Đà Nẵng xây dựng Chính quyền điện tử và Thành phố thông minh

08:44' - 28/10/2019
BNEWS Việc lựa chọn các giải pháp mới, ứng dụng các nền tảng công nghệ thông minh có thể giúp Đà Nẵng song song thực hiện mục tiêu đẩy mạnh Chính quyền điện tử và xây dựng Thành phố thông minh.
Một giải pháp về Giao thông thông minh được trưng bày tại Hội nghị thượng đỉnh Thành phố Thông minh 2019 – Đà Nẵng. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Những ngày qua, thành phố Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Thành phố thông minh 2019 – Đà Nẵng (Smart City Summit 2019 – Da Nang) với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số”.

Trước đó, cuối tháng 8/2019, Đà Nẵng cũng vinh dự nhận danh hiệu Thành phố thông minh 2019 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Thành phố thông minh ASOCIO 2019 – Bangkok (Thái Lan).

Việc lựa chọn các giải pháp mới, ứng dụng các nền tảng công nghệ thông minh có thể giúp Đà Nẵng song song thực hiện mục tiêu đẩy mạnh Chính quyền điện tử và xây dựng Thành phố thông minh, mang lại lợi ích cho người dân.

Hướng tới mục tiêu thành phố thông minh, an toàn

Theo định nghĩa của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), “Một Thành phố thông minh là thành phố kiến tạo, sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả của các dịch vụ và hoạt động đô thị, nâng cao tính cạnh tranh mà vẫn bảo đảm được nhu cầu của thế hệ hiện tại và tương lai về mặt kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa”.

Từ năm 2014, thành phố Đà Nẵng chính thức đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố. Thành phố Đà Nẵng đã 11 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số Sẵn sàng ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Tin học Việt Nam đánh giá, xếp hạng.

Mô hình chính quyền điện tử Đà Nẵng nhận giải thưởng We Go năm 2014. Việc triển khai thành công Chính quyền điện tử đã tạo niềm tin, là nền tảng để thành phố xây dựng Thành phố thông minh.

Cũng trong năm 2014, với sự tư vấn của các chuyên gia IBM (một tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia), Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Xây dựng thành phố thông minh hơn”; triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh trong lĩnh vực giám sát giao thông thông minh, môi trường, kiểm soát nguồn cấp nước, an toàn thực phẩm, giám sát an ninh trật tự, giáo dục, y tế; chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu mở... đem lại tác động tích cực trong quản lý, điều hành đô thị.

Từ cuối năm 2018, Đà Nẵng đã chính thức triển khai xây dựng Thành phố thông minh qua việc ban hành Kiến trúc tổng thể Thành phố thông minh; phê duyệt Đề án Xây dựng Thành phố thông minh tại Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.

Trong Đề án, UBND thành phố đã xác định mục tiêu, lộ trình, các công nghệ áp dụng và 53 chương trình, dự án trọng điểm với kinh phí 2.200 tỉ đồng để xây dựng thành phố thông minh.

Cụ thể: Trong năm 2019 và năm 2020, dự kiến bố trí 345 tỉ đồng từ ngân sách kết hợp với khoảng 600 tỉ đồng từ hợp tác với các doanh nghiệp để thực hiện.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết: Định hướng của thành phố là tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông, như một công cụ giải quyết những thách thức trong quản lý đô thị hiện đại.

Trong thời gian tới, thành phố triển khai Thành phố thông minh trên 6 trụ cột là Giao thông thông minh, Giáo dục thông minh, Y tế thông minh, Môi trường thông minh, Quản trị thông minh, Công dân thông minh. Để thực hiện điều đó, thành phố đã xây dựng Đề án triển khai bao gồm 166 chương trình cụ thể.

Để ứng dụng các công nghệ Thành phố thông minh trong thực tế

Theo các chuyên gia về công nghệ, thành phố Đà Nẵng hiện có nhiều thế mạnh để ứng dụng thành công các giải pháp mới, công nghệ thông minh trong thực tế.

Lãnh đạo các Thành phố Thông minh thảo luận trong Hội nghị thượng đỉnh Thành phố Thông minh 2019 – Đà Nẵng. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tập đoàn TE-FOOD International nhận định: Đà Nẵng hoàn toàn có thể thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, vì đây là một thành phố có cơ sở hạ tầng tốt, quy hoạch bài bản, dân số không quá đông, đặc biệt là chính quyền thành phố rất quyết liệt và tập trung trong việc triển khai.

Thành phố không nên chờ đợi một giải pháp hoàn hảo mà triển khai dần dần từng lĩnh vực, phù hợp với nhu cầu cụ thể của người dân và sự phát triển của khoa học kỹ thuật.

Thách thức đối với thành phố hiện giờ là: Tìm được nguồn nhân lực cao phù hợp và chú trọng vào đặc trưng riêng của thành phố du lịch.

Đặc biệt, dù tiếp cận ở góc độ nào thì thành phố luôn phải đặt con người là trung tâm của tất cả các giải pháp: Giao thông, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm...

Về nguồn nhân lực để hiện thực hóa Thành phố thông minh, ông Steven Frust – Chuyên gia về Chiến lược, kiến trúc và chuyển đổi số, Công ty Hệ thống thông tin FPT góp ý: Đối với một Thành phố thông minh, bên cạnh những ứng dụng công nghệ thông tin dựa trên nền tảng 4.0, sự tăng cường hợp tác giữa chính quyền với các doanh nghiệp tư nhân, trường đại học, viên nghiên cứu cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Sự hợp tác chặt chẽ này chính là nền móng vững chắc cho nguồn nhân lực, việc ứng dụng các hỗ trợ thông minh trong nhiều lĩnh vực của thành phố trong tương lai.

Ông David Wong - Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á – châu Đại Dương cho biết: Trước tiên, ông rất ấn tượng với những việc Đà Nẵng đã làm được để xây dựng Thành phố thông minh trong hơn 10 năm qua và những kế hoạch phát triển đến năm 2030 của thành phố.

Theo kinh nghiệm của ông, người dân là đối tượng thụ hưởng vô cùng quan trọng trong việc thực hiện chính sách này.

Thành phố phải làm sao tuyên truyền hoặc có những chính sách để người dân hiểu rõ được vì sao phải lắp đặt camera giám sát để nhận diện xe cộ, khuôn mặt hay việc cung cấp thông tin cá nhân qua internet vào cơ sở dữ liệu chung. Bởi chỉ có những cư dân thông minh, quản trị thông minh mới có thể làm nên Thành phố thông minh.

Để tiếp tục phát triển định hướng Thành phố thông minh thành công, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: Trong thời gian tới, thành phố đã đặt ra nhiều giải pháp quan trọng cần thực hiện, giúp người dân được thụ hưởng các lợi ích thiết thực từ Thành phố thông minh. Đó là giải pháp hợp tác với doanh nghiệp, tập đoàn có uy tín.

Hiện nay UBND thành phố đã ký kết hợp tác với 6 đối tác như: Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Công ty cổ phần FPT, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á, Tập đoàn BRG.

Cùng với đó là giải pháp tiếp cận công nghệ, tiếp cận tư vấn của các chuyên gia, giải pháp chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp, các địa phương và quốc tế.

Tiếp đó, thành phố ban hành cơ chế, chính sách về đầu tư, bố trí tài chính trong quá trình triển khai: như hợp tác công tư PPP, thuê dịch vụ tư vấn, quy hoạch, giải pháp số…

Việc xây dựng Thành phố thông minh là xu hướng chung của cả thế giới, cũng là yêu cầu trong phát triển của thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là nhiệm vụ do Bộ Chính trị giao cho Đà Nẵng tại Nghị quyết 43 ngày 24/1/2019 về Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng phải “hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục