Đà Nẵng tập trung khôi phục sản xuất sau lũ

11:57' - 10/11/2017
BNEWS Trận mưa lũ vừa qua gây thiệt hại nhiều diện tích rau màu của nông dân trên địa bàn huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Ngay sau khi nước rút, người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, đảm bảo kịp thời vụ gieo cấy nhất là nguồn rau xanh cung cấp ra thị trường.
Huyện Hòa Vang là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất thành phố Đà Nẵng. Mưa lũ khiến hơn 90 ha rau, đậu các loại bị ngập úng, trên 12.000 con gia cầm bị chết và cuốn trôi; 30 ha diện tích nông nghiệp bị bồi lấp; trên 170 ha ao đang nuôi tôm cá bị ngập lụt; 180 tấn lúa giống cho vụ Đông Xuân bị hỏng...

Ngay sau khi nước rút, người dân đã nhanh chóng khôi phục sản xuất để đảm bảo kịp thời vụ gieo cấy, nhất là nguồn rau xanh cung cấp ra thị trường. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Sau trận lũ, cánh đồng rau tại thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Vang, huyện Hòa Vang ngổn ngang bùn đất, rác thải khiến ông Bùi Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ và rau an toàn Túy Loan không khỏi xót xa.

Ông Dũng chia sẻ, toàn bộ 8 ha rau xanh của Hợp tác đến thời kỳ thu hoạch bị nhấn chìm trong biển nước, ước tính thiệt hại ban đầu trên 200 triệu đồng. Khối lượng đất bồi lấp và rác thải quá lớn khiến công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn.
Sau nhiều ngày ngập nước, giờ đây, hơn 3 sào rau của gia đình ông Đặng Công Vui, thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong chỉ còn bộ khung, bùn non phủ kín mặt ruộng, ước tính thiệt hại gần 10 triệu đồng. Ông Vui cho biết, do bị ngâm nước nhiều ngày nên các loại rau xanh, bầu, mướp đắng bị héo dây, thối trái và chết dần.
Không chỉ riêng vùng rau Túy Loan, xã Hòa Phong mà hầu hết các vùng rau chuyên canh tại các xã Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Nhơn đều bị thiệt hại. Bà Trần Thị Trinh, thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn than thở: "Mưa lũ nhấn chìm hơn 5 sào rau của gia đình, ước thiệt hại khoảng 15 triệu đồng. Được tiếng là người trồng rau nhưng mấy ngày nay gia đình không có rau xanh để ăn".
Ngay sau khi lũ rút, UBND huyện Hòa Vang chỉ đạo các địa phương nhanh chóng khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, nhất là thiệt hại về nông nghiệp.

Trước mắt huyện tổ chức rà soát mức độ bị thiệt hại ở từng địa phương để có hướng hỗ trợ; đồng thời huy động lực lượng tu sửa kênh mương, khơi thông dòng chảy để cung cấp nước tưới cho ruộng đồng. Bên cạnh đó, UBND huyện đề xuất với thành phố hỗ trợ giống để khôi phục lại sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, sau khi lũ rút, chính quyền và nhân dân bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống của nhân dân và khôi phục lại sản xuất.

Trước mắt, xã Hòa Phong sẽ tập trung vào việc nạo vét kênh mương khai thông dòng chảy để phục vụ sản xuất, thống kê mức độ thiệt hại để có phương án hỗ trợ sản xuất cho người dân; đồng thời, tiến hành làm đất để kịp thời gieo cấy vụ Đông Xuân.
Ông Bùi Dũng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ và rau an toàn Túy Loan cho biết, ngay sau khi lũ rút, Hợp tác xã tổ chức họp các thành viên để thống kê mức độ thiệt hại và bàn các phương án nhanh chóng khôi phục sản xuất. Trước mắt, Hợp tác xã chỉ đạo các xã viên thu dọn, cải tạo lại mặt ruộng, đồng thời xuống giống các loại rau xanh ngắn ngày để việc cung cấp rau xanh ra thị trường không bị gián đoạn.../.

>>> Đắk Nông: Hơn 200 tấn cá lồng bị chết do ảnh hưởng của bão số 12

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục