Đà Nẵng: Nhiều chính sách đặc thù trong "bảy ngày tự phong tỏa"

18:24' - 17/08/2021
BNEWS Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã thông qua và ban hành Nghị quyết về quy định chế độ đặc thù trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Hỗ trợ tài chính cho lực lượng chống dịch

Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã thông qua và ban hành Nghị quyết về quy định chế độ đặc thù trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để kịp thời động viên các lực lượng trực tiếp tham gia.

Theo đó, về chế độ phụ cấp chống dịch cho người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế; người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc mắc COVID-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh tại khu điều trị người mắc COVID-19 được hỗ trợ 450.000 đồng/người/ngày.

Người vận chuyển mẫu bệnh phẩm, bệnh nhân dương tính: 300.000 đồng/người/ngày (đều đã bao gồm chế độ phụ cấp chống dịch theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ).

Cán bộ y tế làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ tại tổ, chốt ngõ ra vào thành phố được hỗ trợ mức 300.000 đồng/người/ca trực.

Các lực lượng còn lại (công an, tình nguyện viên….) tại các tổ chốt ngõ ra vào thành phố và các chốt kiểm soát trên địa bàn hỗ trợ mức 130.000 đồng/người/ca trực.

Người nhập liệu mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và người lao động tham gia công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế được giao nhiệm vụ thu dung, điều trị bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 (chưa được quy định hỗ trợ tại Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ) hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày, tối đa không quá 1.400.000 đồng/người/tháng.

Người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, vận chuyển mẫu, nhập liệu mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, người trực tiếp làm xét nghiệm SARS-CoV-2, người vận chuyển bệnh nhân dương tính, người giám sát tại các chốt ngõ ra vào thành phố và các chốt kiểm soát trên địa bàn; kể cả tình nguyện viên tham gia các công việc này được hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày.

Đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc, điều trị bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 tại các cơ sở y tế được giao nhiệm vụ thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 được hỗ trợ tiền ăn 120.000 đồng/người/ngày (đã bao gồm chế độ hỗ trợ tiền ăn theo Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ).

Quy định về tang lễ

Từ ngày 16 - 23/8, Đà Nẵng tạm dừng tất cả các hoạt động để tập trung phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, tất cả người dân tuyệt đối không được ra khỏi nhà, nơi đang cư trú.

Trong thời gian này các hoạt động sinh đẻ, cấp cứu, khám chữa bệnh nặng diễn ra bình thường, còn hoạt động tang lễ cũng được tổ chức nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Cụ thể, Công văn số 5260/UBND-KGVX ngày 15/8/2021 của UBND thành phố Đà Nẵng đã hướng dẫn: khi cần cấp cứu, can thiệp y tế đột xuất thì người dân liên hệ ngay Trung tâm Cấp cứu (số điện thoại 115) hoặc đường dây nóng của Trung tâm Y tế các quận, huyện đánh giá tình trạng bệnh, bố trí xe vận chuyển.

Khi cần tư vấn, khám sức khỏe, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh định kỳ khác, người dân đến Trạm Y tế nơi cư trú để được đánh giá tình trạng và xử lý.

Người dân trước khi đến Trạm Y tế phải được xác nhận bởi tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn hoặc bí thư chi bộ (bằng giấy viết tay hoặc tin nhắn điện thoại).

UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu hoạt động tang lễ phải đảm bảo các quy định phòng, chống dịch như: không để đám tang quá 48 giờ, tổ chức tang lễ không quá 20 người, không tổ chức đoàn viếng...

Theo ông Hồ Văn Khoa, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng), trong 2 ngày thành phố tạm dừng hoạt động, trên địa bàn quận đã có 4 tang lễ được tổ chức.

UBND quận, phường đã hướng dẫn cụ thể cho các gia đình để đảm bảo đúng quy định của thành phố, từ khâu lập giấy chứng tử, tổ chức tang lễ đến đưa tang.

Theo quy định, không được tổ chức tang lễ quá 20 người, nhưng trên thực tế hầu hết các gia đình chỉ có trên dưới 10 người con cháu trong nhà tham dự.

Ông Hồ Văn Khoa cho biết: “Khi có người mất, các gia đình cần khẩn trương liên hệ với các UBND phường để được hướng dẫn cụ thể. Quận đã cho phép một cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn hoạt động để phục vụ nhân dân, chỉ cần gọi sẽ có xe tang đến nhà. Khi đưa tang phải đi đúng theo thời gian và lộ trình đã đăng ký trước, để xuất trình qua các chốt kiểm tra. Nếu cần đưa về quê chôn cất thì Chủ tịch UBND quận sẽ trực tiếp ký giấy để đưa ra ngoài thành phố và chỉ được ra ngoài trong vòng 24 giờ”.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hiệp, Bí thư Chi bộ Tổ 40 (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), tổ đã lập Ban Điều hành gồm đồng chí Tổ trưởng, cán bộ Mặt trận, cán bộ Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... và phân công mỗi đồng chí phụ trách khoảng 30 - 40 hộ dân.

Trong những ngày tới, Ban Điều hành sẽ hỗ trợ từng hộ dân trong việc mua sắm thực phẩm, thuốc men, xử lý các tình huống khẩn cấp. Nếu gia đình nào có tang lễ, Ban Điều hành sẽ là cầu nối với chính quyền địa phương, hỗ trợ ổn định tổ chức theo đúng quy định của thành phố.

Về vấn đề tang lễ, trong buổi họp Ban Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng vào tối 16/8, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã lưu ý chủ tịch UBND các quận phải theo dõi, hướng dẫn cụ thể cho các gia đình có việc hiếu.

Trước đây, đã xảy ra trường hợp lây nhiễm dịch bệnh tại các đám tang, vì vậy phải đảm bảo đám tang không được tập trung quá 20 người, chỉ được sử dụng phương tiện ô tô, nếu ra khỏi thành phố thì phải có giấy xác nhận của UBND cấp quận, huyện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục