp và sở Công Thương Bình Thuận đã phối hợp kết nối thông tin với các đầu mối tiêu thụ trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ một phần sản lượng. Mặt khác, cũng định hướng doanh nghiệp thu mua chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, đẩy mạnh chế biến sâu và bảo quản đông lạnh nhưng cũng khó giải quyết hết do sản lượng lớn và đã đến thời điểm thu hoạch” - ông Tấn nêu khó khăn.

 

Đại diện Hợp tác xã sản xuất và thương mại Nhất Tâm, Bình Thuận chia sẻ, thanh long Bình Thuận đang vào vụ thu hoạch với sản lượng rất lớn nhưng hiện nay không có người mua, ngay cả với các thương lái đã đặt cọc trước cũng dừng mua để nghe ngóng thông tin từ các cửa khẩu.

Trước đó, để tập trung xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán nên dù thời tiết không thuận lợi, nông dân đã đầu tư chong điện kích quả với chi phí lớn. Nếu không tìm được đầu ra sớm thì người trồng sẽ thiệt hại nặng.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết, địa phương này đang chuẩn bị thu hoạch thanh long từ bây giờ đến Tết Nguyên đán, ước khoảng 26.000 tấn. Sản lượng này chủ yếu bán sang thị trường Trung Quốc nhưng các cửa khẩu phía Bắc đóng cửa một cách đột ngột nên nông dân và cả doanh nghiệp chưa biết tiêu thụ ở đâu.

Do giá vật tư nông nghiệp tăng cao nên giá thành thanh long ở mức 15.000 đồng/kg. Thế nhưng hiện nay, giá chào bán thanh long loại 1 cũng chỉ ngang với giá thành sản xuất; thanh long loại 2 chỉ có giá 10.000 đồng/kg; loại 3 (dành cho chế biến) chỉ còn 5.000 đồng/kg - ông Trịnh cho hay.

* Đa dạng hóa thị trường

Ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC - Đại diện thương mại xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam cho biết, nông sản từ châu Á được coi là “siêu thực phẩm” ở châu Âu và thanh long đang dần trở thành một mặt hàng như vậy. Hà Lan được xem là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa nông sản vào châu Âu.

Ngoài Việt Nam, Hà Lan còn nhập khẩu thanh long từ Trung Quốc, Nam Phi, Ecuador và một số thị trường khác.

Để đưa được thanh long vào Hà Lan, sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP và khoảng 150 tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, màu đỏ của trái thanh long phải chiếm hơn 70%, cuống phải cắt hoàn toàn và tai không dài quá 1,5 cm.

Theo ông Như Nguyễn, tại Hà Lan, doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường cần tham gia nhiều hội chợ quốc tế hoặc kết nối trực tiếp với các điểm thu mua. Chuỗi cung ứng từ vườn trồng đến siêu thị qua càng ít mắt xích sẽ càng dễ thành công và được đón nhận.

Việt Nam cần quảng bá, xúc tiến thương mại hình ảnh thanh long hơn nữa; đồng thời đa dạng sản phẩm như sấy khô, chế biến thành tinh bột hoặc cấp đông hoàn toàn.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam thông tin, Trung Quốc vẫn đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhiều loại rau quả Việt Nam. Tuy nhiên, với quả thanh long, trong 3 năm gần đây Trung Quốc đã phát triển vùng trồng rất nhanh, hiện có khoảng 55.000 ha, và mỗi năm có thể tăng thêm 10-15%.

Với tốc độ phát triển này, ước tính khoảng 5 năm nữa, Trung Quốc có thể cơ bản tự cung cấp đủ nhu cầu tiêu dùng thanh long. Đây là vấn đề mà các địa phương trồng thanh long và doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc cần đặc biệt lưu ý.

Ngoài việc cân nhắc quy hoạch vùng trồng hợp lý, chuyển đổi một số loại cây trồng khác thì Việt Nam cần đầu tư cho bảo quản, chế biến sâu và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, để tránh tình trạng “giải cứu” - ông Nguyên khuyến nghị.

Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường lớn nhưng ngày càng yêu cầu cao. Chính vì vậy, người sản xuất, xuất khẩu cần xác định nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng số một hiện nay; đồng thời, phải thay đổi tư duy “quá phụ thuộc vào một thị trường” sang tư duy “đa dạng thị trường”.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị ngành nông nghiệp 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang chủ động tham mưu cho lãnh đạo địa phương có phương án, giải pháp phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn ngay cho người trồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp các vùng, địa phương khác cũng đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân. Sắp tới, dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu hàng hóa tại thị trường nội địa tăng cao, các địa phương cần tận dụng cơ hội, kết nối giữa người sản xuất với nhà bán lẻ để tăng sản lượng tiêu thụ nội địa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục