Đà Nẵng phân bổ nguồn lực ưu tiên cho hạ tầng giao thông

16:10' - 30/06/2023
BNEWS Liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh cần xác định hạ tầng giao thông là khâu đột phá trong phát triển Đà Nẵng.
Trên thực tế, xác định đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đi trước tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã sớm “kích hoạt” cơ chế vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông để nhiều dự án quan trọng sớm “tăng tốc” về đích. 

Trong đó, dự án đầu tư xây dựng đường ven biển nối cảng Liên Chiểu trị giá 1.203 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ tạo tuyến đường vận tải độc lập, kết nối đường nội bộ cảng Liên Chiểu đi đường tránh Nam Hải Vân. Qua đó, thúc đẩy giao thương hàng hóa của thành phố với các vùng, khu vực khác trên cả nước cũng như trong khu vực và thế giới.

 
Dự án sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ đường nội bộ của cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam Hải Vân với chiều dài khoảng 2,95 km, bao gồm nhánh ra nút giao cuối tuyến dài khoảng 700 m, mặt cắt ngang 30 m, quy mô 6 làn xe. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.203 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương (500 tỷ đồng) và ngân sách Thành phố. Dự án do Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng làm chủ đầu tư, hoàn thành vào năm 2025.

Song song, thành phố đang có kế hoạch nâng cấp hạ tầng giao thông, logistics hiện có, bao gồm nâng cấp nhà ga hành khách T1 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14B (đoạn từ Túy Loan đến giáp Quảng Nam); đề xuất các bộ, ngành chức năng ưu tiên đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến quốc lộ 14G, 14D…

Đối với hàng không, sân bay quốc tế Đà Nẵng đang được nâng cấp, mở rộng để đến năm 2030 đạt công suất khai thác 25 triệu hành khách/năm và 100.000 tấn hàng hóa/năm. Và đến năm 2050 có công suất đạt 30 triệu hành khách/năm và 200.000 – 300.000 tấn hàng hóa/năm.

Với hạ tầng đô thị, dân sinh được quy hoạch bài bản, đồng bộ, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến 2045 sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đẳng cấp khu vực châu Á. Bởi vậy, trong giai đoạn ngắn hạn, từ nay tới 2025, chính quyền thành phố vẫn xác định phân bổ nguồn lực ưu tiên cho hạ tầng giao thông.

Bên cạnh các tuyến đường giao thông trọng điểm đang được đầu tư kết nối với cao tốc Bắc – Nam, hạ tầng giao thông đô thị tại đây được quy hoạch bài bản và hiện đại. Thành phố có nhiều cầu nối hai bờ sông Hàn, mở rộng đô thị về phía Đông, cũng như liên tục đầu tư phát triển một số dự án hạ tầng giao thông nội thị, mở rộng các tuyến đường kết nối dự án phục vụ phát triển du lịch.

Trong khi đó, về hàng không, sân bay quốc tế Đà Nẵng là sân bay “bận rộn” thứ 3 cả nước, chỉ sau Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Hiện, Đà Nẵng đã khôi phục 33 đường bay, trong đó có 25 đường bay quốc tế, 8 đường bay nội địa. Tổng số chuyến bay trong quý 1/2023 đạt 9.300 chuyến với hơn 1,47 triệu lượt khách, trong đó có 5.600 chuyến bay nội địa và 3.700 chuyến bay quốc tế.

Trước đó, Năm 2022, UBND thành phố phân bổ hơn 7.880 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các dự án động lực, trọng điểm. Trong đó, riêng nguồn lực vốn đầu tư các dự án công trình giao thông có giá trị gần 1.529 tỷ đồng, với 66 công trình. Đặc biệt, mới đây, HĐND thành phố đã thông qua các nghị quyết về chủ trương đầu tư 1.203 tỷ đồng xây dựng đường ven biển nối cảng Liên Chiểu; 274 tỷ đồng triển khai xây dựng cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu bắc qua sông Yên...

Quý I/2023, kinh tế thành phố Đà Nẵng giữ được nhịp độ tăng trưởng với mức tăng sơ bộ so với cùng kỳ đạt 7,81%, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng. Tuy nhiên, bước sang quý II, trên nền kết quả tăng cao của cùng kỳ năm 2021-2022, một số lĩnh vực kinh tế có xu hướng sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của 6 tháng đầu năm 2023.

Với con số tăng trưởng 3,74% của 6 tháng đầu năm 2023, mục tiêu tăng 7% cả năm nay theo kế hoạch được đánh giá là thách thức trong bối cảnh các khó khăn của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng… Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đã đề ra, Đà Nẵng tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, đặt mục tiêu tiếp tục tổ chức Chương trình kích cầu du lịch năm 2023, các chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; chú trọng xây dựng nhiều thương hiệu với các sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế, tạo điểm nhấn quan trọng của ngành du lịch thành phố; có những chính sách ưu tiên trong công tác hỗ trợ và chào đón những đoàn khách du lịch MICE; gắn kết việc phát triển sản phẩm du lịch với các yếu tố về văn hóa, lịch sử để tạo nên sức hấp dẫn, thu hút du khách đến với Đà Nẵng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục