Đà Nẵng thu hút đầu tư - Bài cuối: Những "trái ngọt" đã cho thu hoạch

15:27' - 10/05/2018
BNEWS Trong những tháng đầu năm 2018, thành phố Đà Nẵng đã thu hút, lựa chọn được những nhà đầu tư, doanh nghiệp thân thiện với môi trường, trình độ chuyên môn hóa về chất xám cao.

Với chủ trương đúng đắn, nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các tầng lớp nhân dân, trong những tháng đầu năm 2018, thành phố Đà Nẵng đã thu hút, lựa chọn được những nhà đầu tư, doanh nghiệp thân thiện với môi trường, trình độ chuyên môn hóa về chất xám cao.

Đây là yếu tố quan trọng để Đà Nẵng từng bước xây dựng một thành phố phát triển nhanh, mạnh, thân thiện với môi trường và mang tính bền vững.

* Lựa chọn đối tác thu hút đầu tư

Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu để trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.

Một buổi gặp gỡ giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng. Ảnh: Văn Sơn-TTXVN

Chỉ trong thời gian ngắn, lãnh đạo cũng như các ban ngành chức năng của thành phố đã liên tục có những cuộc tiếp xúc, giới thiệu chủ trương thu hút đầu tư cũng như tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, năng lực của doanh nghiệp mong muốn "rót vốn" vào thành phố trẻ sôi động bên bờ sông Hàn.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã trực tiếp làm việc, kêu gọi, ký cam kết đầu tư với nhiều đối tác quan trọng như Phần Lan, Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ…

Ông Kari Kahiluoto - Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Phần Lan tại khu vực châu Á, là cầu nối để Phần Lan tăng cường quan hệ với các nước ASEAN.

Phần Lan sẽ tích cực đóng góp thúc đẩy mối quan hệ giữa Phần Lan và Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng phát triển sâu rộng hơn nữa, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại đầu tư, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đại sứ Kari Kahiluoto cam kết phía Phần Lan sẽ tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị, những giải pháp xây dựng thành phố thông minh hợp lý nhất cũng như phát triển các chương trình đổi mới sáng tạo, tạo lập và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đà Nẵng trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, Đà Nẵng đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác với 3 thành phố là Kawasaki, Sakai và Yokohama (Nhật Bản).

Ngoài ra, thành phố cũng thiết lập quan hệ hợp tác, giao lưu với gần 15 thành phố khác của Nhật Bản như Mitsuke, Fukuoka và Otawara với nhiều chương trình giao lưu hiệu quả.

Ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử Đà Nẵng. Ảnh: Đinh Văn Nhiều - TTXVN

Mới đây, tại buổi tọa đàm với chủ đề “Kết nối đầu tư Đà Nẵng – Hoa Kỳ trong lĩnh vực bất động sản” nhân dịp đoàn Hiệp hội Chuyên gia Bất động sản người Việt Nam tại Hoa Kỳ (VNARP) do ông Ron Gonzales, Cựu Thị trưởng thành phố San Jose dẫn đầu đến thăm, khảo sát thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định, Đà Nẵng luôn xác định Hoa Kỳ là một trong những đối tác lớn, là thị trường trọng điểm có tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ cần tập trung thu hút đầu tư trong các lĩnh vực như bất động sản, tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục, và công nghiệp công nghệ cao.

Chính quyền thành phố cam kết sẽ tạo mọi cơ chế tốt nhất có thể cho các nhà đầu tư nước ngoài; trong đó có Hoa Kỳ, khi đến với Đà Nẵng.

Cũng tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp, nhà đầu tư của VNARP đã được cập nhật những thông tin mới nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh; tình hình phát triển của thị trường bất động sản, đặc biệt là một số vị trí đang kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố cũng như những nội dung quan trọng của Luật kinh doanh Bất động sản hiện hành.

* Những kết quả đáng khích lệ

Với nỗ lực không mệt mỏi, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… đã và đang tích cực xúc tiến đầu tư vào thành phố Đà Nẵng.

Tính riêng thu hút đầu tư từ Nhật Bản, đến đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 143 doanh nghiệp và văn phòng đại diện Nhật Bản đang hoạt động với tổng số vốn đầu tư hơn 500 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho khoảng 40.000 lao động.

Hiện có hai doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Khu công nghệ cao thành phố với tổng số vốn 70 triệu USD.

Thông qua Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Singapore, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và ông Douglas Foo, Chủ tịch Liên đoàn sản xuất Singapore (SMF) kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sakae Corporate Advisory đã ký Bản ghi nhớ triển khai các nội dung hợp tác giữa UBND thành phố Đà Nẵng với Liên đoàn sản xuất Singapore.

Bản ghi nhớ đồng ý về mặt nguyên tắc cho nhóm các nhà đầu tư của Singapore do Công ty Sakae Corporate Advisory chủ trì (gồm Tập đoàn Sakae Holdings, Tập đoàn Surbana Jurong, Tập đoàn Fission, Công ty Bất động sản Centra, Tập đoàn YCH và các doanh nghiệp khác do SMF giới thiệu) hỗ trợ thành phố nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch khu vực Vịnh Đà Nẵng.

Cùng đó là việc nghiên cứu triển khai một số dự án đầu tư trong ngắn hạn và trung hạn tại Đà Nẵng như: khu đô thị lấn biển tại Vịnh Đà Nẵng, kết hợp nghiên cứu phát triển hệ thống cảng biển Đà Nẵng; khu du lịch phức hợp tại đường Võ Văn Kiệt và Võ Nguyên Giáp; khu Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn; Hệ sinh thái tổ hợp tại Hồ Đồng Xanh Đồng Nghệ; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin và trung tâm đào tạo nguồn nhân lực tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng...

Tại Đà Nẵng, Singapore có 24 dự án với tổng vốn đầu tư gần 830 triệu USD, chiếm hơn 27% tổng vốn đầu tư FDI vào thành phố, tập trung trong các lĩnh vực thương mại, bất động sản, xây dựng giáo dục, y tế, công nghệ thông tin, nước giải khát… với các nhà đầu tư lớn như VinaCapital, Heineken, Coca-Cola, Pegasus, VinaDas… Singapore là thị trường đầy tiềm năng mà thành phố tập trung xúc tiến đầu tư trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, Đà Nẵng đang nỗ lực thu hút đầu từ nhiều đối tác; trong đó, Singapore là đối tác quan trọng. Sở dĩ, Đà Nẵng chọn Singapore là vì đất nước này có những điểm khá tương đồng với Đà Nẵng.

Đồng thời, đất nước này đang xây dựng nền kinh tế với một nền công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Chính vì vậy, Đà Nẵng đang nỗ lực giao lưu, học hỏi, xúc tiến chuyển giao công nghệ… sớm đưa thành phố trẻ bên bờ sông Hàn tiến nhanh, tiến kịp các nền kinh tế trong khu vực./.

Xem thêm:

>>>Đà Nẵng thu hút đầu tư - Bài 1: Doanh nghiệp đóng vai trò quyết định

>>>Đà Nẵng thu hút đầu tư - Bài 2: Quyết giành lại “ngôi vương”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục